Những chuyện dở khóc dở cười của FBI

Trên màn ảnh, các điệp viên FBI luôn cuốn hút khán giả bởi tài trí tuyệt đỉnh. Trong hiện thực, cục tình báo số 1 của Mỹ này cũng luôn là tổ chức truy quét tội phạm, bảo vệ an ninh cho Hoa Kỳ lý tưởng nhất.

Chỉ có điều, chẳng ai là hoàn hảo cả. Nên dẫu là FBI đi nữa vẫn có lúc... bắn nhầm con tin, truy nã lộn đối tượng hoặc để quên tài liệu mật trong nhà kẻ tình nghi.

Cục Điều tra Liên bang (Federal Bureau of Investigation - FBI) là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, có nhiệm vụ thực hiện điều tra tội phạm ở cấp độ liên bang và tình báo nội địa.

Bắn nhầm con tin

Chuyện này xảy ra ở Taxas vào tháng 1/2018. FBI nhận được tin có một vụ bắt cóc tống tiền. Trước đó, 2 gã đàn ông có vũ trang đã đột ngột xông vào nhà của một công dân tên là Ulises Valladares, đòi Valladares phải trả họ 8.000 dollar (khoảng 186 triệu vnd) và nói rằng đó là tiền mà anh đang nợ họ.

Ulises Valladares, con tin xui xẻo bị FBI lấy mạng

Không rõ Valladares không chịu đưa tiền hay không có tiền để mà đưa, nhưng biết hai gã nọ đã bắt trói Valladares cùng đứa con trai mới 12 tuổi của anh, sau đó tự lục soát khắp nhà. Chúng không tìm được của nả gì nên cuối cùng quyết định bắt cóc Valladares, rồi gọi điện cho anh trai của Valladares, đe dọa nếu không đem tới cho chúng 20.000 dollar (466 triệu vnđ) thì đừng mong còn nhìn thấy mặt em trai.

Anh trai của Valladares đã không đáp ứng yêu cầu của bọn bắt cóc mà lập tức báo cho FBI. Nhân viên điều tra của FBI cũng nhanh chóng tìm được địa điểm nạn nhân bị giam giữ và cử người tới giải cứu. Không biết chuyện gì đã xảy ra trong vụ giải cứu con tin này song, nó kết thúc bằng cái xác của Valladares. Anh chết vì trúng đạn của nhân viên FBI. Tệ hơn nữa là Valladares lại trúng đạn trong khi vẫn đang bị trói. Thật khó để bảo rằng FBI vì nhầm anh với kẻ bắt cóc mà... lỡ tay.

Giả hình Osama bin Laden

Sau Sự kiện ngày 11/9/2001, cả thế giới biết đến cái tên Osama bin Laden. Gã trùm khủng bố này đã cầm đầu vụ tấn công nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới tại Thành phố New York, làm 2.996 người bị chết và hơn 6.000 người khác bị thương. Hình truy nã Osama tràn ngập khắp các ngả. Ít ai biết rằng, chân dung trong tờ truy nã ấy không phải là kẻ thù số 1 của nước Mỹ, Osama bin Laden, mà chính là chính trị gia rất uy tín người Tây Ban Nha, Gaspar Llamazares.

Gaspar Llamazares (trái), Gaspar Llamazares bị biến thành Osama bin Laden (giữa) và Osama bin Laden (phải)

Thực tế, Osama không hề xuất hiện trước ống kính truyền thông trước vụ việc. Điều này cũng tức là FBI không hề có ảnh của trùm khủng bố này. Nếu là fan của các phim điệp viên FBI, bạn sẽ tin rằng sử dụng phần mềm đồ họa trên máy tính để phác thảo chân dung một kẻ tình nghi là… chuyện muỗi. Nhưng phim chỉ là phim mà thôi. Để có hình chân dung của Osama mà in lên tờ truy nã, các nhân viên của FBI đã… chắp vá một mớ hình ảnh.

