Những cô giáo chiến thắng bệnh hiểm nghèo bằng tình yêu trẻ thơ

Gắng vượt qua những cơn đau về thể xác do căn bệnh ung thư tuyến giáp hoành hành, ngày ngày, hai cô giáo Trần Thị Liên và Triệu Thị Nhung vẫn đến trường, đứng lớp để ươm những mầm xanh cho đời. Với họ, việc được dạy dỗ, chăm sóc các 'thiên thần nhỏ' luôn là liều thuốc hữu ích để các cô chiến thắng căn bệnh ung thư.

1. Gặp chúng tôi khi vừa trở về sau đợt điều trị căn bệnh ung thư tuyến giáp, cô Trần Thị Liên, giáo viên Trường Mẫu giáo Kim Đồng 4 (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) không kìm nổi nước mắt bởi sau khi dùng nhiều hóa chất để điều trị bệnh, cô bị nhiễm độc cường giáp.

Từ một người khỏe mạnh, tóc dài thướt tha, giờ đây trên đầu cô giáo Liên không còn một sợi tóc. Cô tâm sự: "Những ngày nằm điều trị bệnh, tôi nhớ tiếng nói của con trẻ đến cồn cào, nên khi được ra viện là tôi xin phép hiệu trưởng cho đi dạy ngay".

Cần mẫn, rèn cho các em từng nét chữ.

Vốn sinh ra trong một gia đình khó khăn nên cuộc sống của cô rất vất vả. Năm 1993, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm nhà trẻ mẫu giáo Hải Phòng, cô giáo trẻ Trần Thị Liên xin về công tác tại Trường Mẫu giáo Kim Đồng 4. Nhờ ham học hỏi, nỗ lực phấn đấu, năm 2007, cô giáo Liên được các đồng nghiệp tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ chuyên môn của trường.

Niềm vui chẳng được bao lâu, cô Liên phải chịu nỗi đau chồng mất. Vượt lên nỗi đau đó, cô vẫn ngày ngày cần mẫn với công việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ thơ, dành hết tình yêu thương để chắp cánh cho những ước mơ của con trẻ.

Sau 25 năm công tác, với tâm huyết, kinh nghiệm chuyên môn vững, cô Liên đã gặt hái được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng và nhiều năm liên tiếp đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở;...

Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười để bù đắp những tháng ngày gian nan, vất vả thì bất ngờ năm 2015, cô Liên phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp.

Cô Liên tâm sự: "Khi cầm trong tay kết quả xét nghiệm, tôi sụp đổ hoàn toàn và tự hỏi sao ông trời lại nỡ đối xử với mình như vậy. Bây giờ tôi biết sống sao đây, chẳng nhẽ cánh cửa cuộc đời mình sẽ đóng lại từ đây ư. Trong lúc tinh thần sụp đổ thì chính nhờ vào lời động viên của gia đình, bạn bè, Ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là những ánh mắt ngây thơ của các em nhỏ đã giúp tôi lấy lại tinh thần, quyết tâm sống, cống hiến và chiến đấu với căn bệnh quái ác này".

Có niềm tin sẽ có tất cả, cô Liên luôn tự nhủ với lòng mình như vậy. Vì thế, cô xin nhà trường nghỉ phép để đi điều trị bệnh tại Hà Nội. Cô kể, khoảng thời gian khủng khiếp nhất đối với cô là khi phải truyền hóa chất, xạ trị. Khi đó, không chỉ đau đớn về thể xác mà còn chán nản về tinh thần.

Sức khỏe cô yếu dần. Mái tóc dài óng ả cứ rụng từng mảng, từng mảng, rồi… rụng hết. Cô cầm những lọn tóc rụng cất kỹ như một kỷ vật. Có những đêm mất ngủ cô mang tóc ra, cứ mân mê vuốt ve từng sợi, từng sợi cho đỡ nhớ!

Tình yêu thương con trẻ là động lực giúp cô Triệu Thị Nhung vượt qua căn bệnh.

Trong thời gian điều trị, được sự động viên của Phòng Giáo dục và Đào tạo Lê Chân, Ban giám hiệu cùng tập thể cán bộ, giáo viên trường Mẫu giáo Kim Đồng 4 và đặc biệt là niềm đam mê đứng lớp với học trò vẫn luôn cháy bỏng trong tâm can đã giúp cô lấy lại tinh thần và có ý chí vươn lên chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo.

"Khi phải nằm điều trị bằng hóa chất, Ban giám hiệu nhà trường, các đồng nghiệp đã rất tận tình, chu đáo, động viên tôi rất nhiều. Đó chính là động lực để tôi vượt lên, dần chiến thắng bệnh tật", cô Liên tâm sự mà nước mắt chảy dài.

Khi sức khỏe dần hồi phục, cô lại hăng say nhận nhiệm vụ nhà trường giao, đồng thời truyền lại lòng nhiệt huyết cho các đồng nghiệp. Ở trường, ai cũng thương và khâm phục cô giáo Liên, mặc dù mắc bạo bệnh nhưng vẫn luôn sáng tạo trong giảng dạy, áp dụng phương pháp dạy học linh hoạt theo hướng lấy học sinh làm trung tâm để các bé phát huy tính tự lập, tư duy sáng tạo.

