Những cô cậu bé kêu gọi lãnh đạo 'không ngồi đổ lỗi và chờ đợi...'

Theo CIA World Fact Book, trẻ em và thanh thiếu niên không chỉ đại diện cho nhóm đa số đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu mà còn là đối tượng dễ bị tổn thương bởi hệ quả của biến đổi khí hậu.

Dưới đây là top 5 gương mặt nhỏ tuổi có những hoạt động tích cực bảo vệ môi trường.

1. Timoci Naulusala và bài phát biểu truyền cảm hứng

"Kính thưa tất cả quý vị, cháu nghĩ các bài phát biểu hay tọa đàm không thể đối phó với biến đổi khí hậu, điều quan trọng là chúng ta phải hành động.”

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức, Angela Merkel, và Chủ tịch COP23, Voreqe Bainimarama

Khi mới 12 tuổi, Timoci Naulusala đến từ quần đảo Fiji, nam Thái Bình Dương đã có bài phát biểu tại hội nghị thường niên cao cấp của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu COP23 ở Bonn, Đức.

Bài phát biểu của cậu bé đã gây ấn tượng mạnh với các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị này. Cậu bé kêu gọi tất cả mọi người hãy nhìn thẳng vào tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Timoci nói với các nhà lãnh đạo thế giới rằng chúng ta không nên ngồi đổ lỗi và chờ đợi bất cứ ai, mà tất cả mọi người phải chung tay hành động cứu lấy trái đất.

Bài phát biểu của cậu bé đã giành chiến thắng trong cuộc thi hùng biện về biến đổi khí hậu quốc gia ở Fiji mang đến cho cậu cơ hội phát biểu tại COP23.

2. Ridhima Pandey-cô bé “dám” kiện chính phủ

Cô bé Ấn Độ 12 tuổi, Ridhima, đã phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp của biến đổi khí hậu từ rất sớm.

Năm 2013, khi chỉ mới 6 tuổi, cô đã chứng kiến trận lũ lụt tàn phá Uttarakhand. Những hình ảnh và câu chuyện về thảm họa năm đó đã tác động sâu sắc tới nhận thức của cô bé.

Ridhima đã khởi xướng một bản kiến nghị dài 52 trang tới Tòa án Xanh Quốc gia để tố cáo chính phủ Ấn Độ đã thất bại trong việc thực thi luật bảo vệ môi trường.

Hành động của chính phủ khiến cô bé và người dân Ấn Độ phải hứng chịu ô nhiễm và những hệ lụy của nó. Sau khi xem xét, tòa tuyên bố chính phủ Ấn Độ phải có các biện pháp cụ thể giám sát thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường theo đúng luật.

Cô bé còn được mời tham gia một hội nghị về biến đổi khí hậu ở Paris. Hội nghị được tổ chức bởi Fondation Danielle Mitterrand với chủ đề "Các hành động pháp lý chống biến đổi khí hậu."

3. Melati và Isabel-2 cô bé với chiến dịch “Tạm biệt túi nilon”

Khi Melati và Isabel Wijsen đang bơi ở vùng biển Bali, cả 2 chị em thấy có rất nhiều túi nilon trên biển.

Đây là lý do hai cô bé phát động chiến dịch "Tạm biệt túi nilon" khi mới 10 - 12 tuổi để nâng cao nhận thức về vấn đề sử dụng nilon của mọi người.

Năm 2019, họ đã tổ chức Ngày hội dọn rác lớn nhất ở Bali, với quy mô 20.000 người, thu gom được 65 tấn chất thải.

Cả hai đã kêu gọi 350 doanh nghiệp địa phương ký cam kết loại bỏ sử dụng các sản phẩm nhựa hàng ngày như cốc và ống hút.

Ngoài Bali, Dự án "Tạm biệt túi nhựa" cũng đã thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, như Bộ trưởng Môi trường Hàn Quốc.

Hai chị em có cơ hội phát biểu tại các hội nghị môi trường, như Hội nghị về bảo vệ biển quốc tế do Liên Hợp Quốc tổ chức ở San Diego.

Cả Melati và Isabel đều nhận thấy điều đáng giá nhất trong chiến dịch đó là các em đã nâng cao được nhận thức cho các bạn trẻ-những chủ nhân của tương lai về vấn đề bảo vệ hành tinh xanh.

4. Greta Thumberg-cô bé được đề cử giải Nobel hòa bình

Tháng 10-2018, Ủy ban Liên chính phủ Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố báo cáo đặc biệt về những hậu quả và tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên các nước quốc gia vẫn chưa có động thái rõ ràng nào..

Trước sự im lặng đó, Greta quyết định bỏ học vào mỗi thứ sáu để ngồi trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển cùng tấm biển có thông điệp “Bãi khóa vì khí hậu” (tiếng Thụy Điển: “Skolstrejk för Klimatet”) đã làm cả thế giới phải suy nghĩ. Cứ như thế, cô bé 15 tuổi nghỉ học vào mỗi ngày thứ sáu từ tháng 8-2018 cho tới tận bây giờ.

Ngày 15-3-2019, chiến dịch Fridays for Future (Những thứ 6 vì tương lai) khởi nguồn từ thái độ kiên quyết của Thunberg đã làm nên lịch sử với hơn 2.000 cuộc tập trung xuống đường, 1,4 triệu người tham gia ở 123 quốc gia khắp các châu lục thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo, đốc thúc chính phủ có biện pháp kịp thời.

Greta Thunberg cũng có một bài phát biểu đáng chú ý tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ đầu năm nay. Cô sẽ không dừng lại cho đến khi Thụy Điển ký Hiệp định Paris với mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C trong thế kỷ này. Greta còn được đề cử giải Nobel vì hòa bình.

Trà Mi

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/guong-mat-tre/nhung-chien-binh-moi-truong-nho-tuoi-519857.html