Những cô gái Quảng Trị bất chấp nguy hiểm đi phá bom mìn chiến tranh

Đã 44 năm trôi qua từ khi chiến tranh kết thúc ở Việt Nam, đội phá bom mìn toàn nữ vẫn đang miệt mài thực hiện công việc của mình để đem lại bình yên cho quê hương Quảng Trị.

Khoác trên mình bộ đồng phục bằng vải kaki và mang đôi bốt chuyên dụng, những người nữ ở đủ độ tuổi buộc tóc đuôi ngựa và túm gọn đuôi tóc dưới chiếc nón tai bèo. Các chị cẩn trọng bước đi trên khu đất trống trải với máy dò kim loại trên tay, tay còn lại cầm xô và xẻng nhỏ.

Họ lần dò từng tấc đất và chậm rãi dõi theo sự im lặng của máy quét. Một khi chiếc máy kêu lên, cả đội sẽ bắt tay vào công việc gỡ mìn. Họ là đội phá bom mìn toàn nữ được thành lập vào tháng 10 năm 2015 bởi dự án RENEW của tỉnh Quảng Trị phối hợp với các tổ chức nước ngoài.

Lê Thị Hoa và công việc đem lại bình yên cho xóm làng.

Những người phụ nữ làm công việc không dành cho nữ

Tại quê hương Quảng Trị, nơi từng phải gồng mình lên để hứng chịu những cơn mưa bom mìn, ngày càng có nhiều người nữ tham gia công việc dò và phá bom chưa nổ. Đây là công việc nguy hiểm và tưởng chừng như không phù hợp với nữ giới, nhưng trong thực tế đã có 60 nhân sự là nữ cũng như vừa có thêm 12 người nữ khác gia nhập vào những tháng đầu năm nay.

Nguyễn Thị Thủy là một thành viên của dự án, cùng tham gia chương trình này với chị còn có 167 nữ nhân sự khác. Chị Thủy cho biết mình đã tham gia dự án này từ năm 2013 khi hiểu được mối nguy hiểm của bom mìn chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Một thiết bị dò bom mìn chưa nổ của Đức có giá khoảng 4.000 USD được sử dụng tại dự án ở Quảng Trị.

Sinh ra tại huyện Gio Linh, địa phương ghi nhận số lượng bom mìn hậu chiến nhiều đến nỗi trồng trọt cũng là việc nguy hiểm, chị Thủy cho biết đó chính là lý do khiến mình phải thực hiện công việc này, “Tôi từng chứng kiến cảnh tượng nhiều người bị chết vì bom mìn chưa nổ, người bạn ở xóm tôi cũng bị thương nặng vì chúng. Tôi muốn làm việc này để giúp quê hương mình được an toàn hơn”.

Cô gái 29 tuổi được chồng ủng hộ tuyệt đối, nhưng cha mẹ của chị lo lắng rất nhiều và từng phản đối gay gắt. “Không cha mẹ nào muốn con mình phải làm công việc đối diện với tử thần mỗi ngày, nhưng rốt cuộc tôi cũng đã thuyết phục được họ”, cô gái trẻ cười tươi dưới chiếc nón tai bèo, chia sẻ.

Tại Gio Linh có hẳn một xóm nghề chuyên thu gom phế liệu là các thiết bị nổ có từ chiến tranh.

Năm 2015, chị Thủy được thăng chức làm đội trưởng đội gỡ bom mìn với 100% thành viên là nữ đầu tiên ở Quảng Trị. Cũng trong thời gian này, chị nhận tin vui khi biết mình có thai. Dẫu mang trong mình sinh linh bé nhỏ, nhưng người mẹ trẻ vẫn bất chấp hiểm nguy để đi làm mỗi ngày và chỉ nghỉ làm một tháng trước sinh.

Biến điều không thể thành điều có thể

Lê Thị Hoa trước đây là nữ công nhân ở đồn điền cao su, giờ đã là trưởng nhóm của nhóm phá bom toàn nữ cùng với chị Thủy. Thực hiện công việc giúp xóm làng im tiếng nổ, chị Hoa là một nhân vật truyền cảm hứng giúp nhiều phụ nữ khác trong vùng tham gia dự án này.

Cũng là một người từng chứng kiến cảnh tượng đau thương khi hàng xóm của mình mất đi người thân do giẫm phải bom mìn chưa nổ, chị Hoa rất đau lòng và trăn trở vì tại sao đất nước đã im tiếng súng được hơn bốn thập niên nhưng quê hương mình cứ mãi oằn lên vì những cơn mìn nổ.

Đội phá bom toàn nữ đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được thành lập từ năm 2015.

Khi mới bỏ công việc cũ để khoác lên người bộ đồng phục mới, người con gái với vóc dáng nhỏ nhắn cũng lo sợ nhiều điều như người thân của chị. Nhưng sau khi hoàn thành khóa tập huấn về kỹ năng cùng biện pháp bảo vệ an toàn của tổ chức, chị đã tự tin và giải quyết được 7 thiết bị nổ trong hai tháng đầu tiên.

“Tôi đã gỡ được hàng chục quả bom cùng nhiều thiết bị kích nổ khác, cộng với số lượng mà đồng đội thực hiện được, nó vẫn là một con số rất nhỏ nếu so với lượng bom mìn nằm rải rác trên khắp tỉnh nhà. Tôi mong muốn có thể làm được nhiều hơn để giúp quê hương.

Trước đây, người ta vẫn thường nói việc gỡ sạch bom mìn ở Quảng Trị gần như là một điều bất khả thi, bởi số lượng vật gây nổ nằm dưới lòng đất là rất nhiều. Người ta chỉ có thể hoặc tránh xa các khu vực có bom mìn nhưng tôi không tin không gì là không thể”, chị Hoa chia sẻ về công việc.

Đầu đạn là 'di sản' của chiến tranh tại Quảng Trị.

Theo Trung tâm Hành động vì Bom mìn Quảng Trị, đã có hàng ngàn trẻ em thương vong vì những thiết bị nổ còn sót lại sau chiến tranh. Kể từ khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975, đã có ít nhất 990 trường hợp trẻ em từ 1 tuổi đến 15 tuổi tử vong trong các vụ nổ. Số trẻ bị thương vì bom mìn là hơn 1.600 em.

Vương Quốc Anh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/nhung-co-gai-quang-tri-bat-chap-nguy-hiem-di-pha-bom-min-chien-tranh-5721579.html