Cô luôn nhẫn nại, khéo léo khi chăm sóc và được trẻ rất yêu quý. Năm học 2015-2016, cô giáo Liên đạt giải nhất thành phố trong cuộc thi về đồ dùng, đồ chơi sáng tạo, phát triển vận động trẻ mầm non. Đặc biệt, năm học 2017, cô Liên giành giải nhất Thành phố hội thi "Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm".

2. Cũng mang căn bệnh ung thư tuyến giáp giống cô Trần Thị Liên, cô giáo Triệu Thị Nhung đang từng ngày phải "chiến đấu" với căn bệnh quái ác này. Là người dân tộc Tày, quê ở tỉnh Cao Bằng, hơn 20 năm qua cô gắn bó đời mình với mảnh đất cố đô Hoa Lư, gắn với nghiệp trồng người trên quê hương thứ hai tại Trường Mầm non Ninh Vân (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

Trở thành cô giáo, lấy được một người chồng hết mực thương yêu,… những tưởng cuộc sống cứ thế trôi qua. Đùng một cái, đi khám tổng quát định kỳ, cô Nhung phát hiện ra mình mắc căn bệnh tử thần - ung thư. Thế nhưng, thay vì đầu hàng số phận, cô lại chấp nhận bệnh tật, xem nó như thử thách để vượt qua. Mỗi ngày, bên các "thiên thần nhỏ", cô giáo vẫn lạc quan yêu đời với nụ cười luôn nở trên môi khiến đồng nghiệp rất khâm phục.

Vào đúng dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2016, cô Nhung phát hiện mình mắc bệnh ung thư tuyến giáp giai đoạn 2 phải phẫu thuật và xạ trị. Hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn, giờ biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, cô Nhung lại càng kiệt quệ hơn.

Bản thân phải chiến đấu với bệnh tật, chồng con ốm đau liên miên dẫn đến kinh tế khó khăn. Nhưng không vì thế mà cô bỏ bê công việc. Cô vẫn luôn lạc quan, yêu đời, ngày nào cũng đến trường từ sáng sớm, để hoàn thành công việc chuyên môn một cách mẫu mực.

Đau đớn vì bệnh tật nhưng cô Nhung rất may mắn khi có một gia đình hạnh phúc bởi chồng, con luôn ở bên động viên và ủng hộ. Bên cạnh đó là sự giúp đỡ của các đồng nghiệp trong trường để cô vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Chúng tôi hỏi cô về bí quyết để sống lạc quan, cô Nhung cười hiền: "Ước mơ của mình từ nhỏ là được làm cô giáo. Mình yêu những em bé hồn nhiên trong sáng. Mình luôn cố gắng vì các em nhỏ và để đáp lại sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của mọi người. Được đứng lớp, bên các em nhỏ là bệnh của mình dường như tan biến".

Trong những năm tháng cống hiến cho nghề, cô Nhung luôn khẳng định được năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Trong các đợt thi cấp trường, huyện, tỉnh, cô được đánh giá cao về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như các kĩ năng xử lí tình huống của mình.

Vì vậy, cô đã được sự tín nhiệm của cán bộ, giáo viên trong trường và đạt được nhiều thành tích đáng nể trong quá trình công tác. Nhiều năm cô Nhung đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường và liên tục đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện.

Với những thành tích xuất sắc trong công tác, cô Triệu Thị Nhung đã được UBND huyện, Sở GD&ĐT tặng nhiều bằng khen, giấy khen… và cô được Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong 10 năm liên tiếp.

Cô giáo Trần Thị Liên luôn lấy con trẻ làm nguồn vui sống.

Hiện nay, cô Nhung đang là Tổ phó chuyên môn mẫu giáo, giáo viên lớp 5 tuổi, Ủy viên BCH Công đoàn và Phó ban Thanh tra nhân dân Trường mầm non Ninh Vân. Ngoài những thành tích trên, cô Nhung còn được cán bộ, giáo viên trong trường, phụ huynh học sinh khâm phục bởi sự lạc quan và tinh thần vượt khó.

Dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng hằng ngày cô Nhung vẫn đến trường, bám lớp để ươm những mầm xanh cho tương lai. Cô luôn gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao phó, tích cực tham gia các lớp học về chuyên môn để nâng cao trình độ nghiệp vụ, đảm bảo tốt chức năng chủ nhiệm lớp và công tác thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ cũng như hoạt động của các tổ chức công đoàn, phụ nữ…

Mới đây, cô Triệu Thị Nhung là một trong hai nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho hàng nghìn cán bộ giáo viên ngành GD&ĐT Ninh Bình vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen trong lễ tri ân, tôn vinh những tấm gương nhà giáo tiêu biểu năm 2018.

Tuấn Trình

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/nhung-co-giao-chien-thang-benh-hiem-ngheo-bang-tinh-yeu-tre-tho-528697/