Theo đó, khuôn mặt của Osama được lấy từ khuôn mặt của Llamazares, còn mái tóc và râu ria thì ghép thêm vào. Kỳ cục là mớ lộn xộn ấy lại giống Osama đến kinh ngạc. Chỉ Llamazares là bốc hỏa khi nhìn thấy tờ truy nã Osama bin Laden. Ông điên tiết chửi rủa FBI rõ… vô liêm sỉ, và rằng sẽ không dám đến Mỹ, sợ ai đó sẽ nhầm lẫn mà nã đạn vào đầu mình.

Gọi nhầm điện thoại

Cuối năm 2017, FBI phát hiện một kẻ muốn đầu quân làm ISIS tên là Everitt Jameson. Để biết mức độ nguy hiểm của anh chàng này, họ bèn cử một điệp viên bí mật kết bạn qua mạng xã hội với Jameson. Điệp viên này liên tục “like” các ý tưởng của Jameson, tỏ ra hết sức hào hứng và không tiếc lời tung hô, khen nịnh.

Rất nhanh, Jameson cắn câu. Anh ta khoe khoang đang có ý đánh bom tự sát ở San Francisco. Thời gian, địa điểm hành động như thế nào, Jameson đều vô tư tiết lộ cho “bằng hữu mới” tuốt tuồn tuột. Tất nhiên, FBI cũng liền lên kế hoạch tóm cổ gã “thánh chiến” tại trận. Ai dè, trước D-day đúng một tuần, một nhân viên của họ lại ngớ ngẩn gọi nhầm vào số máy của Jameson, còn dùng số điện thoại nghe lén để gọi. Mặc dù nhân viên dở hơi ấy dập máy ngay nhưng Jameson đã gọi lại, nghe được hết thư thoại ghi âm.

Lẽ dĩ nhiên là với một “thánh chiến non” như Jameson, FBI chỉ việc đổi tác chiến và tóm cổ anh ta sớm hơn dự định. Có điều, chuyện nhầm nhọt nọ thì vẫn… mất mặt vô cùng!

Truy nã lộn đối tượng

Trong suốt nhiều năm, gã tội phạm Whitey Bulger, ông trùm của tổ chức tội phạm Winter Hill Gang, làm mưa làm gió ở Boston. Ông ta đã phạm những 19 tội giết người, bị truy nã với số tiền 1 triệu dollar (23,3 tỷ vnđ). Chẳng hiểu vì lý do gì, FBI lại nhầm lẫn ông trùm này với một... lão niên du khách người Đức.

Whitey Bulger (trái) và Whitey Bulger “bé cái nhầm” (phải)

Lão niên du khách người Đức ấy đang cùng với vợ đi nghỉ mát tại Sicily (Ý). Ông đương nhiên là không hề biết chuyện cái đầu của mình đột ngột bị treo giá những 1 triệu dollar. Bởi thế nên cặp vợ chồng già cứ thoải mái đi ăn, đi chơi, mặc kệ mật vụ FBI hấp tấp chụp hình, gửi ngay về trụ sở. “Bằng chứng” mới nhanh chóng được FBI xử lý. Chân dung của ông già “không liên quan gì cả” nọ cũng liền được dán ngay lên tờ truy nã Whitey Bulger.

Kỳ quặc hơn cả là giữa ông lão du khách ấy và Bulger chẳng giống nhau chút nào. Như phân tích của một blogger thì ông ấy còn nhiều tóc hơn Bulger lúc trẻ. Và dù bị cơ quan điều tra tốt nhất thế giới điên cuồng truy lùng, cặp vợ chồng già nọ vẫn... “trốn thoát” trong suốt nhiều tháng (cho đến khi FBI nhận ra sự sai lầm). Rất có thể là ngay cả bây giờ, họ cũng vẫn chưa hề biết rằng mình đã từng là “nhân vật chính” trong một “thước phim đời thực” của FBI.

Quên tài liệu mật trong nhà nghi phạm

Năm 2010, FBI quyết định bí mật đột nhập ngôi nhà của nhà hoạt động chống chiến tranh, Mick Kelly ở Minneapolis. Không biết họ có tìm được gì không nhưng, sau đó vài tháng, Kelly và vợ ông, Linden Gawboy phát hiện một vài giấy tờ lạ. Nào ngờ, mớ giấy tờ lạ ấy lại chính là tài liệu mật của FBI.

