Những chuyện tâm linh kỳ bí về 'cụ bàng' trên 150 tuổi vừa ngã đổ

Sau này bà Chín Nhanh cũng đến đây lôi nhánh cây, chưa về tới nhà đã phải bò lê bò càng.

Xã đã mua cây bàng từ gần 20 năm trước

Khoảng 3 giờ sáng 20/8, một tiếng đổ sập, nghe kinh thiên động địa, ngay cạnh nhà chị Đặng Thanh Thúy (tổ 8, ấp Tân Đông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) khiến chị Thúy bừng tỉnh. Tiếng động là do “cụ bàng” cổ thụ ngã đổ, nằm chắn ngang đường và làm giập nát hàng chục cây cam, bưởi đang cho trái rất sai…

Ông Võ Hoàng Bá (nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Phú) xác nhận cây bàng cổ thụ trên hiện là tài sản công. Vì xã đã mua cây bàng trị giá 9 chỉ vàng của gia đình ông Trần Văn Tranh, ngụ ấp Tân Đông, xã Tân Phú. Đích thân ông Bá mang vàng trả cho gia đình này vào thời điểm khoảng năm 1990, dự kiến đốn hạ để xẻ lấy gỗ làm hội trường UBND xã. Xã có gọi thợ đến xem chọn hướng đốn.

 Cây bàng cổ thụ trên 150 tuổi bị ngã đổ do phần gốc bị rỗng ruột

Cây bàng cổ thụ trên 150 tuổi bị ngã đổ do phần gốc bị rỗng ruột

Tuy nhiên, lúc đó ông Nguyễn Văn Bình (đương chức Chủ tịch UBND huyện Châu Thành) hay tin, không đồng ý cho xã đốn vì cho rằng phải bảo tồn cây cổ thụ hiếm này. Có lần, gia đình ông Tranh ngỏ ý trả lại số vàng trên, không bán cây bàng này nữa. Nhưng chính quyền địa phương sợ gia đình sẽ bán cây cho người khác giá cao hơn, nên không đồng ý nhận lại số vàng.

Như vậy cây bàng cổ vẫn tiếp tục đứng sừng sững qua nhiều cơn bão lớn. Cơn bão số 5 (năm 1997) từng tàn phá nhiều nhà cửa, cây cối, hoa màu của người dân địa phương, nhưng cây bàng cổ vẫn không hề hấn…

Theo quan sát của PV tại hiện trường, cây bàng bị đổ, toàn bộ phần gốc đã bị rỗng ruột. Nhận được tin báo của người dân, UBND xã Tân Phú cử nhiều cán bộ xuống bàn phương án bán thanh lý, nhưng vẫn chưa ngã ngũ vì cây quá to, khó cưa xẻ và vận chuyển. Chu vi thân cây đo được hơn 2,5m, dài gần 18m.

Ông Hai Thắng kể về chuyện tâm linh quanh cây bàng cổ

Chị Thúy nói: “Thật tiếc cho cây cổ thụ hiện diện từ đời ông cố của gia đình nhà chồng tui! Nhưng nhà tui ở gần cây bàng cổ cũng lo sợ đủ điều: Sợ nửa đêm cây đổ vào nhà thì khó bảo toàn mạng sống. Sợ cây trồng bị thiệt hại khi cây bàng bất thình lình đổ vào vườn…”.

Đúng như chị Thúy từng lo lắng, hiện vườn bưởi, cam của chị đã thất thu nặng, nhiều cây bị giập nát, trái rụng văng khắp nơi. Tiếc rẻ, chị lượm trái bưởi non bán cho người mua làm nem chay. Chị đang làm đơn đề nghị xã hỗ trợ thiệt hại. Chị Thúy còn cho biết, có nhiều đêm chị mất ngủ vì người lạ mặt thường xuyên tụ tập tại ngôi miếu cổ cạnh gốc cây bàng cúng vái, cầu gì đó lúc 12 giờ khuya…

Dân đồn đoán “bà” ngự ngay khu vực cây bàng cổ thụ

Cây bàng trên mọc ở đất của cụ Trần Văn Thiệu (Bầu Thiệu) nên nhiều người địa phương quen gọi là “cây bàng ông Bầu Thiệu”. Dưới gốc cây bàng cổ thụ còn có ngôi miếu nhỏ do gia đình cụ Thiệu hương khói. Hiện vợ chồng ông Trần Văn Tranh (con của cụ Thiệu) đang sở hữu phần đất của ông bà để lại. Do tuổi cao, ông Tranh đã giao cậu con trai tên Hùng (cháu nội của cụ Thiệu) lo thắp nhang ngôi miếu thờ… Lúc cụ Thiệu còn sống, hàng năm các cụ cao niên đều tập trung lại, mặc áo dài khăn đống cúng miếu rất trang nghiêm.

Anh Hùng kể, mấy ngày nay, anh không thể hiểu vì sao lại có nhiều người lạ mặt kéo nhau đến đây vào ban đêm để cúng hoa quả, thậm chí khoảng 2 tuần trước họ còn mang cả heo quay đến cúng. Có người còn mang cả hình vong (chân dung 1 người đàn ông bị xóa nhòa khuôn mặt) lén để thờ trong miếu.

Ngôi miếu cổ thờ Bà Chúa Xứ cạnh cây bàng cổ luôn có nhiều người lạ đến cúng vái, cầu xin

Anh Hùng đưa cho chúng tôi giấy căn cước của ông nội anh (cụ Trần Văn Thiệu, SN 1903). Qua lời của những người thân trong gia đình anh Hùng, cụ Thiệu có kể lúc cụ chừng 15 tuổi đã thấy cây bàng to như vậy rồi. Mọi người nhẩm tính cây bàng cổ hiện nay có tuổi thọ phải trên 150 năm.

