Những chuyện kỳ biớ̉ đảo đèn Hòn Dấu

Đảo Hòn Dấu mang trong mình bao câu chuyện kỳ bí, tưởng như hoang đường.

Đèn biển Hòn Dấu

Đèn biển Hòn Dấu

Nhưng ai cũng tin và làm theo răm rắp để hòn đảo này luôn giữ được sự nguyên sơ và đẹp đến nao lòng…

Một Hòn Dấu kỳ bí

Sau khoảng 10 phút đi tàu, đảo Hòn Dấu (Hải Phòng) đã hiện ra trước mắt tôi. Những ngày cuối năm 2019, biển yên. Rời xa thành thị đầy khói bụi, đặt chân lên Hòn Dấu, có lẽ bất cứ ai cũng thấy nhẹ nhõm bởi bầu không khí xanh trong. “Dù đang hút nhiều khách du lịch, nhưng Hòn Dấu vẫn là một trong những “đảo hiếm” giữ được sự nguyên bản của thiên nhiên. Vì chẳng ai có thể lấy đi thứ gì ở đây”, câu nói ngắn gọn của chủ tàu du lịch khiến tôi tò mò.

Cô Thơm, một người làm nghề bắt hà biển gần khu vực Hòn Dấu kể, tương truyền, đền thờ Nam Hải Thần Vương trên đảo Hòn Dấu rất thiêng. Từ khi đền được lập, ai ra đảo chơi tự ý mang về một vật dù rất nhỏ như viên đá cuội hay cành cây đều gặp chuyện chẳng lành. “Người dân đánh cá thường lấy những viên đá buộc vào lưới để tung xuống nước đánh bắt. Nhưng lạ thay, hễ ai dùng đá trên đảo Dấu buộc là lưới lại nổi lên. Nhiều người cho trẻ nhỏ ra chơi nhặt những con ốc, viên đá ngoài đảo về, tự nhiên những đứa trẻ bị đau bụng, tìm không ra bệnh. Sau ra đền làm lễ, hoàn trả đồ vật về đảo lại khỏi ngay. Hay có chuyện một số người dân Đồ Sơn ra đảo chặt cây đem về, gia đình cũng gặp rất nhiều điều không may. Thậm chí, một số sinh viên đến đảo du lịch vô tình cầm hòn đá về, chỉ sau một thời gian, gia đình ở tận miền Nam phải mang ra trả”, cô Thơm kể.

Tìm hiểu thêm, tôi gặp ông Nguyễn Văn Thắng, Trạm trưởng Trạm Quản lý đèn biển Hòn Dấu. Ông Thắng cho biết, việc đúng/sai của những câu chuyện trên rất khó kiểm chứng. Song, có lẽ sự tồn tại của những tích truyện đó đã giúp Hòn Dấu có được thảm thực vật nguyên sinh như ngày nay.

“Xuyên suốt cả một đoạn đường mòn, có những cây thân rất lớn đổ xuống cũng chỉ nằm trơ chờ mục ruỗng. Không ai dám chặt mang về. Hòn Dấu cũng là một trong rất ít đảo có những cây cổ thụ có niên đại nhiều thế kỷ như: Cây đại 756 năm tuổi, những gốc bàng có tuổi thọ hơn 200 tuổi kèm theo đó là 37/400 cây đa búp đỏ được công nhận là cây di sản Việt Nam có tuổi đời vài trăm năm”, ông Thắng nói.

Sự kỳ lạ ở Hòn Dấu còn ẩn hiện trong lễ hội đảo Dấu. Theo lời kể của một bậc cao niên trông coi đền Nam Hải Thần Vương, lễ hội trên đảo được tổ chức vào ngày 8 - 10/2 âm lịch hàng năm. Đêm mùng 9 sẽ diễn ra lễ hội thả thuyền tạ ơn “thần đảo” giúp ngư dân thuận buồm xuôi gió. “Điều rất khó lý giải là vào đêm tiến hành nghi lễ, dù trước đó trời yên biển lặng thì đến lúc thả thuyền, kiểu gì biển cũng nổi sóng. Sự việc ấy khiến đảo Dấu càng thêm linh thiêng, huyền bí”, ông Thắng kể.

Sự hy sinh thầm lặng tại “Trạm đèn Thủ đô”

Cây đa búp đỏ vài trăm năm tuổi được công nhận là cây di sản Việt Nam

Sau những câu chuyện truyền miệng thú vị, ngọn hải đăng có lẽ là “đặc sản” mà du khách nào cũng muốn được trải nghiệm mỗi khi đến Hòn Dấu. Thế nhưng, ngoài du lịch, hải đăng Hòn Dấu còn mang một sứ mệnh lớn hơn nhiều, đó là “kim chỉ nam” để đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

