Những chuyến vươn khơi chan đầy nước mắt của ngư dân miền Trung

Việc Trung Quốc đột ngột thay đổi phương thức nhập khẩu sản phẩm mực khô khiến những chuyến vươn khơi của ngư dân miền Trung chan đầy nước mắt.

Ngư dân khóc ròng

Tháng 6, tháng 7, trời miền Trung nắng như đổ lửa. Men theo triền con nước bạc màu ngọn sóng, hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi cập cảng sau hải trình dài vượt trùng khơi “ăn gió nằm sương” ở Hoàng Sa.

Mùa này, tôm cá đầy khoang, bà con ở dải đất miền Trung tự bao đời bám biển mưu sinh tràn ngập hân hoan. Thế nhưng, trái ngang, chưa kịp hưởng trọn niềm vui thì không ít ngư dân hành nghề câu mực đang “ngậm đắng nuốt cay” với những chuyến biển chan đầy nước mắt.

 Nhiều tàu câu mực của ngư dân xã Bình Chánh cập cảng với hàng tấn mực xà.

Nhiều tàu câu mực của ngư dân xã Bình Chánh cập cảng với hàng tấn mực xà.

Chúng tôi tìm về xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) giữa những ngày đầu tháng 7.

Nắng bỏng rát, trút từng hơi hầm hập xuống dải cát trắng men theo xã biển được mệnh danh là “thủ phủ” của nghề khai thác mực xà ở Quảng Ngãi. Nắng trải khô khốc khiến bao ai nấy nhăn nhó.

Vậy nhưng, cái khổ của thiên nhiên gieo rắc cũng không khốc liệt bằng nỗi cay đắng từ những chuyến biển buồn mà bà con ngư dân quanh năm bám Hoàng Sa kiếm cơm ăn áo mặc đã và đang nếm trải.

Đầu tháng 6, con tàu mang công suất lớn bậc nhất ở địa phương của ông Nguyễn Ngọc Quý (thôn Mỹ An, xã Bình Chánh) cập cảng sau hàng tháng trời lênh đênh trên biển.

Tàu chuyên khai thác mực xà ở ngư trường Hoàng Sa và sản phẩm mà thuyền trưởng Quý cùng 40 thuyền viên mang về đất liền hiển nhiên là mực.

Ngày con tàu neo vào bờ, ai nấy khấp khởi mừng vui. Nhẩm tính thôi, ngư dân Quý ước chừng 20 tấn mực khô mà ông cùng các bạn thuyền câu được sẽ thu về cái giá không dưới 3 tỷ đồng.

Nào ngờ, mực phơi chất đống như núi trước những cái lắc đầu của thương lái.

Mực phơi khô rang nhưng thương lái lắc đầu.

Hơn một tháng nay, ông Quý chạy đôn chạy đáo tìm chỗ tiêu thụ sản phẩm mực khơi khô nhưng mọi cố gắng đều như “dã Tràng xe cát”.

Từ mức giá dao động trong khoảng 150-160 nghìn đồng/kg, vị thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm câu mực chấp nhận “xuống nước”, quyết tâm bán tống bán tháo với cái giá 110 nghìn đồng/kg.

Thế nhưng, chẳng một thương lái nào chịu gật đầu ưng thuận. Hàng chục tấn mực khô chan đầy mồ hôi nước mắt của hơn 40 ngư dân cứ thế nằm im lìm trong kho.

“Bình thường, mực của bà con ngư dân sẽ được tư thương thu mua và xuất bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghe mọi người bảo con đường vận chuyển bị ách lại do phía Trung Quốc thay đổi phương thức nhập khẩu. Cứ cái đà này, chuyến biển vừa qua của anh em tôi trở thành công cốc”, ngư dân Quý giãi bày.

Ngoài trường hợp của ông Quý, ở “thủ phủ” câu mực này, rất nhiều ngư dân đang điêu đứng trước tình trạng mực khơi khô tồn đọng.

