Những cổ phiếu một thời…: PET - Đứng yên là tụt hậu

Là cổ phiếu (CP) ngành phân phối niêm yết sớm nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK), những tưởng PET (Tổng CTCP dịch vụ tổng hợp Dầu khí - Petrosetco) sẽ tận dụng cơ hội để lớn mạnh hơn nữa. Thế nhưng, hiện PET lại là CP có thị giá… thấp nhất trong ngành.

Một thời huy hoàng

Vào ngày 12-9-2007, 25,53 triệu CP PET có phiên giao dịch đầu tiên tại Sở Giao dịch CK TPHMC (HOSE) và đóng cửa với giá 58.000 đồng/CP. Kết thúc năm 2007, PET lãi ròng hơn 52 tỷ đồng và tăng trưởng mạnh trong 5 năm đầu tiên có mặt trên sàn. Kết thúc năm 2011, PET báo lãi sau thuế lên đến gần 293 tỷ đồng. Đây cũng là giai đoạn CP PET làm mưa làm gió trên thị trường và nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân lẫn tổ chức.

Các đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của PET được tổ chức ở những khách sạn sang trọng tấp nập người đến tham dự. Thậm chí có những cổ đông đến tham dự ĐHCĐ của PET chỉ để… thưởng thức tiệc trà (tea break) hoặc lấy đồ ăn đem về nhà. Trong giai đoạn huy hoàng của PET, 3 đơn vị cùng chức năng như PET gồm: DGW (DigiWorld) - doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành bán buôn, MWG (Thế giới di động) và FRT (FPT Retail) chưa biết lúc nào sẽ lên sàn, nên PET được xem là độc quyền.

Hoạt động kinh doanh chủ lực vào thời điểm đó của PET là phân phối ĐTDĐ Nokia, thời điểm smartphone của Apple, Samsung chưa chiếm lĩnh thị trường như bây giờ. PET còn tiêu thụ cả laptop Dell, Fujitsu… ra thị trường. Những tem bảo hành PSD (Petrosetco Distribution) trên các sản phẩm điện tử được PET tiêu thụ được xem là bảo chứng quan trọng cho chất lượng của sản phẩm.

Cũng phải nói đến PSD, công ty mà PET đang nắm giữ hơn 55% cổ phần, đóng vai trò chủ lực trong lĩnh vực phân phối, đã được PET đưa lên sàn vào giữa năm 2013, với khối lượng CP niêm yết tại Sở Giao dịch CK Hà Nội (HNX) lần đầu 14,2 triệu CP. PSD đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên với giá lên đến 68.000 đồng/CP, tức còn cao hơn cả PET lúc mới chào sàn, được xem là món hàng hấp dẫn vì là đơn vị chủ lực trong hệ thống Petrosetco. Năm 2013, PET công bố doanh thu đã kiểm toán đạt gần 11.750 tỷ đồng, trong đó PSD đóng góp 6.300 tỷ đồng, chiếm 53,6%.

Lên đỉnh cao đã khó, duy trì được lại khó hơn và PET bắt đầu quá trình tụt lại phía sau. Lần lượt các năm sau 2011, kết quả kinh doanh (KQKD) của PET giảm xuống. Từ chỗ lãi ròng đạt gần 293 tỷ đồng năm 2011, đến năm 2012 chỉ tiêu này của PET giảm xuống chỉ còn 188 tỷ đồng, tiếp tục giảm những năm sau đó, khi năm 2018 lãi ròng chỉ xấp xỉ 132 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính quý IV-2019, PET báo lãi lũy kế 4 quý, tức lãi cả năm 2019 đạt gần 149 tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với 2018. Dù vậy, thị trường chưa nhìn nhận đây là tín hiệu tích cực, bởi lẽ PET hiện giờ giảm xuống dưới mệnh giá khá xa.

Khoảng chục phiên gần đây, PET quanh quẩn ở ngưỡng 7.600 đồng/CP. Thời oanh liệt, thanh khoản của PET tính bằng hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu CP mỗi phiên, còn ở thời điểm hiện nay có phiên khối lượng giao dịch (KLGD) của PET chưa đạt 1.000 CP.

