Những chuyến tàu vắng khách

Mặc dù mỗi tuần chỉ có một chuyến tàu hỏa duy nhất xuất phát từ lúc gần 5h sáng từ ga Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đi Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), nhưng số lượng hành khách vẫn hiu hắt, thậm chí có chuyến tàu chỉ có một người lên tàu. Đây có thể coi là 'điểm nhấn' để ngành đường sắt một lần nữa cần xem lại mình.

Vận tải đường sắt ngày một vắng khách

Trước thời điểm 1/4/2018, tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long có tần suất hoạt động mỗi ngày một chuyến, nhưng do thua lỗ kéo dài nên ngành đường sắt đã “co lại” chỉ còn duy nhất 1 chuyến/tuần vào ngày thứ 6.

Lẽ ra với việc “gom” cả tuần vào một chuyến tàu thì lượng hành khách sẽ phải khá hơn, nhưng thực tế mỗi chuyến tàu từ ga Yên Viên đi Hạ Long cũng không đầy nửa toa hành khách. Hầu hết trong số hành khách đó là những người không có việc vội, say xe khi đi ô tô chứ không phải vì tiện lợi hay quá yêu mến ngành đường sắt mà ưu tiên đi tàu hỏa.

Nếu chỉ có chiều Yên Viên - Hạ Long vắng khách, còn chiều ngược lại đông đúc thì cũng còn là điều an ủi cho ngành đường sắt. Song, trên thực tế cả chiều xuôi và chiều ngược tuyến đường sắt này đều có thực trạng một toa hành khách duy nhất của cả con tàu hầu như bỏ trống các ghế ngồi. Có những chuyến tàu từ Hạ Long về ga Yên Viên còn không có khách; thực trạng đáng buồn trên không phải là hiếm gặp, mà nó là khung cảnh quen thuộc hàng tuần.

Nếu được hỏi, chắc ngành đường sắt sẽ có nhiều cách lý giải như: Việc vắng khách là do hạ tầng giao thông đường bộ ngày càng phát triển, thuận tiện hơn khiến ngành đường sắt bị lấn lướt. Hay đi ô tô nhanh hơn nên hành khách không chọn phương tiện tàu hỏa...

Xin thưa ngay rằng, tất cả những cách giải thích kiểu trên đều không thể thuyết phục. Mà lý do chính của việc thiếu hành khách là cơ sở hạ tầng quá cũ, quá yếu kém không được đầu tư nâng cấp, cùng với đó là tư duy bao cấp đọng lại. Liệu có ai chấp nhận di chuyển bằng một phương tiện vừa chậm, không được chăm sóc chu đáo, vừa phải “chịu khổ” trên cả chặng hành trình trong những ngày hè oi bức, bởi bụi và tiếng ồn?...

Tuyến đường Yên Viên – Hạ Long có chiều dài 164km, nếu đi tàu hỏa thì giá vé khoảng 60.000 đồng và thời gian của hành trình là hơn 7 tiếng, trong khi vé ô tô khoảng 160.000-180.000 đồng và chỉ mất 3 tiếng rưỡi.

Giá vé ô tô có thể đắt gần gấp 3 lần giá vé tàu hỏa, song hành khách được lái phụ xe tươi cười niềm nở, ân cần săn đón, được ngồi máy lạnh trong suốt chặng hành trình, đến đích trong khoảng thời gian chỉ chưa bằng nửa thời gian đi tàu.

Gọi là gấp 3 lần, song số tiền chệnh lệch hơn 100.000 đồng trong thời giá hiện nay mà đổi lại được sự tiện nghi, thoải mái, vui vẻ thì có ai không chọn?

Mỗi loại hình vận tải đều có những thế mạnh riêng, chỉ là vấn đề những người “cầm trịch” có thể phát huy sở trường, hạn chế sở đoản hay không mà thôi. Ngành đường sắt hãy thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng phục vụ thì có lẽ cũng sẽ thu hút được không ít hành khách quay lại với loại hình vận tải này.

Tàu hỏa vẫn được coi là phương tiện vận tải ưu thế bởi tàu hỏa vận chuyển được nhiều hàng hóa, giá thành lại rẻ hơn so với phương tiện đường bộ. Đây chính là thế mạnh mà ngành đường sắt phải biết tận dụng khai thác triệt để mới mong tồn tại và phát triển.

Việc mỗi chuyến tàu xuất hành chỉ với 1 hành khách, thậm chí không có hành khách nào không chỉ là nỗi buồn của riêng ngành đường sắt, mà còn tốn kém, lãng phí nhân lực, vật lực. Phải chăng đã đến lúc ngành đường sắt phải tự xem lại mình.

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/nhung-chuyen-tau-vang-khach-tintuc408227