Những chuyện giản dị nơi đầu sóng Trường Sa

'Nơi đầu sóng' là tác phẩm của hai tác giả trẻ - những người đã đến, ghi lại cuộc sống ở Trường Sa bằng hình ảnh và ngôn từ.

Kỹ sư Trần Vũ Thành là một người yêu biển đảo, anh là chủ nhiệm một số công trình hướng về Trường Sa. 8 lần đến Trường Sa giúp anh tích lũy nhiều trải nghiệm, hình ảnh về con người, cuộc sống nơi đầu sóng. Lữ Mai là nhà báo, nhà thơ, tác giả của 6 tập sách nhiều thể loại như thơ, tản văn, truyện ngắn… Tháng 5 vừa qua, chuyến công tác Trường Sa trên tàu KN490 để lại trong Lữ Mai nhiều dấu ấn sâu đậm. Chị chuyển tải cảm xúc qua những bài tản văn với chủ đề biển đảo, người lính.

Bìa sách Nơi đầu sóng.

Bìa sách Nơi đầu sóng.

Dù công tác ở hai lĩnh vực khác nhau, song cả kỹ sư Trần Thành và nhà thơ Lữ Mai đều nuôi dưỡng những cảm xúc về biển đảo quê hương. Họ cùng bắt tay thực hiện cuốn sách Nơi đầu sóng. Cuốn sách gồm 21 tản văn ghi chép và bộ ảnh xoay quanh chủ đề biển đảo, cuộc sống người chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, trên những con tàu…

Sách dự kiến phát hành dịp Quốc khánh tới, song song với phát hành sách là một triển lãm ảnh. Dự kiến, 5.000 bản sách sẽ được in. Trong đó, một lượng ấn bản sẽ được dành tặng các chiến sĩ Trường Sa, Nhà giàn DK1 và người thân các anh nơi quê nhà. Toàn bộ tiền thu được từ việc phát hành sách trên thị trường sẽ dành làm quà tặng cán bộ, chiến sĩ đảo xa.

Hình ảnh các chiến sĩ nơi đầu sóng.

Ý tưởng, bản thảo cuốn sách nhận sự ủng hộ của nhiều nhà văn, nhà báo. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam - nói: “Cuốn sách trở thành một con tàu đưa tôi tới những vùng đảo xa của Tổ quốc mà tôi chưa từng được đến. Và tôi đã được sống, được chìm vào và được cảm nhận bằng mọi giác quan những cơn mưa biển, hồi còi tàu, đêm biển đầy sao, ngọn hải đăng, câu chuyện về người lính đảo, người mẹ, người vợ ở đất liền, lớp học và các thầy cô… hay chỉ là một ô cửa cũ như đã quá xa xôi tưởng chỉ còn trong ký ức, một đàn cá chuồn như đang bay dọc chân trời biển”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá: “Khác với nhiều cuốn sách trước đó, Nơi đầu sóng không phải nghệ thuật hư cấu, mà là tản văn, tạp văn. Một dạng ghi chép, thấy sao ghi vậy. Chính vì thế, cuốn sách lại có sức hấp dẫn riêng. Đây là vẻ đẹp của sự thật. Cuộc sống của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió, con người và cảnh sắc ở một quần đảo được nhìn bằng con mắt đằm thắm, tinh tế mà không kém phần sâu sắc”.

Y Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-chuyen-gian-di-noi-dau-song-truong-sa-post972388.html