Những chuyện tình đẹp của ông già Biển Hồ

Suốt cuộc đời ông lặng lẽ làm việc thiện, cứu người giúp đời. Tên ông được dân làng đặt cho một ngọn núi hùng vĩ ở Tây Nguyên. Và, ít ai biết rằng, tuổi thanh xuân đi qua bom đạn của kẻ thù, ông cũng có những mối tình khắc cốt ghi tâm. Ông là Quách Trọng Hoan (SN 1941, ngụ xã Biển Hồ, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Ông già Biển Hồ Quách Trọng Hoan

Ông già Biển Hồ Quách Trọng Hoan

Huyền thoại ngọn núi Chư Hoan và Ông già Biển Hồ

Ngôi nhà nhỏ của ông Hoan nằm ẩn mình bên hàng thông xanh, bên bờ Biển Hồ thơ mộng, cánh cổng nhỏ với dòng chữ giản dị: “Ai cần, gọi tôi” và bên dưới là số điện thoại để khi ai cần ông cứu nạn có thể liên lạc.

Trong nhà không có gì quý giá hơn trừ một bộ đồ lặn. Trên bàn thờ là tấm ảnh của Bác Hồ và 4 câu thơ ông sáng tác vận vào đời ông: “Tâm đi theo Phật, hồn theo Bác/ Xa lánh công danh lánh nợ tình/ Hết giặc lui về làm việc thiện/ Sống đời thanh bạch thác oai linh”.

Như bao đứa trẻ khác ở làng Liêm Trung (xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), cậu bé Hoan sinh ra và lớn lên bên dòng sông Hoàng Long. Thế nên từ nhỏ, Hoan đã được mệnh danh là “rái cá” khi luôn thắng trong các cuộc thi bơi, lặn của đám bạn chăn trâu.

Lớn lên, chàng thanh niên Hoan tham gia kháng chiến. Không ngờ chiến tranh kéo chàng thanh niên này đi khắp chiến trường 3 nước Đông Dương, rồi cuối cùng sống chết với đồng bào Tây Nguyên, gắn bó với họ như những người ruột thịt.

Và mối lương duyên giữa ông với Biển Hồ - nơi nhạc sĩ Nguyễn Cường ví “đôi mắt Pleiku - Biển Hồ đầy” cũng thật kỳ lạ. Đó là gần Tết Mậu Thân 1968, trên đường tiến quân, chàng trai đất Bắc mang tâm hồn thơ mộng đã mê mẩn khi nhìn thấy Biển Hồ đẹp lung linh dưới ánh bập bùng của pháo sáng địch. Rồi tự nhủ lòng mình, nếu còn sống trở về sau ngày đất nước thống nhất sẽ vào đây lập nghiệp với cuộc sống thanh bần.

Năm 1974, ông trở về quê lấy vợ, năm 1978 ông dẫn gia đình vào mảnh đất Gia Lai làm kinh tế mới. Lúc này, ông được giao nhiệm vụ làm cán bộ định canh, định cư ở các bản làng.

Dòng chữ: “Ai cần, gọi tôi” và số điện thoại của ông Hoan được treo trước cửa nhà.

Những tưởng sau ngày giải phóng, cuộc sống của người dân sẽ bình yên, nhưng rồi đất Tây Nguyên lại dậy sóng khi các thế lực thù địch tiếp tục kích động đồng bào dân tộc thiểu số hoạt động theo bọn phản động Fulro. Thế là ông Hoan xung phong vào các huyện Ia Grai và Chư Păh làm công tác định canh, định cư và tham gia chống Fulro cùng lực lượng công an.

Để nắm tình hình, ông lên ngọn núi ở làng Bàng (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) trồng bắp, lúa rẫy như một người dân ở làng. Cũng từ đó, ông cùng lực lượng chức năng xác định được đối tượng cầm đầu bọn Fulro ở Tây Nguyên là Rơ Châm Loăk - kẻ được phong là trung tá Fulro.

Và nhờ bám làng, bám dân, ông đã thuyết phục được vợ của Loăk nhằm phối hợp bắt giữ chồng mình. Từ đó, lần lượt các thành viên Fulro ở Tây Nguyên cũng ra đầu thú xin khoan hồng. Sau đó, Loăk phải đi học tập cải tạo 3 tháng rồi về. Giờ đây, Loăk đã trở thành một tỷ phú cà phê ngay trên chính quê hương mình và xin được làm bạn cùng ông.

Kính nể trước việc làm của ông Hoan đã làm cho quê hương được bình yên, người dân làng Bàng đã đặt ngọn núi nơi ông từng ở là núi Chư Hoan như một sự tạc dạ ghi ơn. Chư theo tiếng Jrai là núi.

Năm 1978, khi vào Gia Lai, gia đình ông sống ở trung tâm TP.Pleiku nhưng ông vẫn tìm cơ hội để được sống bên Biển Hồ. Năm 1988, khi mua được mảnh đất ở đây, dù vợ con không chịu lên nhưng ông vẫn đến đây làm nhà ở một mình.

