Những cổ phiếu một thời…: SD7 - Leo lên đỉnh, rớt xuống đáy

Từng là 1 trong 10 mã CP có giá cao nhất trên TTCK, nhưng đến thời điểm hiện tại CTCP Sông Đà 7 (SD7) chỉ còn giao dịch ở mức giá tương đương ly trà đá. Nguyên nhân khiến SD7 rơi vào tình cảnh này xuất phát từ những quyết định chủ quan của HĐQT.

Thủy điện Sơn La - một trong những công trình có sự đóng góp của SD7.

Thủy điện Sơn La - một trong những công trình có sự đóng góp của SD7.

Bề dày lịch sử

SD7 là đơn vị thành viên của Tổng công ty Sông Đà, được thành lập năm 1976 tại công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà (Yên Bái), thủy điện đầu tiên của Việt Nam. Ngay sau khi thành lập, SD7 đã tham gia xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tổng công suất 1.920MW trên sông Đà.

Trong quá trình phát triển, SD7 đã tham gia thi công các hạng mục công trình thuộc những công trình lớn của đất nước, như Giấy Bãi Bằng, Thủy điện Yaly 720MW, Thủy điện Tuyên Quang 342MW, Thủy điện Sơn La 2.400MW, Thủy điện Nậm Chiến 1 (220MW), Thủy điện Lai Châu 1.200MW, Đường Hồ Chí Minh và nhiều công trình công nghiệp, dân dụng khác.

Năm 1996, SD7 được xếp hạng doanh nghiệp loại I và chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình CTCP từ năm 2005. Đây là thời điểm hưng thịnh nhất của SD7 khi được giao đảm nhận việc khai thác, sản xuất vật liệu cung cấp cho các lực lượng xây dựng trên toàn công trường xây dựng Thủy điện Sơn La, với khối lượng khổng lồ khoảng 10 triệu m3 cát và nghiền đá nguyên liệu.

SD7 đã đầu tư 4 dây chuyền nghiền sàng công suất 350.000m3/năm nhập từ Nga. Trong đó có 1 dây chuyền công suất 650.000m3/năm nhập từ Thụy Điển cùng với những trạm trộn hiện đại của Đức, nhằm phối hợp đồng bộ trong việc làm nước lạnh phục vụ công tác đắp đập bê tông Đầm Lăn.

Đặc biệt, sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, thay vì chỉ làm nhà thầu thi công, SD7 làm chủ đầu tư xây dựng một số dự án thủy điện vừa và nhỏ để kinh doanh điện thương phẩm, như Thủy điện Yantannsien 19,5MW, Thủy điện Nậm He 16MW. Ngoài ra, SD7 còn tham gia đầu tư kinh doanh bất động sản, khu công nghiệp và đầu tư khai thác khoáng sản.

Nước cờ sai

ĐHCĐ thường niên 2019 của SD7 đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh với doanh thu đạt 52 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2,5 tỷ đồng, cổ tức 0%.

Việc tham gia các lĩnh vực mới lại chính là nguyên nhân nhấn chìm SD7 vào tình trạng thua lỗ kể từ năm 2015. Theo báo cáo tài chính (BCTC) năm 2015, lợi nhuận công ty đạt 600 triệu đồng. Nhưng sau khi hợp nhất, kết quả kinh doanh các công ty con của SD7 ghi nhận khoản lỗ 14,5 tỷ đồng.

Giải trình về nguyên nhân thua lỗ, lãnh đạo SD7 thừa nhận các khoản đầu tư tài chính dài hạn chưa đem lại hiệu quả, gây lãng phí rất lớn các nguồn lực, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho kết quả kinh doanh trong tương lai. Tính đến cuối năm 2015, SD7 đầu tư vào công ty con 289 tỷ đồng, công ty liên doanh/liên kết 52,4 tỷ đồng và 52 tỷ đồng góp vốn vào đơn vị khác. Trong khi đó dự phòng đầu tư tài chính dài hạn (cho tất cả khoản mục nói trên) là 26,3 tỷ đồng.

Điều đáng nói, những tín hiệu bất thường về SD7 đã xảy ra từ năm 2013 nhưng đã không được lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm và điều chỉnh kịp. Cụ thể, theo BCTC năm 2012, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của SD7 bất ngờ âm 18,7 tỷ đồng, nguyên nhân chính cũng từ các công ty con, công ty liên doanh/liên kết.

Đơn cử, CTCP Sông Đà 8 (SD7 nắm 49,38% cổ phần) lỗ 35,7 tỷ đồng, Công ty TNHH Đồ gỗ Yên Sơn (SD7 nắm 98,5% cổ phần) lỗ 6,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, thay vì tái cơ cấu bằng việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, SD7 lại quyết định mở rộng đầu tư vào các doanh nghiệp mới, tiếp tục rót thêm vốn và nhân lực để vực dậy các doanh nghiệp này.

Việc nâng cấp từ nhà thầu lên chủ đầu tư dự án cũng là nguyên nhân đẩy SD7 vào thế khó, do chi phí lãi vay và phí quản lý doanh nghiệp tăng cao, trong khi trình độ quản lý không theo kịp. Kết quả của nỗ lực này là chuỗi thua lỗ kéo dài và SD7 chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX từ ngày 25-5-2018 do thua lỗ 3 năm liên tiếp: năm 2015 lỗ 14,5 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 214,6 tỷ đồng và năm 2017 lỗ 17,6 tỷ đồng.

“Vua thất hứa”

Ngay sau khi chuyển đổi mô hình thành CTCP, ngày 25-12-2006, SD7 chào sàn HNX. Lên sàn trong bối cảnh TTCK bùng nổ nên SD7 cũng thăng hoa lên mức giá lịch sử 494.400 đồng/CP. Thế nhưng, sau đỉnh lịch sử này, SD7 lao dốc không phanh và kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trên HNX với giá 3.000 đồng/CP.

Đến ngày 1-6-2018, SD7 niêm yết trở lại trên UPCoM với cam kết sẽ đưa doanh nghiệp vượt khó. Tuy nhiên, trái với sự kỳ vọng của bộ máy quán lý, SD7 không nhận được sự quan tâm của NĐT, khi niềm tin vào khả năng quản trị của doanh nghiệp xuống thấp sau hàng loạt quyết định sai trong quá khứ.

Niềm tin vào SD7 càng cạn kiệt khi SD7 được giới đầu tư mệnh danh là “vua thất hứa” với truyền thống khất cổ tức, dù tỷ lệ chia trả thấp. Đơn cử, cổ tức năm 2010 là 8% (800 đồng/CP), nhưng đến năm 2014 SD7 mới chi trả với lý do muôn thuở “chưa thu xếp được vốn”.

Trong tình cảnh khốn khó này, SD7 lại liên tục đón nhận những thông tin bất lợi, có tác động xấu đến giá CP. Đầu tiên là việc đối tác của SD7 là CTCP Thép Thành Đô nộp đơn lên Tòa án tỉnh Sơn La thụ lý đơn, yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với SD7 do khoản nợ gần 4,32 tỷ đồng. SD7 còn vướng sự kiện khá hy hữu khi doanh nghiệp bị nhắc tên trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan vụ lùm xùm về dự án chung cư Viện Bỏng Lê Hữu Trác. Nguyên nhân do trùng tên với doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án là CTCP Đầu tư đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7.

Kim Giang

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/nhung-co-phieu-mot-thoi-sd7-leo-len-dinh-rot-xuong-day-74775.html