Những chuyến phà cuối cùng lặng lẽ di chuyển trước khi thông cầu Thịnh Long

Ngày hôm nay 28/5, cầu Thịnh Long sẽ chính thức thông xe sau hơn 2 năm thi công, đồng nghĩa với việc đó, các bến phà Hải Thịnh và Phú Lễ cũng sẽ dừng hoạt động.

Bến phà Phú Lễ, Hải Thịnh qua sông Ninh Cơ nối xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng với địa phận xã Hải Châu, huyện Hải Hậu thuộc địa bàn tỉnh Nam Định, cách thành phố Nam Định khoảng 40 km. Bến phà còn là nơi giao lưu kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng đối với hai huyện này.

Bến phà Phú Lễ, Hải Thịnh qua sông Ninh Cơ nối xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng với địa phận xã Hải Châu, huyện Hải Hậu thuộc địa bàn tỉnh Nam Định, cách thành phố Nam Định khoảng 40 km. Bến phà còn là nơi giao lưu kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng đối với hai huyện này.

Phà Phú Lễ di chuyển với sức tải 48 tấn, nhưng theo quy định chỉ được chở 10 tấn nhằm đảm bảo an toàn.

Được biết, thời gian hoạt động 24/24 các hàng ngày trong tuần.

Tuy nhiên, đến ngày 28/5, những chuyến phà sẽ chính thức dừng hoạt động sau khi cầu Thịnh Long được thông xe khiến nhiều người không khỏi luyến tiếc.

Nhiều năm gắn bó với nghề lái phà, ông Nguyễn Phú Thiện (Hải Hậu, Nam Định) chia sẻ: "Tôi đã lái phà hàng chục năm, ngày mai từ bỏ công việc này, tôi lại quay lại công việc cùng với vợ con, nuôi trồng thủy sản. Với nghề nghiệp lâu ngày ai cũng luyến tiếc, cũng nhớ thôi. Nhưng cầu Thịnh Long được Nhà nước xây dựng, không chỉ giúp cho đi lại thuận lợi mà tôi thấy văn minh hơn, con cái gia đình tôi sau này sẽ thuận lợi nhiều hơn nên tôi hoàn toàn ủng hộ và mong chờ cây cầu được thông xe”.

Ghi nhận của PV chiều 27/5, đã số những người thường xuyên đi phà ở đây đều có cảm giác vui buồn đa xen, ông Vũ Đình Tuấn, lái phà bến Phù Lỗ, tranh thủ trò chuyện cùng với những người khách quen trong lần gặp cuối cùng.

Còn với vị khách quen thuộc, chị Phạm Thị Xuân (Hải Hậu, Nam Định) cho biết: “Có lẽ đây là chuyến phà cuối cùng tôi được đi trên dòng sông này. Có cầu mới là niềm mong mỏi của tôi và nhiều người nhưng vẫn có gì đấy luyến tiếc vì dù sao tôi đã đi đò, đi phà được hơn 30 năm rồi, nó gắn liền với nhiều kỷ niệm trong tôi”.

Cái chào chia tay ấm áp giữa lái phà Nguyễn Văn Thi và hành khách.

Phía trên bờ, thu dọn quán nước đã gắn bó với bến phà từ lâu, Chị Nguyễn Thị Len (Nghĩa Hưng, Nam Định) chia sẻ: ”Tôi bán hàng ở đây đã lâu, tôi gắn bó thời gian với nơi đây hơn tại nhà, mọi người, các chú lái đò ở đây tốt lắm. Khi thông cầu, bến phà sẽ không còn nữa, tôi cũng phải chuyển sang nơi khác làm thì không biết có khách hay không, thực sự cũng buồn. Tuy nhiên, niềm vui khác là khi cầu được xây dựng sẽ giúp được lợi ích cho mọi người, phát triển được kinh tế cho người dân”.

Những chuyến phà ngày sau sẽ là những kỷ niệm đẹp với người dân nơi đây.

Dự án cầu Thịnh Long có chiều dài 988m, tính cả đường dẫn là 2,36 km, điểm đầu giao cắt với Quốc lộ 21 tại Km202 + 400 (thuộc địa phận xã Hải Châu, huyện Hải Hậu), điểm cuối giao cắt với tỉnh lộ 490C tại Km40 + 698,42 (thuộc địa phận xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng). Sau hơn 2 năm thi công, cây cầu hoàn thành, đưa vào khai thác nối hai bờ sông Ninh Cơ, kết nối tuyến vận tải thị trấn Thịnh Long đến TP Nam Định, rút ngắn hơn 10 km cho phương tiện không phải đi vòng qua cầu Lạc Quần.

Phạm Tùng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-chuyen-pha-cuoi-lang-le-di-chuyen-truoc-khi-thong-cau-thinh-long-a477002.html