Ngày lại ngày, ông lặng lẽ thu gom rác và xác các động vật chết, trôi nổi trên mặt hồ để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân và cứu người gặp nạn. Dù Biển Hồ có diện tích mặt nước 250ha nhưng ông thuộc như trong lòng bàn tay nơi nào nước sâu, chỗ nào vực thẳm, đá nhọn.

Người dân quanh Biển Hồ hầu như ai cũng có số điện thoại của ông. Khi nhận được tin có người tìm cách quyên sinh hay tai nạn đuối nước ở Biển Hồ là ông tức tốc chạy bộ hoặc chèo thuyền đi cứu người. Đến nay, ông đã cứu sống 10 người khỏi bàn tay của thủy thần, vớt gần 100 thi thể người xấu số chết đuối. Ông được bà con nơi đây gọi theo tiếng Jrai là Ơi IaNuêng - Ông già Biển Hồ.

Cách đây hơn 10 năm, vụ đắm thuyền trên Biển Hồ làm chết 7 em học sinh đang học lớp 11. Ông đau quặn lòng khi lặn tìm thi thể từng cháu nhỏ, đêm đó ông đã khóc suốt đêm và đổ bệnh. Trong một đêm thức trắng, ông quyết định xây đền Vạn Linh ở góc vườn dưới bóng cây đa cổ thụ sát Biển Hồ để khuây khỏa nỗi đau cũng như làm nơi thờ cúng cho những người xấu số.

Tháng 12/2012, Tổ cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Gia Lai được thành lập, và ông trở thành người thầy đầu tiên của tổ.

“Bây giờ tôi lớn tuổi lắm rồi, sức không còn khỏe như thanh niên để lặn, để bơi cứu, vớt người bị nạn nữa. Tôi truyền dạy kinh nghiệm cứu người bị nạn cho thế hệ sau như thỏa tâm niệm của đời mình”, ông Hoan tâm sự.

Hiện tại, các con ông giờ đã yên bề gia thất, thành đạt và ngỏ ý mời ông về ở cùng để con cháu phụng dưỡng nhưng ông từ chối và bảo chỉ muốn sống thanh thản một mình trong căn nhà nhỏ bên Biển Hồ thơ mộng.

Đền Vạn Linh được ông Hoan xây ở góc vườn nằm sát Biển Hồ.

Được biết, năm 2011, ông Hoan vinh dự được nhận giải thưởng Kova do nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ký. Đây là một giải thưởng lớn tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội có những việc làm nhân văn, cao thượng, qua đó nhằm nhân rộng hơn nữa các nghĩa cử này, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp.

Những mối tình đẹp

Mỗi khi nhắc đến Ông già Biển Hồ, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc ông Hoan cứu người gặp nạn trong suốt 30 năm qua. Nhưng nếu ngồi nhâm nhi ly trà, trò chuyện với ông, nhiều người sẽ đi từ ngạc nhiên đến bất ngờ khi nghe ông kể về những mối tình đẹp thời thanh xuân của mình. Và có lẽ, câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Hồ Dzếnh: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” đã vận vào ông.

Suốt thời chiến tranh, ông có hai mối tình dang dở nhưng không thể nào quên được. Mối tình đầu với một cô gái Lào và mối tình thứ hai với một cô gái xinh đẹp ở Ninh Bình.

Mối tình đầu của chàng thanh niên Hoan gắn với một cô gái Lào tên Manivon.

Năm 1966, ông được phân công phụ trách bến phà Tà Khống, chuyên chở bộ đội, lương thực, thực phẩm vào Nam ra Bắc. Đây là một trong những trọng điểm ác liệt nhất tuyến đường 9 - Nam Lào.

Một lần, ông bị ốm phải nằm bẹp một chỗ nên rất buồn. Thấy vậy, đại đội trưởng bảo ông lấy mấy viện đạn vào rừng săn thú rừng cho vui. Ông lấy khẩu súng cùng 3 viên đạn đi vào rừng. Trong chốc lát, ông một mạch bắn 3 phát đạn hạ một con lợn to đùng. Sau đó, ông quay trở về đơn vị gọi anh em đồng chí đến khiêng lợn về.

Con lợn được khiêng về trong sự vui sướng của cả đơn vị. Lúc đó chiến tranh ác liệt, đời sống bộ đội rất kham khổ nên con lợn rừng mang đến cho cả đơn vị bữa đại tiệc.

Biển Hồ, nơi ông Hoan ngày ngày làm việc thiện, cứu người giúp đời.

Tuy nhiên, hai hôm sau có 3 người Lào tìm đến đơn vị, họ đi tìm con lợn. Trong đó, có một cô gái chừng 18 tuổi, xinh như hoa bông hoa pơ lang trong rừng là chủ nhân của con lợn. Biết đã bắn nhầm lợn nuôi nên cả đơn vị đã xin lỗi những người này.

