Những chuyện 'dở khóc dở cười' ở trung tâm hiến tạng

Tại trung tâm, các cán bộ trực đường dây nóng còn trở thành người tư vấn tâm lý, tình cảm. Nhiều người tức giận chuyện gia đình đã gọi đến trung tâm đòi hiến tạng sau khi tự tử.

Việt Nam đang bước vào bản đồ thế giới trong lĩnh vực ghép tạng. Để làm được điều đó, nguồn tạng hiến có vai trò rất quan trọng. Trong những năm gần đây, từ việc chưa hiểu, thậm chí kỳ thị chuyện hiến tạng, người dân hiện đã chủ động tìm tới trung tâm vận động hiến tạng để đăng ký. Cũng từ đó, không ít chuyện dở khóc dở cười xảy ra ở đây.

Không được hiến tạng, sẽ tự tử

“Tôi không được hiến thì sẽ uống thuốc chuột để chết luôn” - đó là câu nói của một người đàn ông 60 tuổi tìm tới Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (Hà Nội) khiến chị Nguyễn Phượng Hoàng, cán bộ của trung tâm, nhớ mãi. Người đàn ông này tới xin hiến sống toàn bộ cơ thể mình, nhưng không được chấp nhận. Bởi theo quy định của nước ta, đây là độ tuổi không được khuyến khích hiến tạng.

Tại trung tâm, các cán bộ trực đường dây nóng còn trở thành người tư vấn tâm lý, tình cảm. Thậm chí, nhiều người tức giận chuyện gia đình đã gọi đến trung tâm đòi hiến tạng sau khi tự tử.

“Có những cuộc gọi lúc nửa đêm thông báo: ‘Em sắp tự tử, trung tâm sắp xếp đến lấy tạng’. Khi bị từ chối, họ lại hỏi nhảy xuống sông, đâm vào ô tô, nhảy từ trên cao xuống có được tiếp nhận không? Chúng tôi phải trở thành tổng đài tư vấn bất đắc dĩ, khuyên nhủ họ từ bỏ ý định tự tử và giải thích về ý nghĩa của việc hiến tạng thực sự”, chị Phượng Hoàng cho hay.

Một người đàn ông khác cũng xuất hiện với thái độ khẩn cầu. Trong câu chuyện, người đàn ông thật lòng mong muốn được hiến tất cả mô tạng trên cơ thể mình để cứu người.

“Ông ấy nói trước khi đến đây đã tìm hiểu kỹ, các mô tạng cần phải lấy ngay sau khi chết não mới tốt. Trong khi bản thân ông không biết khi nào sẽ chết nên xin chúng tôi được ở lại trung tâm để ‘Khi nào tôi chết não thì hiến luôn”, chị Phượng Hoàng kể.

Tiếp nhận trường hợp này, sau khi cảm ơn ý định tốt đẹp của vị khách, chị giải thích văn phòng chỉ là nơi làm việc, không phải nơi lưu trú, nên không thể ở lại được.

Hàng ngày, trung tâm còn tiếp nhận nhiều người tìm đến thể hiện ý định bán tạng lấy tiền. Một người đàn ông ở Huế lặn lội đến trung tâm lúc 5h sáng. Khi nhìn thấy các cán bộ tư vấn, ông khóc rồi tâm sự hoàn cảnh nợ nần chồng chất vì con trai phá phách, mỗi ngày mất 600.000 đồng tiền lãi trong khi thu nhập chỉ 200.000 đồng/ngày. Điều đó khiến ông bế tắc và thể hiện nhu cầu muốn bán tạng để trả nợ. Bị từ chối, người đàn ông vẫn cố nài nỉ, ngồi tới cuối ngày mới chịu ra về.

Ngược lại, nhiều trường hợp lại khiến các cán bộ của trung tâm tiếc nuối. “Có một gia đình cả nhà bay từ trong miền Nam ra đăng ký hiến tạng. Một thời gian sau, ông chồng mắc bệnh, cần thay gan, nhưng đến khi ông mất, vẫn không có tạng để thay. Chúng tôi rất buồn vì họ cầu cứu khẩn thiết và không còn cách nào khác”, chị kể.

 Hình ảnh người vợ từ biệt người chồng vừa hiến đa tạng sau khi chết não hồi tháng 11, tại BV Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: BVCC.

Hình ảnh người vợ từ biệt người chồng vừa hiến đa tạng sau khi chết não hồi tháng 11, tại BV Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: BVCC.

Hơn 30.000 người đã đăng ký hiến tạng

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, mặc dù khởi đầu chậm 27 năm so với quốc tế trong lĩnh vực ghép tạng, đến nay, Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng và đạt được những tiến bộ vượt bậc cả về kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng.

Tính đến tháng 9, cả nước đã thực hiện được hơn 4.200 ca ghép tạng, trong đó, gần 4.000 ca ghép thận, gần 600 ca ghép tủy, còn lại là ghép gan, ghép tim, phổi và các loại mô tạng khác. Kỳ vọng của ngành ghép tạng là tận dụng nguồn tạng từ người chết não.

Ông Phúc cho hay đến nay, khoảng hơn 30.000 người đăng ký hiến tạng, tăng 10.000 ca so với thời điểm cuối năm 2018. Nhiều tập thể đã phát động phong trào vận động cán bộ, nhân viên đăng ký hiến tặng mô, tạng như Bệnh viện Trung ương Huế; 18 giáo viên, hai phụ huynh và một cựu học sinh trường THPT Nguyễn Du ở huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) đăng ký hiến mô tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy... Gần nhất, hơn 600 cán bộ, bác sĩ, nhân viên tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec (Hà Nội) đã đồng loạt đăng ký hiến tạng.

Nhận thức và quan niệm “chết toàn thây” đã bắt đầu thay đổi. GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, cho hay việc đăng ký hiến mô, tạng không chỉ dừng lại là một nghĩa cử cao đẹp mà còn giúp nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng như đã tắt hết hy vọng với cuộc đời.

“Có những người trước khi ra đi mãi mãi vẫn kịp hồi sinh cho nhiều cuộc đời khác bằng cách hiến một phần cơ thể mình. Đó cũng là cách để họ tiếp tục hiện hữu trong cuộc đời bằng những bộ phận được cấy ghép, nối dài thêm sự sống”, GS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Một người chết não hiến tặng mô, tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác. Bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não).

Hiện, nước ta có hai địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam là Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).

Hà Quyên

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-chuyen-do-khoc-do-cuoi-o-trung-tam-hien-tang-post1024368.html