Trong khi đó, chị Thúy cho biết, chị có nghe chuyện một gia đình bên xã Phú Túc, huyện Châu Thành (Bến Tre), gom hết tài sản tích cóp sắm 1 chiếc ghe chở vật liệu xây dựng, chẳng may ghe bị chìm, thuê người trục với hoài không được… Nghe người mách nước, họ mang phẩm vật đến ngôi miếu cạnh cây bàng cổ thụ cúng, không ngờ 3 ngày sau chiếc ghe được trục với lên. Có thể từ lòng tin của họ và sự ngẫu nhiên được phước, rồi lan truyền cho nhau, nên mọi người mới tìm đến. Không loại trừ những người nghiện lô đề, cờ bạc tung tin…

Ông Tư Thạch cho biết 50 năm qua ông về làm rể cây bàng hầu như không lớn thêm

Để kiểm chứng những lời đồn đoán chung quanh cây bàng cổ thụ, chúng tôi tìm gặp những cụ cao niên cũng là con cháu trong gia đình của cụ Thiệu. Ông Hai Thắng (79 tuổi, ngụ ấp Tân Đông) cùng vợ của ông kể, cây bàng có Bà ngự khiến ai nghe cũng rùng mình. Trước 30/4/1975, mỗi lần vợ chồng ông bơi xuồng đi trên con rạch ngang qua chỗ cây bàng này thì thấy một vùng sáng rực, có thể nhìn thấy rõ cây cỏ ven kênh. Không ai dám nói với ai câu nào, cứ lặng lẽ bơi xuồng đi nhanh.

Còn chuyện những vệt sáng tuôn dài từ trên đọt cây xuống đất quanh khu vực cây bàng cổ, mọi người từ trẻ đến già đều thấy thường xuyên. Theo lời ông Hai Thắng: “Cách đây chừng 3 tháng, tui có dịp đi ngang qua, linh tính tui nghĩ đến chuyện cây bàng già sẽ ngã, lỡ đè chết người… tự nhiên tui nổi gai ốc khắp người”.

Riêng ông Tư Thạch (77 tuổi, nhà cách chỗ cây bàng cổ chừng 100m) cho biết, ông về làm rể tại ấp này tính đến nay đã 50 năm. Khoảng thời gian đầu đến quê vợ cất nhà định cư, ông đã thấy cây bàng cao to rồi. Trải qua 50 năm, ông không thấy cây bàng lớn thêm bao nhiêu nữa. Ông nhận định: “Nó quá già nên dừng lại không lớn thêm. Giờ mới biết nguyên nhân là phần gốc của cây bàng cổ thụ đã bị rỗng ruột, nên phải đổ thôi”.

Căn cước của ông Trần Văn Thiệu, chủ nhân của cây bàng cổ (nay ông Thiệu 115 tuổi)

Ông Tư Thạch kể, lúc chiến tranh, ông cùng một số thanh niên sợ bị bắt đi lính, nên tối không dám ngủ trong nhà. Cả nhóm rủ nhau ra ngoài đồng chọn khu đất gò trú ngủ, thi thoảng chứng kiến những vầng sáng to cỡ chiếc chiếu lượn lờ rồi mất hút tại khu vực có cây bàng cổ…

Ông Tư Đức (em ruột của ông Hai Thắng) cũng khẳng định nhiều lần thấy những vầng sáng tương tự như ông Tư Thạch kể. Do có rất nhiều người tận mắt chứng kiến những vầng sáng lạ nên người dân trong khu vực tin rằng có “Bà” giáng, “Bà” ngụ ở cây bàng cổ thụ. Đây cũng là cái lý để mọi người tự giải thích vì sao dưới tán cây bàng cổ thụ tồn tại 1 ngôi miếu cổ trải qua gần 5 đời người trong dòng họ Trần.

Hiện tại ngay khu vực cây bàng cổ bị ngã còn hiện diện 2 cây dầu con rái, 1 cây sao, gốc to 1 người ôm không hết. Cách đó không xa có đến 3 cây bàng khác khá to (gốc to trên 1,5m). Người dân cho rằng, đây là những cây bàng con của cây bàng cổ thụ (tuổi thọ của 3 cây bàng này không dưới 50 năm).

Nhiều người qua đời đột ngột khi chạm đến cây bàng cổ thụ

Ông Hai Thắng cho biết: “Ba tui kể lại, bữa đó 2 người anh của ông nội tui lôi nhánh cây về nấu nước trà uống. Sau đó cả 2 ông đều bị bệnh nặng. Dù thời đó có mời thầy pháp giỏi, nhưng không ai tránh khỏi cái chết. Sau này bà Chín Nhanh cũng đến đây lôi nhánh cây, chưa về tới nhà đã phải bò lê bò càng. Tui nói thật ông nội tui mà sống lại kêu tôi đốn cây này để làm nhà từ thiện tui cũng không dám đốn”.

Sau giải phóng có nhiều người hỏi mua cây bàng cổ, nhưng thuê ông Tư Hinh – một thầy bùa lỗ ban chuyên đốn cây làm hòm, ông này từ chối. Ngoài cây bàng cổ thụ, trước đây còn có 2 cây dầu con rái cổ thụ, ông Bầu Thiệu đã bán cho ông Chín Chùa (xã Tiên Thủy cạnh bên). Điều ngẫu nhiên là ông Chín Chùa và một người cùng đốn cây với ông không lâu sau đều lâm bệnh nặng và qua đời.

Nguồn: Dương Minh Phương (Tuổi trẻ đời sống)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhung-chuyen-tam-linh-ky-bi-ve-cu-bang-tren-150-tuoi-vua-nga-do-d424175.html