Những chuyến thâm nhập 'vùng nóng' miền Tây Quảng Nam

Đã gần 2 năm cộng tác cho Báo CAND, tôi đã có những chuyến tác nghiệp vào 'vùng nóng' ở khu vực miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam. Những chuyến hành trình là một câu chuyện dài đầy nguy hiểm, bởi 'lâm tặc', hay 'vàng tặc' luôn sẵn sàng dùng các thủ đoạn hiểm ác khi bị cản trở công việc 'làm ăn' của họ, trong khi tôi lại là thân phận nữ nhi.

Khó khăn là vậy nhưng để có những tư liệu, hình ảnh chân thật nhất thông tin đến bạn đọc, tôi đã không ngần ngại cùng các đồng nghiệp khác tiếp cận hiện trường các vụ phá rừng, khai thác vàng trái phép để thực hiện phóng sự điều tra, góp phần giúp cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý đối tượng vi phạm…

Vụ phá rừng quy mô lớn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (huyện Nam Giang), sau khi tiếp nhận nguồn tin của người dân, tôi cùng 3 đồng nghiệp tìm cách tiếp cận hiện trường vào đầu tháng 4-2019. Với những thông tin rất chung chung, trong khi đường vào rừng phải vượt qua nhiều dốc cao, suối sâu đầy hiểm trở, gian nan, nên tôi bàn với các đồng nghiệp phải tìm một người thông thuộc địa hình để dẫn vào rừng.

Tuy nhiên, để thuyết phục người dẫn đường không phải là chuyện dễ dàng, vì họ sợ bị “lâm tặc” trả thù. Sau nhiều lần hẹn gặp, trao đổi, chúng tôi mới được hai người đồng bào dân tộc ở thôn Pà Xua, xã Bhing, huyện Nam Giang, đồng ý dẫn đường với giá thuê 1 triệu đồng. Bản thân là nữ, lại không phải người địa phương nên để vào rừng mà không bị “lâm tặc” phát hiện, tôi và các đồng nghiệp “đóng vai” thành những người đi hái nấm lim xanh.

Chuẩn bị đầy đủ tư trang, vật dụng, sáng sớm 5-4-2018, từ thôn Pà Xua chúng tôi men theo con đường mòn trơn trợt, leo qua những dốc đá cheo leo để vào hiện trường vụ phá rừng.

Khi tận mắt chứng kiến hàng trăm cây gỗ lim, sến, dổi... đường kính từ 1-1,5m bị “lâm tặc” đốn hạ chúng tôi không khỏi xót xa. Nhiều cây gỗ bị xẻ ra từng phách nằm rải rác khắp bờ sông chưa kịp chuyển đi, một số nơi “lâm tặc” đã lấy hết số gỗ chỉ để lại hiện trường những gốc cây trơ trọi.

Không chỉ riêng tình trạng sát hạ cây rừng, sau hơn 2 ngày tiếp cận rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, chúng tôi còn chứng kiến tình trạng tàn sát thú rừng quý hiếm một cách dã man. Trong khu rừng đặc dụng này, hàng trăm bẫy thú được đặt khắp nơi. Các lán trại được dựng lại trong rừng để phục vụ cho các đối tượng hoạt động săn bắn trái phép.

Tác giả tại hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Đăk Mi.

Tác giả tại hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Đăk Mi.

Khoảng 16h10 ngày 5-4-2019, tại một lán trại của người đàn ông tên Kh. chúng tôi gặp 4 người đàn ông đang làm thịt những con thú vừa mới săn bắt được; trong đó, có một con khỉ đầu chó trên 2kg, một con voọc chà vá chân xám vừa bị các đối tượng trên bắn chết để ngay trước lán trại.