Vợ chồng Mick Kelly và Linden Gawboy

Nội dung của toàn bộ mớ tài liệu đó là gì, chúng ta không được biết hết, vì luật sư của Kelly và Gawboy cảnh báo hai vợ chồng họ không nên tiết lộ. Tuy nhiên, có 5 trang đã bị công khai. Nó bao gồm đánh giá của FBI về Kelly và các câu thẩm vấn dự kiến. FBI nhận định Kelly là phần tử nguy hiểm, vì ông có sở hữu súng. Trong danh sách các câu thẩm vấn cũng có cả câu hỏi tại sao Kelly lại có súng? Ngoài ra còn các câu hỏi về kẻ lãnh đạo, quy mô tổ chức, mục tiêu...

Thêm vào đó, FBI cũng... để quên luôn báo cáo và ảnh chụp 2 căn hộ của 2 nhà hoạt động chống chiến tranh khác mà họ đã bí mật đột nhập.

Lỡ tay làm súng khạc đạn

Nhân viên FBI làm súng khạc đạn trong quầy bar khiêu vũ

Tháng 6/2018, một viên chức FBI đã quá khích trong lúc nhảy nhót ở một quầy bar khiêu vũ. Anh thực hiện một cú “trồng cây chuối” và khiến khẩu súng lục trong bao da đeo ngang hông rơi xuống sàn. Quýnh quáng thế nào, trong lúc chụp lấy khẩu súng, anh ta lại làm nó khạc lửa. Giữa quầy bar đông đúc, viên đạn nã trúng chân một người.

Rất may là người này đã được chữa trị kịp thời và có khả năng phục hồi hoàn toàn. Nhưng nhân viên FBI nọ vẫn có khả năng phải đối mặt với cáo buộc hình sự. Dù anh ta đã tan ca rồi mới đi nhảy múa, nhưng mang cả súng vào quán rượu thì cũng thật là!

Quên trả hóa đơn điện thoại

Đó không phải là hóa đơn điện thoại bình thường (vì ta sẽ biết ngay khi bị cắt) mà là hóa đơn điện thoại giám sát (nói trắng ra thì là điện thoại nghe trộm). Chuyện này xảy ra vào năm 2008. Có đến hơn một nửa trong số 990 hóa đơn điện thoại giám sát của FBI đã không được thanh toán đúng hạn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ đã để mất rất nhiều cơ hội thu thập thông tin quan trọng.

FBI từng để lỡ mất nhiều cuộc điện thoại nghe lén vì... quên trả tiền

Nếu bạn không thanh toán hóa đơn điện thoại đúng hạn, các nhà viễn thông đơn giản là cắt kết nối. Cho dù khách hàng có là FBI thì vẫn không ngoại lệ. Cục tình báo đổ lỗi cho hệ thống quản lý tài chính quá “cổ”, từ những năm 1980, và cố hạ thấp tác động của việc bị đứt quãng. Nhưng phí viễn thông mà họ “còn nợ” của mới chỉ một nhà viễn thông đã là 66.000 dollar (1,5 tỷ vnđ). Ai mà biết có bao nhiêu cuộc gọi mà họ đang theo dõi đã bị bỏ lỡ.

Trong các tổ chức truy lùng tội phạm, FBI là giàu hơn cả. Họ làm việc hết sức hiệu quả cũng một phần là nhờ có nguồn tài chính dồi dào. Để không bị phát hiện, FBI sử dụng quỹ bí mật. Khổ nỗi, vì là “quỹ bí mật”, lượng tiền ấy rất khó bị kiểm soát. Tháng 6/2008, một chuyên viên viễn thông đã lợi dụng điểm này, ăn cắp hẳn 25.000 dollar (582 triệu vnđ) từ một văn phòng của FBI.

Theo Grunge.com

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/nhung-chuyen-do-khoc-do-cuoi-cua-fbi-3962112-b.html