Không dưới 2.000 tấn – đó là sản lượng mực tồn kho tại xã Bình Chánh tính tới thời điểm đầu tháng 7 mà ông Nguyễn Thành Tín, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin với chúng tôi.

Theo ông Tín, xã Bình Chánh hiện có khoảng 70 tàu hành nghề câu mực với số lượng lao động lên tới 3.000 người.

Và khi con đường đưa sản phẩm mực khơi khô đang bị ách tắc thì hàng nghìn ngư dân địa phương này cũng lâm vào tình cảnh hết sức lao đao.

Ông Phan Bá Linh cùng hàng nghìn ngư dân ở huyện Núi Thành đang đứng ngồi không yên vì mực tồn kho.

Chung cảnh ngộ với bà con xã Bình Chánh, gần 2.000 ngư dân hành nghề trên 61 con tàu câu mực khơi khô ở các xã ven biển của huyện Núi Thành cũng đang “ngồi trên đống lửa”.

Đúng 1 tháng nay, con tàu mang số hiệu QNa 900.37 của ông Phan Bá Linh “chôn chân” ở cảng khi kết thúc chuyến biển đầy gian nan.

Nhắc đến khoảng thời gian khó khăn đang phải gồng mình trải qua, ông Linh buông tiếng thở dài, ngao ngán khi đổ ánh nhìn về phía 23 tấn mực khô đang tồn đọng trong kho.

“Đó là công sức của tôi và bạn thuyền suốt 2 tháng trời dầm mưa dãi nắng ở Hoàng Sa. Chuyến biển trước, tàu tôi câu được 27 tấn mực khô, bán với giá 130 nghìn đồng/kg và thu về 3,5 tỷ đồng.

Còn bây giờ, mực dồn ứ vì bị bít đường xuất khẩu sang Trung Quốc thì không biết chừng nào tôi và mấy anh em mới đạp sóng vươn khơi”, ông Linh nói.

Tìm đường “cứu” hàng nghìn tấn mực

Trước khó khăn mà ngư dân địa phương đang phải đối mặt, mới đây, ông Lê Trí Thanh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) ký công văn gửi Bộ Công thương, Bộ NN&PTNN, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản về việc đề nghị hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mực khô của ngư dân địa phương.

Tàu câu mực của ngư dân huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Theo ông Thanh, trước đây, sản phẩm mực khơi khô của ngư dân Quảng Nam được các thương lái thu mua, xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Vì vậy, việc tiêu thụ mực khơi khô không bị chi phối, ràng buộc bởi những quy định về thương mại giữa các nước xuất khẩu và nhập khẩu sản phẩm này.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Trung Quốc yêu cầu việc nhập khẩu một số sản phẩm, trong đó có mực khơi khô phải theo đường chính ngạch, dẫn tới tình hình tiêu thụ sản phẩm mực khơi khô không được thuận lợi như trước.

Tính đến thời điểm đầu tháng 7, số lượng mực khơi khô đang tồn đọng tại huyện Núi Thành là khoảng 1.000 tấn.

Chính quyền Quảng Nam đang tìm đường "cứu" hàng nghìn tấn mực khô của ngư dân.

Trong nội dung công văn vừa gửi, tỉnh Quảng Nam kính đề nghị Bộ Công thương, Bộ NN&PTNN, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản xem xét, hỗ trợ.

Theo đó, tỉnh Quảng Nam kính đề nghị các cơ quan trên đàm phán với Bộ ngành, Hải quan Trung Quốc để sản phẩm mực khơi khô của tỉnh được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, Quảng Nam sẽ tra cứu thông tin liên quan đến những yêu cầu, điều kiện của Trung Quốc để hàng nông sản Việt Nam được xuất khẩu theo đường chính ngạch.

THANH BA

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhung-chuyen-vuon-khoi-chan-day-nuoc-mat-cua-ngu-dan-mien-trung-d485657.html