Những chuyến xe đáng nhớ của nhóm sinh viên tình nguyện vào tâm dịch

9h sáng, chiếc xe cấp cứu lăn bánh rời Bệnh viện dã chiến số 1 Hải Dương, đưa nhóm của Diệu Linh tới một địa điểm trong TP. Chí Linh thực hiện lấy mẫu xét nghiệm.

Tổ lấy mẫu có 8 người, gồm 2 nhân viên thuộc Trung tâm Y tế TP. Chí Linh và 6 sinh viên Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Diệu Linh và các bạn đều sinh năm 2001, là sinh viên năm 2, ngành Xét nghiệm.

Trong chiếc xe cấp cứu chật chội và khá xóc, nhóm sinh viên tranh thủ nhẩm lại các vấn đề chuyên môn, giúp nhau chỉnh trang bộ đồ bảo hộ: “Phải miết băng dính thật chặt vào tất cả lỗ hổng, không để virus có cơ hội bay vào”, Linh mỉm cười, nói.

Linh và các bạn trên chiếc xe cấp cứu di chuyển tới địa điểm lấy mẫu

Linh và các bạn trên chiếc xe cấp cứu di chuyển tới địa điểm lấy mẫu

Các em giúp nhau chỉnh trang lại đồ bảo hộ trước khi vào lấy mẫu

Sau 15 phút, chiếc xe dừng lại tại một nhà máy thuộc thành phố Chí Linh. Sáng nay, nhóm của các em sẽ lấy khoảng 360 mẫu bệnh phẩm tại đây.

Người dân đã đứng chờ rất đông, xếp hàng từ sớm để được lấy mẫu. Nhóm sinh viên sắp xếp lại các vật tư, chia thành từng kíp nhỏ dưới sự chỉ đạo của Đội lấy mẫu, Trung tâm Y tế TP. Chí Linh để bắt đầu công việc.

Diệu Linh và các bạn tham gia tập huấn xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày 28/1, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát căng thẳng ở Hải Dương. Các em được thông báo thuộc nhóm dự bị, bởi nhà trường sẽ huy động sinh viên năm 3, năm 4 lên đường trước.

Sau tập huấn, một số bạn trong nhóm bắt xe về quê để đón Tết cùng gia đình. Tuy nhiên, ngay trưa 29/1, các em nhận huy động gấp: cần thêm sinh viên năm 2 hỗ trợ do số ca nhiễm tăng rất nhanh, kéo theo lượng rất đông người phải lấy mẫu.

Lúc nhận tin, Huy Hoàng, thành viên trong nhóm vừa về nhà ở Nghệ An được gần 2 tiếng. Hành lý vẫn còn chưa kịp xếp gọn, Hoàng vội nói chuyện với bố mẹ, lập tức bắt xe trở ra miền Bắc.

Không có xe khách thông tuyến, em phải đi một chuyến ra Hà Nội, sau đó bắt thêm chuyến khác tới Hải Dương. Tối muộn 29/1, Hoàng có mặt để tập trung cùng các bạn, chuẩn bị bắt đầu công việc ngay sáng 30/1.

Người dân có mặt rất đông tại địa điểm lấy mẫu

Diệu Linh (bên trái) được giao nhiệm vụ ghi mẫu cùng 1 nhân viên y tế của Trung tâm Y tế TP. Chí Linh

Các thành viên khác trong nhóm nhận nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm

Khác với Hoàng, Diệu Linh khi ấy chưa kịp về quê ở Thái Bình. Em đã sắp sẵn quần áo cùng rất nhiều quà cho gia đình, nhưng mọi kế hoạch phải hoãn lại.

“Khi em gọi nói chuyện với bố mẹ, mẹ buồn nhiều và khóc. Em là con một trong nhà, mẹ bảo cả năm mới có mấy ngày Tết, mong con gái về đoàn tụ mà nay con không về được. Sau khi em tâm sự, bố mẹ cũng hiểu và lại động viên em cố gắng”, Linh kể.

Tại TP. Chí Linh, lớp của Diệu Linh và Hoàng được chia thành từng nhóm nhỏ để hỗ trợ nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm. Công việc của các em là ghi mẫu, lấy mẫu, sau đó sắp xếp đúng quy định để gửi mẫu lên các đơn vị xét nghiệm.