“Với chiều cao tới 63,5m so với mực nước biển, tầm phát sáng trong điều kiện thời tiết bình thường là 20,7 hải lý (khoảng 40km), hải đăng Hòn Dấu mang trên mình nhiệm vụ thiêng liêng là phát ánh sáng để ngư dân, thuyền viên xác định được tọa độ hàng hải, biết được vị trí của mình để điều chỉnh tọa độ đi vào khu vực cảng Hải Phòng”, Trạm trưởng Nguyễn Văn Thắng nói. Anh Đỗ Văn Đa, công nhân trạm chia sẻ, hàng ngày, quá trình vận hành hải đăng Hòn Dấu có sự tham gia của 10 công nhân, phân chia thành từng ca trực, ban đêm 2 tiếng/ca, ban ngày 4 tiếng/ca. “Mỗi ca trực có một nhiệm vụ. Ca trực sáng bắt đầu từ 6h đảm nhận việc bảo dưỡng, lau chùi đèn, các thiết bị báo hiệu sau một đêm đèn hoạt động. Ca trực chiều (từ 14 - 18h) phải tiến hành kiểm tra đặc tính ánh sáng, độ ổn định chu kỳ chớp của đèn. Ca trực đêm phải đảm bảo hải đăng luôn sáng và xử lý sự cố kịp thời khi đèn trục trặc”, anh Đa cho hay.

“Lo nhất là mỗi lúc bão về, trong đêm tối, lên kiểm tra đèn, gió lại lùa vào rít mạnh bên tai, nhiều anh em mới vào không khỏi hoảng sợ”, anh Đa kể.

Trạm phó Lê Văn Tuấn - người gắn bó 23 năm với trạm đèn Hòn Dấu cho biết, ngoài vận hành hải đăng theo quy trình, tổ công nhân trên đảo còn phải quan sát sự cố môi trường biển tại các khu vực xung quanh đảo, trực canh xem có tàu chìm, đắm…

Cây đại hơn 750 năm tuổi trên đảo Hòn Dấu

Lục lại ký ức, anh Tuấn nhớ đến thời điểm khoảng năm 2000, giữa lúc ảnh hưởng của bão, trời nổi giông, sóng, gió tới cấp 7 - 8, một thuyền câu ở gần Hòn Dấu đang trên đường vào bờ thì sóng đánh lật. “Nhận được tin báo, phát hiện được vị trí người bị nạn, anh em vội điện báo phương tiện của đảo đi cứu người. Không lâu sau, gần 10 người được đưa về bờ an toàn. Đó là lúc nhiệt huyết nghề trực đèn, gác đảo trong mỗi người cháy hừng hực”, anh Tuấn nhớ lại.

Theo anh Đa, công nhân hải đăng lao động theo chế độ biển đảo, mỗi người làm việc liên tục từ 3 - 4 tháng mới được nghỉ phép một tháng về thăm gia đình. Tính chất công việc khiến gánh nặng gia đình lại đè lên vai người vợ, nhất là những lúc bố mẹ, con cái ốm đau phải nằm viện, lòng nóng như lửa đốt mà chỉ biết gọi điện thoại động viên.

Đối với Trạm trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc xa nhà lại có những kỉ niệm khó quên. “Đó là thời điểm trộm đột nhập vào nhà, vợ sợ quá gọi cho chồng rồi từ ngoài đảo, qua chiếc điện thoại, chồng lại hướng dẫn vợ phải làm thế nào để hàng xóm xung quanh biết, giúp đỡ mà không gặp nguy hiểm. Nghĩ lại, đến giờ vẫn không nghĩ có những lúc hai vợ chồng lại làm những chuyện tưởng chỉ có trong truyện trinh thám”, anh Thắng chia sẻ.

Khó khăn là vậy nhưng trước câu hỏi đã từng có lúc các anh muốn bỏ cuộc? Trạm phó Lê Văn Tuấn cho biết: “Công việc thường xuyên xa nhà, lương chỉ khoảng 6 - 10 triệu đồng/tháng, tôi hay nhiều người khác đều từng có suy nghĩ ấy, nhưng so với anh em ở ngoài đảo xa xôi khác, chúng tôi may mắn vì được ở “Trạm đèn Thủ đô” - trạm đèn gần bờ nhất, cơ sở khang trang, được sử dụng điện lưới, nước ngọt. Chúng tôi bắt đầu là chữ “nghề” nhưng qua bao thăng trầm, giờ nhiệm vụ gác đèn, đảm bảo an toàn vùng biển đã là “nghiệp” đeo đẳng từ rất lâu rồi.

Trạm đèn Hòn Dấu do thực dân Pháp xây dựng năm 1894 nhằm phục vụ quá trình chở nguyên, vật liệu sang Việt Nam và chở tài nguyên khai thác được từ Việt Nam về. Ngày 13/5/1955, Hải Phòng được giải phóng, trạm đèn Hòn Dấu được bàn giao cho Công ty Phù Đăng hoa tiêu tiếp quản (tiền thân của Bảo đảm ATHH Việt Nam).

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trạm đèn Hòn Dấu là một trong những trạm đèn bị bắn phá nhiều nhất nhằm phong tỏa cảng Hải Phòng khiến tàu bè không thể ra - vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm 1967, trạm đèn Hòn Dấu hứng chịu 117 trận bom và sập hoàn toàn. Khi ấy, Bảo đảm ATHH Việt Nam đã dựng lên cột sắt và lắp một đèn tạm phát tín hiệu cho tàu thuyền ra - vào cảng.

Năm 1985, trụ đèn mới được xây dựng theo thiết kế cũ. Đến năm 1994, các dãy nhà công năng đã được xây dựng bổ sung thêm để phục vụ công tác tại trạm đèn.

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhung-chuyen-ky-bi-o-dao-den-hon-dau-d450006.html