Những chuyến học nghề lý thú thời sinh viên

Thực tập chính là khóa học nghề sinh động. Các thầy ở khoa ngay thời bao cấp đó đã ký được hợp đồng viết sử, viết địa chí, nghiên cứu dân tộc cho địa phương. Sinh viên vừa học nghề vừa được hỗ trợ phần nào, bớt khó khăn.

Những năm tháng học ở khoa sử, ngoài kiến thức, lửa đam mê yêu nghề của đội ngũ các thầy giỏi truyền dạy, chúng tôi thực sự học nghề qua các đợt thực tập. Thậm chí các sự kiện lịch sử dù hay đến mấy cũng quên đi, các kiến thức uyên bác của nhiều thầy cũng chỉ là gợi mở nhưng mỗi đợt đi thực tập dạy cho chúng tôi rất nhiều về phương pháp, cách ứng xử, các thao tác... mà sau này được vận dụng trong cuộc sống. Năm thứ nhất, lớp chúng tôi đi thực tập khảo cổ ở Thung Mơ Hương Tích. Lúc này, chúng tôi mới biết cụ thể qua thực tế sinh động về các tầng văn hóa, các công cụ ghè đẽo, mài... Thầy Trần Quốc Vượng còn dạy cho chúng tôi cách “ngoại giao” quan hệ với chính quyền địa phương. Hợp tác xã, chính quyền xã còn cho chúng tôi gà, lợn, gạo... hỗ trợ gần một trăm học trò ăn, nghỉ. Các anh năm thứ tư đi thực tập cùng, dù bận lấy tư liệu viết khóa luận tốt nghiệp nhưng anh nào cũng nhiệt tình giúp đỡ đàn em. Đặc biệt qua đợt thực tập nhiều người đều có ước mơ trở thành nhà khảo cổ học tương lai.

Năm thứ hai, chúng tôi theo thầy Hoàng Hoa Toàn đi thực tập dân tộc học ở xã Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn. Chúng tôi học được phương pháp làm đề cương điền dã. Đi thực tế chúng tôi mới biết thế nào là quan sát, mô tả sâu; cách phỏng vấn sâu phù hợp. Có trường hợp quan sát một bà có “tục hèm“ chữa giòi cho con trâu chủ nhà mà bà không hề tiếp xúc với trâu. Phép chữa bệnh lạ như vậy đến giờ chúng tôi còn chưa giải thích được.

Năm thứ ba chúng tôi đi thực tập môn lịch sử Đảng ở huyện Kiến Thụy Hải Phòng. Anh Nguyễn Văn Khánh (sau này là hiệu trưởng trường đại học KHXH - NV), hướng dẫn chúng tôi cách sưu tầm tư liệu lịch sử trong các báo cáo của huyện, cách phỏng vấn các cán bộ lãnh đạo... Không hiểu sao anh phân tôi viết phần đánh giá bài học kinh nghiệm. Tôi sợ mình không làm nổi. Anh động viên: ”đi thực tập là việc gì cũng phải làm, ra công tác sẽ không bỡ ngỡ”. Từ kinh nghiệm đầu tiên viết sử, sau nay tôi viết gần 7 tập lịch sử của tỉnh, của các ngành đều có những kinh nghiệm của thủa ban đầu. Có PGS cùng lớp viết hàng chục công trình lịch sử, địa chí, có tiền mua được nhà chắc cũng bắt đầu từ bài học sơ khai đó.

Kinh nghiệm bổ ích nhất là thời gian 3 tháng đi thực tập ở vùng người HMong ở huyện Kỳ Sơn Nghệ An. Nhóm chúng tôi có 3 anh em là anh Nguyễn Văn No, anh Vương Duy Bảo (cháu của cụ “vua Mèo“ Vương Chí Sình) và tôi. Chúng tôi phải đi bộ lên Mường Lống hơn nửa ngày đường. Trước khi đi thầy Vương Hoàng Tuyên căn dặn: đi thực tập là phải ba cùng với dân, tôn trọng dân như người thầy. Tôi may mắn ở cùng nhà với anh Bảo, anh tuy ở thủ đô nhưng về Kỳ Sơn như về nhà. Chúng tôi cùng lên nương, cùng đi xa vài cây số lấy nước, giã gạo... Nhờ có anh Bảo cả nhóm chúng tôi hòa nhập với người dân nhanh hơn. Và cũng quen dần với bọ chó đốt. Tôi cũng hiểu rõ bài học: chỉ khi nào được người HMong quý, coi ta như người nhà lúc đó điền dã mới thành công.

Trong thực tập chúng tôi còn học nhiều bài học ngoài sách vở. Khi thực tập ở Hương Tích, một chị trong đoàn bỗng dưng sùi bọt mép, nằm ngất đi. Mấy đứa học sinh phổ thông chúng tôi hoảng sợ vô cùng . Anh Phan Chí Thành xua chúng tôi ra khỏi phòng đóng kín cửa lại. Lạ thay, không biết anh chữa kiểu gì, 10 phút sau chị đã ngồi dậy nói cười vui vẻ. Năm thứ hai đi thực tập ở vùng người Tày Lạng Sơn, một anh trong đoàn đưa người yêu đi tâm sự. Đêm về, chủ nhà đóng chặt cửa, kiêng không cho anh vào vì anh đã bị “bẩn”.

Thực tập chính là khóa học nghề sinh động. Các thầy ở khoa ngay thời bao cấp đó đã ký được hợp đồng viết sử, viết địa chí, nghiên cứu dân tộc cho địa phương. Sinh viên vừa học nghề vừa được hỗ trợ phần nào, bớt khó khăn. Những năm sau này, khi làm lãnh đạo sở tôi cũng hay ký với trường Đại học văn hóa, với Khoa Sử Đại học Tổng hợp cho sinh viên thực tập. Hỗ trợ các em một phần kinh phí, chuẩn bị địa bàn thuận lợi. Ngược lại các em cũng giúp sở khảo sát di sản, xây dựng đội văn nghệ, câu lạc bộ... Kỷ niệm 40 năm ra trường, tôi có hỏi hơn 10 anh chị là PGS, Tiến sỹ, ai cũng thấy nhớ thời đi thực tập, mà cũng chính nhờ những khóa thực tập ấy, những định hướng chọn nghề, chọn chuyên ban được rõ ràng hơn.

Bài học ban đầu trong thời gian thực tập, luôn theo suốt chặng đường nghiên cứu, công tác của chúng tôi.

Trần Hữu Sơn

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ha-noi-tiep-nhan-ung-ho-hon-125-ty-dong-phong-chong-dich-covid-19-a3121.html