Những chuyện khó tin nhưng… có thật

Tại TP Đà Nẵng, nhiều người dân vẫn 'nhắm mắt' làm liều, cố tình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, bất chấp hiểm họa đe dọa tính mạng, tài sản. Những tình huống như 'buộc 3 dây tải điện 22 kV với nhau để tiện cho việc sơn tường' tưởng như chuyện đùa vẫn cứ diễn ra.

Chuyện dùng dây buộc 3 dây tải điện 22 kV xuất tuyến 474E11 lại với nhau để “thuận tiện” cho việc sơn mặt tiền công trình là hoàn toàn có thật. Đó là hành động của một nhóm thợ sơn trên tuyến đường Lê Đình Lý, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Điều đáng nói, khoảng cách từ người thợ sơn đến đường dây điện trung áp chỉ có 30 cm. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng kỹ thuật an toàn lưới điện trung, cao áp (theo quy định khoảng cách này là 1 m).

“Nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) gây “thót tim”! Thực tế, các vụ việc vi phạm vẫn liên tiếp xảy ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho khách hàng, người dân và ngành Điện. Đã có trường hợp người dân tự ý dùng xăm (ruột) xe bọc dây dẫn điện để dựng xà gồ sắt, hay lắp đặt giàn giáo xây dựng “lồng” vào đường dây trung áp 22 kV…”, ông Võ Hòa - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực (PC) Đà Nẵng cho biết.

3 dây tải điện 22 kV bị nhóm thợ thi công liều lĩnh buộc lại

3 dây tải điện 22 kV bị nhóm thợ thi công liều lĩnh buộc lại

Để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, hiệu quả, PC Đà Nẵng đã thường xuyên chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ HLATLĐCA. Công ty phối hợp các cơ quan báo chí, liên tục tuyên truyền về an toàn điện để người dân nắm bắt thông tin, từng bước nâng cao ý thức tự bảo vệ, có trách nhiệm cùng với ngành Điện bảo vệ HLATLĐCA. Đồng thời, các ban, ngành và chính quyền địa phương cùng vào cuộc, xử lý, răn đe các trường hợp vi phạm, ngăn chặn các trường hợp, biển hiệu, biển quảng cáo, cây xanh,… có nguy cơ ngã đổ vào lưới điện, gây mất an toàn.

Hàng loạt giải pháp đã được triển khai, nhưng vì sao số vụ và mức độ vi phạm hành lang an toàn lưới điện tại Đà Nẵng vẫn tiếp tục… tăng?

Trả lời câu hỏi này, ông Võ Hòa cho biết, việc liên tiếp xảy ra các vụ vi phạm do nhiều nguyên nhân, chủ yếu vẫn là sự chủ quan, nhận thức, ý thức về an toàn điện của một bộ phận người dân còn bất cập.

Thực tế, tại khu vực trung tâm thành phố, với tốc độ đô thị hóa cao, người dân có nhu cầu lớn về xây dựng công trình, lắp đặt biển quảng cáo… Trong khi đó, điều kiện hạ tầng xây dựng, mặt bằng thi công nhỏ hẹp, chật trội. Do vậy, một số người dân, dù đã có kiến thức về an toàn điện, nhưng vẫn “nhắm mắt” vi phạm, bất chấp những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Riêng tại khu vực nông thôn, trong 27 trường hợp vi phạm từ đầu năm đến nay, có khoảng 30% số vụ vi phạm là do cây xanh đổ vào đường dây gây ra sự cố. Ông Võ Hòa cho biết, để ngăn chặn tình trạng tái diễn các vụ vi phạm, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn, trong thời gian tới, ngoài giải pháp truyền thông trên diện rộng, PC Đà Nẵng sẽ tập trung khoanh vùng các “điểm nóng” có nhiều nguy cơ xảy ra vi phạm HLATLĐCA, cử nhân viên tới từng hộ dân tại khu vực, thông tin qua nhiều kênh… để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân.

Công ty cũng tiếp nhận phản ánh từ người dân qua nhiều kênh liên lạc 24/7, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các loại phương tiện như xe cẩu, xe ben… hoạt động gần lưới điện cao áp; các hành vi xây dựng tiềm ẩn nguy cơ vi phạm HLATLĐCA. Ông Võ Hòa nhấn mạnh, cùng với những nỗ lực của ngành Điện, quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

PC Đà Nẵng cũng đề nghị các cơ quan chức năng làm tốt công tác quy hoạch, đảm bảo các công trình hạ tầng, cáp thông tin, cây xanh… không có sự chồng lấn, gây ảnh hưởng tới vận hành hệ thống lưới điện, đồng thời, phối hợp tuyên truyền ý thức bảo vệ HLATLĐCA đến với người dân một cách thiết thực, hiệu quả hơn nữa.

Huy An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-chuyen-kho-tin-nhung-co-that-551103.html