Lịch làm việc không cố định, tùy theo sự điều động của Trung tâm y tế. Các em luôn phải chú ý điện thoại, trong tâm thế chờ cuộc gọi thông báo lịch đi.

Thông thường, nhóm sinh viên có mặt tại Bệnh viện dã chiến để bắt đầu đi lấy mẫu vào buổi sáng, kết thúc ca làm việc vào khoảng đầu giờ chiều. Ca làm việc thứ hai bắt đầu từ chiều tới tối. Tuy nhiên, do số lượng mẫu ở mỗi địa điểm khác nhau, một ngày, các em có thể làm nhiều ca, hoặc một ca nhưng kéo dài tới muộn.

“Ngày vất vả nhất, em xong việc vào khoảng 8-9h tối. Đi làm thế này, lịch sinh hoạt bị đảo lộn so với khi đi học. Trước đây, 5h chiều là chúng em được về nấu ăn, nhưng bây giờ nhiều hôm tối muộn mới về nghỉ, chỉ kịp ăn vội cái bánh hoặc gói mì để còn nghỉ ngơi”, Linh chia sẻ.

Làm công việc lấy mẫu, các em phải rất tỉ mỉ, kiên nhẫn. Hoàng tâm sự, thực hiện kỹ thuật không đúng cách có thể khiến người dân bị chảy máu hoặc kết quả xét nghiệm sai, rất nguy hiểm cho việc phòng dịch.

“Lấy mẫu cho trẻ em rất khó vì các em hay la khóc. Một số người lớn lại không chịu hợp tác, hất tay rồi đòi ra về. Những lúc ấy, chúng em phải cố gắng động viên, thuyết phục họ, trường hợp trẻ em thì nhờ người thân cùng dỗ dành”, Hoàng nói.

Huy Hoàng lấy mẫu cho một trường hợp nhỏ tuổi

Các em sắp xếp, rà soát lại mẫu sau khi lấy mẫu xong

13h chiều, các em kết thúc toàn bộ việc lấy mẫu, lên xe trở về nơi tập kết cùng các bạn trong nhóm khác. Suất cơm hộp hôm nay có thịt gà, canh măng khiến nhiều bạn thích thú.

Diệu Linh bảo, ở phòng trọ, em đã mua nửa con gà để ăn cho có không khí Tết. Cô bé cũng sắm cả miến để nấu canh măng, nguyên vật liệu làm nem, thịt đông. “Có mỗi món xôi là em không thể tự nấu”, Linh mỉm cười, kể.

Tết năm nay là năm đầu tiên tất cả các em xa nhà. Linh nói, hôm trước trên đường về, nhìn thấy một bạn được mẹ chở đi chợ, em cũng tủi thân tới bật khóc. Ở xa nhà, các em dựa vào nhau, động viên nhau cùng cố gắng.

14h chiều, các em bắt đầu dùng bữa trưa

Vừa dừng bữa trưa, nhóm sinh viên nhận nhiệm vụ tiếp tục lấy mẫu ở một địa điểm khác. Nhanh thoăn thoắt, các em lại giúp nhau mặc trang phục phòng hộ để lên đường.

Khi lên xe, Hoàng bảo, muốn hát tặng các bạn bài “Xuân này con không về”. Giọng nhẹ nhàng, xúc động của cậu trai xứ Nghệ vang lên khe khẽ trong chiếc xe cấp cứu. Không thể thấy rõ cảm xúc do bộ đồ phòng dịch kín mít, chỉ thấy các em đều im lặng, nắm chặt tay nhau.

Diệu Linh thủ thỉ, em không biết khi nào được trở về, nhưng không hề hối hận với quyết định của mình. “Là sinh viên trường y, đây là việc em nên làm. Bố mẹ đều bảo rất tự hào về chúng em”, Linh nói.

Nhóm 6 người của Huy Hoàng, Diệu Linh trước giờ lên đường đi lấy mẫu

Nguyễn Liên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/nhung-chuyen-xe-dang-nho-cua-nhom-sinh-vien-tinh-nguyen-vao-tam-dich-713305.html