Trước cảnh các đối tượng sát hại động vật hoang dã quý hiếm, chúng tôi tìm cách ghi lại một số hình ảnh và chỉ biết nén lòng nhẫn nhịn. Vì nhìn vào trong lán của các đối tượng, chúng tôi phát hiện có một khẩu súng giống AK 47, 2 khẩu súng thể thao dùng để bắn thú rừng. Các đối tượng rất cảnh giác trước sự có mặt của người lạ, dò xét thông tin rất kỹ lưỡng, nhiều lúc còn yêu cầu kiểm tra điện thoại của chúng tôi. Lường trước tình hình, chúng tôi đã nhanh chóng lưu trữ được thông tin, hình ảnh, không để các đối tượng phát hiện…

Thú thật, trong chuyến đi đầu tiên xâm nhập hiện trường vụ phá rừng với bao gian nan, nguy hiểm, trong tôi không khỏi cảm giác lo sợ. Nhưng để đưa được thông tin đến bạn đọc, tôi phải quyết tâm vào rừng bằng được và đến khi mang được những hình ảnh và ra khỏi rừng an toàn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Ngay sau khi có được đầy đủ thông tin, tôi đã nhanh chóng gửi về tòa soạn để đăng tải thông tin đến với bạn đọc. Một loạt tin, bài, phóng sự ảnh được Báo CAND đăng tải với đầy đủ nội dung, hình ảnh xác thực.

Với thông tin này, lực lượng chức năng đã vào cuộc kiểm tra tình hình, xác định toàn bộ số cây gỗ bị đốn tại hiện trường thuộc các khoảnh 4, 5, 7 của tiểu khu 309 (địa bàn các thôn Pà Xua, Pà Rồng của xã Ta Bhing) và xử lý theo quy định của pháp luật.

Riêng cá thể voọc chà vá chân xám bị giết hại, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh đã có công văn gửi Công an huyện Nam Giang nhờ xác minh đối tượng giết hại; đồng thời cử cán bộ phối hợp với UBND xã Ta Bhing xác minh các đối tượng khai thác, săn bắn trong rừng đặc dụng như Báo CAND đã phản ảnh...

Về sau, cũng từ nguồn tin người dân cung cấp, tôi đã tiếp cận hiện trường thêm nhiều vụ phá rừng tại các huyện vùng cao Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang… và đã có loạt bài phóng sự điều tra đăng trên Báo CAND.

Cụ thể như, các vụ phá rừng tự nhiên xã Phước Đức (huyện Phước Sơn), phá rừng phòng hộ Sông Tranh (huyện Bắc Trà My), rừng giáp ranh thôn 5 (xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My) với thôn 2 (xã Trà Vân, huyện Nam Trà My), phá rừng phòng hộ Đắk Mi (huyện Phước Sơn), rừng tự nhiên xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn), vụ phá rừng phòng hộ tại hai thôn Pà Căng và Bến Giằng (xã Cà Dy, huyện Nam Giang).

Sau khi Báo CAND đăng tải, cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra, ngăn chặn các vụ phá rừng và truy bắt các đối tượng. Từ vụ rừng phòng hộ Đắk Mi bị tàn phá được đăng tải, Công an huyện Phước Sơn đã xác định 2 đối tượng Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Long (cùng trú thôn 4, xã Phước Đức) khai thác gỗ trái phép tại khu vực nói trên.

Qua đấu tranh ban đầu, các đối tượng khai nhận vào tháng 3-2019, các đối tượng rủ nhau vào rừng phòng hộ Đắk Mi khai thác cây xoan đào nói trên. Hồ Văn Thanh là người trực tiếp cưa hạ cây, xẻ gỗ và thuê Hồ Văn Long phụ cưa xẻ với tiền công 200 nghìn đồng/ngày. Tại nhà đối tượng Thanh, tổ công tác thu giữ 0,624m³ gỗ xẻ, 1 máy cưa là công cụ Thanh dùng để cưa hạ cây. Công an huyện Phước Sơn đã hoàn tất hồ sơ khởi tố vụ án...

Những chuyến xâm nhập hiện trường phá rừng tuy khó khăn, thậm chí nguy hiểm cả tính mạng, nhưng đó là những chuyến xâm nhập thực tế giúp bản thân tôi hoàn thiện, học hỏi nâng cao thêm trong nghề làm báo, đó là đi để viết và cung cấp những thông tin mới nhất, chính xác nhất đến bạn đọc…

Hà Vy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/nhung-chuyen-tham-nhap-vung-nong-mien-tay-quang-nam-549945/