Khó lội ngược dòng

Cách đây chục năm, một DN có vị thế, tên tuổi, làm ăn có lãi nhưng giá CP lại dưới mệnh giá có thể là chuyện lạ, thậm chí CP sẽ hút tiền để tăng trở lại. Tuy nhiên hiện nay trường hợp của PET không còn là cá biệt, cho thấy sự phân hóa khắc nghiệt nhưng cần thiết của thị trường. Bởi nhìn về dài hạn chưa thấy điều gì thật sự hấp dẫn cho PET, dù DN vẫn đang có lãi. Trong khi đó, những CP ngành phân phối khác như MWG, DGW vẫn thường xuyên thu hút NĐT nhờ những chia sẻ của lãnh đạo DN. Bởi đối với DN ngành phân phối, kỳ vọng về tăng trưởng trong dài hạn thường được quan tâm và dựa trên 2 yếu tố:

Thứ nhất, sản phẩm DN đang phân phối có khả năng tăng trưởng tiếp hay không? Mảng smartphone đang bước vào giai đoạn bão hòa và điều này đã được nhìn nhận khá rõ. Thứ hai, khi mảng điện thoại bão hòa, Thế giới di động, FPT hay DigiWorld đã và đang tìm kiếm những sản phẩm mới để tiêu thụ, từ điện máy đến dược phẩm, mỹ phẩm, đồng hồ…

Vốn hóa của PET hiện nay xấp xỉ 660 tỷ đồng, vào loại thấp nhất trong số các công ty ngành phân phối trên sàn. Thử làm phép so sánh, vốn điều lệ của PET 866 tỷ đồng, lớn gấp đôi vốn điều lệ của DGW xấp xỉ 420 tỷ đồng. Tuy nhiên, DGW còn kịp đạt mức vốn hóa hơn 1.000 tỷ đồng, trong khi PET chưa đạt. Một chi tiết khá thú vị, PET ngoài chuyện là DN ngành phân phối hàng điện tử lên sàn sớm nhất, còn là DN duy nhất của ngành này có cổ đông lớn, cổ đông sáng lập là DNNN (Petro Vietnam). Đây là lợi thế một thời của PET, nhưng hiện nay lại đẩy chính DN và cả cổ đông của PET vào thế khó.

Một điều chắc chắn là lĩnh vực phân phối, tiêu thụ vẫn có những lợi thế đặc biệt, việc xây dựng được thương hiệu và hệ thống bán buôn Petrosetco đã làm cũng không phải là chuyện có thể làm trong một sớm một chiều, và điều quan trọng là DN này vẫn đang có lãi. Nhưng Petro Vietnam lại đang trong giai đoạn có nhiều thách thức, còn với giá CP của PET hiện nay cũng không dễ gì có thể bán giá cao. Nếu PET vẫn cứ hoạt động như hiện nay, sẽ rất khó tạo ra sức bật.

Có 2 kịch bản khả dĩ nhất để có thể tạo ra cú hích cho PET. Thứ nhất, ban lãnh đạo PET sẽ có những chiến lược mang tính đột phá để vực dậy hình ảnh, vị thế, tạo ra sự linh hoạt trong hoạt động để cạnh tranh sòng phẳng với các công ty phân phối tư nhân. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, nếu có thể làm được điều này có lẽ PET đã… làm lâu rồi. Thứ hai, cần có sự tham gia của những làn gió mới, các cổ đông từ bên ngoài. Tuy nhiên, việc đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ không hề đơn giản trong thời điểm nhiều “tấm gương” đi trước đã thất bại và phải đóng cửa, giải thể.

PET đang ở trong ngành nghề mà tăng trưởng, vận động là điều bắt buộc. Vì thế, việc đứng yên một chỗ, hoặc bình chân như vại, thiếu sức bật cũng đồng nghĩa với sự tụt hậu.

Thái Ca

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/nhung-co-phieu-mot-thoi-pet-dung-yen-la-tut-hau-77342.html