Những chuyển động đảo chiều thú vị về xuất khẩu

Đằng sau những con số tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, con số xuất siêu vượt bậc còn có những câu chuyện thú vị về sự đảo chiều của xuất khẩu nước ta trong 3 năm gần đây

Năm 2017 và 10 tháng đầu năm 2018 là quãng thời gian đặc biệt thành công về xuất khẩu. Quy mô xuất khẩu gia tăng mạnh mẽ. Năm 2016 kim ngạch xuất khẩu đạt 176,6 tỷ USD, tương đương 87,1% GDP của năm (202 tỷ USD). Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tương đương 98% GDP của năm (220 tỷ USD). 10 tháng đầu năm 2018, với kim ngạch 202 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ, có nhiều khả năng lần đầu tiên quy mô xuất khẩu/GDP vượt ngưỡng 100%. Tính từ 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn tốc độ nhập khẩu. Cụ thể, năm 2016, tăng trưởng xuất khẩu/nhập khẩu là 9% so với 5,2%; năm 2017 là 21,2% so với 20,8%; 10 tháng đầu năm 2018 là 15,2% so với 12,4%. Vì thế, cán cân thương mại luôn nghiêng về xuất siêu và tăng rất nhanh qua từng năm: 2,5 tỷ USD năm 2016; 2,92 tỷ USD năm 2017 và 7,2 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2018.

Việt Nam hiện đang đứng thứ 7 trên thế giới về xuất khẩu dệt may.

Nhìn trên tương quan tổng thể, một báo cáo mới đây của WTO về tình hình thương mại toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đứng vị trí thứ 4 của khối ASEAN (sau Singapore, Thái Lan và Malaysia) và đứng thứ 26 thế giới.

Đằng sau những con số này, còn có những câu chuyện thú vị về sự đảo chiều của xuất khẩu nước ta trong 3 năm gần đây. Trước hết, nếu quan sát trên bề mặt, 3 năm qua nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo không có gì thay đổi, vẫn liên tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, mỗi năm “nhích” một vài phần trăm trong đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2016 hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 80,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2017 chiếm 81,4% và 10 tháng đầu năm 2018 là 82,5%. Nhưng ẩn sâu trong đó là cả một làn sóng ngầm dữ dội. So sánh Top 10 mặt hàng chủ lực từ 2015 đến nay cho thấy, Top 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực xuất hiện 3 mặt hàng thuộc về tài nguyên và hàng mới qua sơ chế là dầu thô, gạo, cà phê. Đến 2016 mặt hàng dầu thô, gạo đã “biến mất” khỏi Top 10, chỉ còn xuất hiện mặt hàng cà phê. Năm 2017, mặt hàng cà phê không còn trong Top 10, thay vào đó là rau quả; và đến 10 tháng đầu năm 2018, Top 10 hoàn toàn là hàng chế biến: Điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; da giày; thủy sản; đồ gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; sắt thép.

Hơn thế nữa, trong các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo nước ta đã tham gia rất sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, như dệt may hiện nay đang đứng thứ 7 trên thế giới về xuất khẩu, da giày đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 thế giới về xuất khẩu, mặt hàng điện tử đứng thứ 12 thế giới về xuất khẩu, thủy sản đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu, đồ gỗ đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu...

Thứ hai, tại Hội nghị giao ban trực tuyến đầu tiên của Bộ Công Thương, nhiệm kỳ 2016-2021 tại ba điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra tháng 6/2016 có một con số mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng “rất khó chấp nhận” là xuất khẩu vào các nước ASEAN giảm 13,4%, trong khi ATIGA - Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, là FTA đầu tiên sau khi nước ta gia nhập WTO. Đến hết năm 2016 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang khu vực này đã giảm xuống còn âm 4,4%; năm 2017 đảo chiều tăng trên 20% và 10 tháng đầu năm tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức 14,5%.

Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của việc tuyên truyền về hội nhập và cách tận dụng cam kết hội nhập; cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; giảm kiểm tra chuyên ngành và hướng mạnh xuất khẩu vào các thị trường có FTA; đi đôi với đàm phán tháo gỡ các rào cản kỹ thuật; các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật… đến độ thuận lợi nhất cho thương mại, phù hợp với khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Đến nay, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước. Một số thị trường FTA có tỷ lệ tận dụng cao là Hàn Quốc đạt 51%, Ấn Độ 48%; Chi Lê 69%; Nhật Bản 35%... Các thị trường đã ký kết FTA đều có mức tăng trưởng kim ngạch cao như ASEAN tăng 14,5%; Trung Quốc tăng 26,6%; Nhật Bản tăng 12,2%; Hàn Quốc tăng 26,5%; Australia tăng 25,5%...

Thứ ba, năm 2017 lần đầu tiên khối doanh nghiệp trong nước sau nhiều năm xuất khẩu giảm hoặc tăng xung quanh con số 5%, đã tăng trưởng ở mức 2 con số với 17,1% và trong 10 tháng đầu năm 2018 tiếp tục duy trì mức tăng 16%, tốc độ tăng trưởng cao hơn khối FDI. Điều đó cho thấy sự cách biệt giữa hai khu vực kinh tế, vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư nước ngoài đã có sự chuyển dịch tích cực. Đồng thời, một số chính sách của Chính phủ đã có hiệu quả trong việc từng bước liên kết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với khu vực đầu tư trong nước, điển hình như Hyundai Thành Công, Thaco Trường Hải… Đặc biệt hình thành được các nhóm chuỗi các công nghiệp phụ trợ gắn với các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Năm 2018: Ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 34 tỷ USD

Hương Giang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nhung-chuyen-dong-dao-chieu-thu-vi-ve-xuat-khau-57358.htm