Mất lợn nhưng chuyện đã rồi nên họ cũng không trách bộ đội mà chỉ xin một bao muối đem về ăn. Và chàng thanh niên Hoan 25 tuổi nhận nhiệm vụ đưa những người này đi lấy muối. Thế là Hoan trở thành ân nhân của họ.

Cũng từ ấy, cô gái Manivon suốt ngày quanh quẩn bên Hoan. Anh ở trong căn hầm chữ A, hàng ngày cô mang ra hầm cơm nếp, cá suối nướng, thịt lợn cho anh bồi dưỡng. Rồi tình cảm nảy nở, họ yêu nhau và anh hứa hết chiến tranh sẽ cưới Manivon, rồi đưa cô về Việt Nam.

Sau khi biết chuyện, đại đội trưởng liền phản đối mối tình ngày. Ông kể rằng, hồi chống Pháp, ông có nghe kể về một người tên là Hồ Du Tử yêu một cô dân tộc nên bị xử bắn vì tội vô kỷ luật, yêu đương bất chính. Vậy là Hoan rơi vào khổ đau. Suốt đêm chàng chiến sĩ trẻ thao thức không ngủ, cầm trên tay chiếc khăn Manivon thêu tặng anh mà đau xót, vừa thương mình vừa thương người yêu.

Những ngày thấy cấp dưới của mình buồn chán, đại đội trưởng hiểu được tâm tư của Hoan nên sau khi suy nghĩ đã động viên anh cứ tiếp tục duy trì tình cảm, khi điều kiện chín muồi đơn vị sẽ tổ chức đám cưới, không phải chờ đến khi kết thúc chiến tranh. Nghe được lời này, anh sung sướng không nói được nên lời.

Nhưng chiến tranh không ai học được chữ ngờ. Một đêm cuối năm 1966, sau khi chở bộ đội qua sông, Hoan cùng một đồng đội cột phà vào một gốc cây rồi cả hai ngủ vùi vì quá mệt sau một ngày căng thẳng. Đêm đó, mưa rừng liên miên làm sạt lở bờ suối, kéo đổ cây khiến con phà cứ thế trôi lênh đênh trên dòng sông Amahiên sang tận Campuchia.

Tạnh mưa, hai người bàng hoàng thấy xung quanh là cánh đồng xanh mướt, không còn núi, không còn rừng. Họ đã đi xa cách Tà Khống mấy trăm cây số. Từ đó, không có dịp trở lại đất Lào và anh ôm theo mối ân hận là không gặp lại được Manivon, không được nói với cô một lời.

Sau lần ấy, Hoan từ chiến trường trở về nhận công tác quản lý Trường Đoàn của tỉnh Hà Nam Ninh. Trường có đến 700 đoàn viên nữ. Thời gian ở đây, nhiều cô gái vây quanh Hoan nhưng anh chỉ quan tâm đến người con gái tên Đào Thị Hồng Tơ nhưng không dám ngỏ lời. Tơ là hoa khôi của trường và được bao chàng trai theo đuổi.

Một lần mọi người cùng đứng ở sân nhìn ra vách núi thấy mấy con chim đậu trên mỏm đá. Một cô gái thách anh bắn được con chim thì muốn thưởng gì cũng được. Trong nhóm này có Tơ nên anh liền nhìn Tơ và nói: “Nếu anh bắn trúng thì gả cô Tơ cho anh nhé”. Tơ mặt đỏ bừng rồi nói: “Em đồng ý”. Anh giờ súng lên và bắn trúng con chim rơi xuống đất trong sự thán phục của mọi người.

Từ hôm đó, mỗi ngày anh làm một bài thơ gửi tặng Tơ. Có đến cả 100 bài được chép trong sổ thơ của anh. Thơ mộc mạc nhưng nồng nàn, say đắm. Nhưng rồi, mối tình của anh lại bị hiệu trưởng ngăn cản, bởi Tơ là người công giáo và sẽ có nhiều nhiệm vụ quan trọng. Nếu lấy anh thì hôn nhân ảnh hưởng đến nhiệm vụ của Tơ mà tổ chức đang xây dựng.

Và rồi, mối tình thứ hai của Hoan lại dang dở. Sau đó, theo sự phân công của tổ chức, anh được cử đi học lớp bổ túc công nông. Đến năm 1968, anh được học Đại học Kinh tế kế hoạch, năm 1974 tốt nghiệp.

Trước khi chia tay chúng tôi, Ông già Biển Hồ bảo: “Đời người chỉ như thoáng mây bay, phải tranh thủ làm những điều có ích cho xã hội. Ai cần gọi tôi”. Chắc chắn, nhiều người sẽ gọi cho ông, miễn là ông sống khỏe mạnh vào những năm cuối cuộc đời làm việc thiện của mình.

Thắng Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/nhung-chuyen-tinh-dep-cua-ong-gia-bien-ho-400788.html