Những chuyện 'ngược' chỉ có ở lớp học tình thương của cô giáo Huyền

Cô Phạm Thị Huyền dạy học sinh từ 8 đến 49 tuổi. 21 năm qua ở lớp học tình thương của cô, có rất nhiều chuyện 'ngược đời' mà có lẽ ít lớp học nào có. Bởi hơn cả là một cô giáo đứng lớp, cô là người san sẻ khó khăn, vận động từ thiện và chỉ ra những cánh cửa cuộc đời mới cho những số phận còn thiệt thòi.

Cô Huyền lúc nào cũng tâm niệm: Tôi dù 65 tuổi hay nhiều hơn nữa, khi nào còn sức khỏe là tôi vẫn dạy học, bởi tôi chưa bao giờ quên lời Bác dạy: “Người biết một chữ phải dạy cho người chưa biết chữ!”.

Cô Huyền đang dạy lớp học tình thương có 12 học sinh, mỗi người một số phận, một hoàn cảnh. Đã 21 năm tự mình đứng lớp, gắn bó với các em như người thân, 160 học sinh tốt nghiệp rồi lại tuyển mới, cô Huyền chưa quên bất cứ một ai. Cô kể những câu chuyện, mà người ngoài có thể bất ngờ, nhưng với cô thì không có gì xa lạ. Vì cuộc sống có nhiều người, nhiều số phận và hoàn cảnh khác nhau.

Học sinh của cô Phạm Thị Huyền

Học sinh của cô Phạm Thị Huyền

Cô Phạm Thị Huyền tâm sự: Cuộc sống luôn có những hoàn cảnh bất khả kháng mà có thể người ngoài khó hiểu hết được. Tôi có học viên Thái Thanh Bình, nhà ở phố Khâm Thiên, 27 tuổi nhờ người giới thiệu mới đến lớp tôi học. Vì tuổi nhỏ gia đình li tán, bố bỏ đi không bao giờ quay lại, mẹ vì mưu sinh mà vào vòng lao lý, bỏ mặc Thanh Bình bơ vơ sống như cỏ dại, trong hoàn cảnh như thế, ai cho đi học mà biết chữ? Thế mà vào lớp học của tôi, học hơn hai tháng đã đọc thông viết thạo, biết chữ, Thanh Bình xin đi làm bảo vệ, có việc làm ổn định, có thu nhập và đã lập gia đình riêng.

Hay như hiện tại, học sinh lớn tuổi nhất trong lớp cô Huyền là chị Huệ đã 49 tuổi người Nam Định. Chị Huệ làm lao động tự do ở Nam Định, lên Hà Nội chủ yếu đi giúp việc, dọn dẹp nhà thuê, nhưng nhiều lần chủ nhà từ chối không nhận, vì chị không biết chữ. Nhờ người giới thiệu, chị Huệ đến lớp học của cô Huyền và giờ đã biết đọc, biết viết, biết nhắn tin bằng ĐTDĐ cho người thân.

Còn có học trò tên Giang, người dân tộc Nùng ở vùng cao, 16 tuổi gia đình đã bắt lấy chồng, nhưng Giang trốn xuống TP, quyết tâm lao động để kiếm tiền sinh sống, không muốn lập gia đình sớm. Lúc Giang 27 tuổi mới tìm đến lớp học của cô Huyền, từ không biết chữ, Giang được cô dạy đọc, dạy viết, cô còn nhờ người quen xin chỗ làm thêm. Giờ đây Giang đã có thể mở được một tiệm làm tóc nhỏ, lập gia đình riêng, vượt lên những hủ tục để cố gắng cho cuộc sống tốt hơn.

Ở lớp của cô Huyền có cả những học sinh rối loạn phổ tự kỷ, ngại giao tiếp xã hội, học trước quên sau, hay cũng có cả những em bị mặc hội chứng down bẩm sinh. Cô Huyền phải sắp xếp lớp học không giống ai, không theo một quy chuẩn nào để phù hợp với từng người. Cô kể: Bạn nào đến trước mà nhanh nhẹn hoạt bát cho viết trước, làm bài trước, kiểm tra rồi cho về sớm. Bạn nào chậm, đến sau thì tập chép, hỏi lại bài cũ. Còn các anh chị đã đi làm, có khi đến lớp muộn thì về muộn hơn một chút.

Cũng ở lớp học này, có những chuyện rất ngược đời. Ngày 20-11, ngày 8-3, cô Huyền đi mua khăn lụa cho bạn nữ, tất cho bạn nam để làm quà tặng. Gần đến Tết, nhìn học sinh các trường có đồng phục, thương các em, cô lại đưa cả lớp đi mua áo khoác đồng phục, đưa học trò đi chơi quanh quanh Hà Nội để các em có những giờ phút vui vẻ ngoài giờ học. “Các em ở lớp đều có những hoàn cảnh khó khăn và mức độ nhận thức cũng khác nhau, ở các lớp học khác, trò phải chăm sóc, tặng hoa cô những dịp đặc biệt. Ở lớp của tôi, tôi làm điều ngược lại, để các em cảm nhận được không khí lớp học, cảm nhận rằng đây không phải chỗ chỉ dạy chữ, mà còn là gia đình các em”, cô Huyền bày tỏ.

Đó là những chuyện rất khác biệt, mà 21 năm trôi qua vẫn diễn ra ở lớp tình thương của cô Phạm Thị Huyền (Trung tâm GDNN-GDTX quận Thanh Xuân, Hà Nội). Có 14 năm, lớp học được tổ chức ở phường Hạ Đình. 7 năm nay, lớp học chuyển về phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Từ lớp học Hạ Đình, nhiều em đã hoàn thành học phổ thông, đi học nghề, lao động đóng góp cho xã hội, có gia đình riêng.

Mà cơ duyên để có lớp học 21 năm ấy đối với cô Phạm Thị Huyền cũng xuất phát từ việc cô luôn nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Người biết một chữ phải dạy cho người chưa biết chữ”. Khi mới chân ướt chân ráo từ Tuyên Quang chuyển về Hà Nội, cô đã ngạc nhiên thấy xung quanh khu vực mình sinh sống có một số trẻ trong độ tuổi đi học nhưng không đến lớp. Tìm hiểu và biết những đứa trẻ này đều có hoàn cảnh đặc biệt: Em thì ở tỉnh xa đến Hà Nội lang thang bán hàng rong kiếm sống; em bố mẹ li hôn; có em thì bố mẹ vi phạm pháp luật, không có hộ khẩu ở Hà Nội... cô quyết tâm sẽ mở lớp dạy, dù lúc ấy, hoàn cảnh gia đình cô còn khó khăn, và thu nhập của cô bấp bênh, khi chưa có việc làm chính thức. Cô cũng không quản ngại đến từng nhà để vận động các em ra lớp. Suốt 21 năm ấy, chưa bao giờ lớp học của cô Huyền nghỉ dạy.

Cô Huyền ngồi bên một bàn soạn bài có rất nhiều sách, cô bảo bây giờ coi việc dạy học vừa là niềm vui, vừa là thiện nguyện, cô không từ chối học sinh nào có nhu cầu đến lớp học chữ, bởi còn khỏe ngày nào, lớp học tình thương sẽ của cô sẽ vẫn mở cửa đón các em đến học ngày đấy.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-chuyen-nguoc-chi-co-o-lop-hoc-tinh-thuong-cua-co-giao-huyen-152486.html