Những chuyến đi vun đắp tình yêu nước, yêu nghề

Những chuyến đi của người làm báo, người cầm bút, người bấm máy là những chuyến đi rất thực tại. Chuyến đi mang tên thời sự, những 'thư ký của thời đại' ghi chép lại chính cuộc sống. Mỗi chuyến đi trong cuộc đời cầm bút, PV nhận ra rằng: Mỗi nơi mình đi qua, đều giúp mình thêm yêu đất nước, yêu nghề viết.

Năm tháng ngọt ngào hơn…

Bất cứ PV nào cũng từng mong muốn rằng, có ít nhất một lần được trải nghiệm hành trình biển đảo và biên giới. Tôi có may mắn trong hơn 10 năm gắn bó với nghề làm báo, được đôi lần tham gia hành trình biên giới, hải đảo cùng đoàn công tác của Hội nhà báo TP Hà Nội. Đó là những chuyến đi không bao giờ quên được nơi biển trời, và nơi phên dậu của Tổ quốc.

10 năm trước, giữa trời nắng như đổ lửa của ngày tháng 7 miền Bắc, tôi theo chân các chiến cán bộ chiến sĩ Hải quân vùng 1 xuống tàu tại Hải Phòng. Trong thuyền có lúc nhiệt độ lên đến hơn 50 độ C mà các chiến sĩ trên tàu vẫn tập trung tác chiến, quân lệnh như sơn và chính xác tuyệt đối. Những giọt mồ hôi của các chiến sĩ trên tàu lúc ấy là điều tôi nhớ đến tận bây giờ, dẫu cho năm tháng đã đi qua không ít.

Cuối năm 2018, sau gần 10 năm, tôi mới lại có dịp đi cùng đoàn công tác của Hải quân vùng 1. Lần này, thời gian đi cận Tết Nguyên đán nên trời rất rét. Lúc bước chân xuống tàu của hải quân, một niềm vui nho nhỏ khơi lên, khi so với 10 năm trước, tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam đã được trang bị tốt hơn và mới hơn. Đường ra đảo Trần – tiền tiêu nơi Vịnh Bắc Bộ của Tổ quốc mờ mịt sương giăng, cũng có những lúc sóng tạt cao ướt hết trang phục của thủy thủ đoàn. Trong gió rét căm căm, tôi cố gắng tránh lắc lư để lên boong lái, hỏi chuyện tổ lái tàu rằng: “Sóng hôm nay đã là mạnh nhất chưa các đồng chí”? Đồng chí Quỳnh – lái chính của tàu cười bảo: “Hôm nay chắc biết có nhà báo nữ ra thăm đảo, sóng đã nhẹ đi rất nhiều lần rồi”. Hình ảnh cả tổ lái tàu ướt sũng trong gió rét, có lẽ cũng là một ký ức tôi không thể quên nữa trên chặng đường đi để thấy, để viết và yêu hơn cuốc sống này của mình.

Điều kỳ lạ là dù hải trình vất vả, nhưng khi đến đảo, các đồng nghiệp của tôi không ai có dấu hiệu mệt. Các ê-kíp của truyền hình Tuyên Quang, truyền hình Nam Định, truyền hình Phú Thọ… lập tức vác máy quay vượt rừng lên điểm cao là trạm ra-đa 480 và 485 ở đảo Trần và đảo Trà Bản (cùng thuộc tỉnh Quảng Ninh) để ghi hình, phỏng vấn. Trong đoàn cũng có những PV rất trẻ, sức làm việc không ngừng nghỉ và nhanh nhẹn.

Sau mỗi cuộc ghi âm phỏng vấn và mỗi bức hình chụp lại, điều làm tôi khâm phục nhất - luôn luôn và mãi mãi - chính là “con người”. Qua những khó khăn, vất vả, qua những điều kiện hoàn cảnh thiếu thốn mà nếu không tận mắt trải nghiệm, khó lòng hình dung ra được ấy, thế mà họ - những con người, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng của quân đội và nhân dân địa phương đã khắc phục được tất cả, để bám đất, bám đảo, để giữ đất, giữ biển, giữ trời. Một công dân mới sinh ở trên đảo được tất cả các máy tập trung ghi hình. Tôi chợt nhận ra rằng đây chính là “thế giới chúng ta đang sống”, nơi qua những năm tháng đắng cay là những năm tháng ngọt ngào hơn.

PV báo PL&XH tác nghiệp tại Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

PV báo PL&XH tác nghiệp tại Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Năm tháng tự hào hơn…

Hội nhà báo TP Hà Nội từ nhiều năm nay có phối hợp bới Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng chương trình tuyên truyền về biên giới và chủ quyền lãnh thổ. Hàng năm, Hội nhà báo TP đều tổ chức hai chuyến đi thực tế, với sự tham gia của các PV, nhà báo thuộc Hội đến các tỉnh vùng địa đầu biên giới để hiểu thêm công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như xây dựng cuộc sống của đồng bào, nhân dân các dân tộc vùng giáp biên.

Tháng 3-2019, tôi có hành trình hơn 1.360 km cùng đoàn công tác của Hội nhà báo TP Hà Nội thăm 5 đồn biên phòng tại hai tỉnh biên giới Hà Giang và Lào Cai. Đó cũng là một hành trình nữa khiến tôi cảm thấy may mắn khi có thể tham gia được, với vai trò của một người làm báo.

Chưa bao giờ, cảm giác thiêng liêng về chủ quyền, biên giới lãnh thổ đối với bản thân tôi lại mạnh mẽ như vậy. Khi đứng ở nơi mà một bước chân thôi đã là lãnh thổ nước khác. Ở nơi mà mỗi cột mốc đều là thiêng liêng, là chủ quyền, thì giây phút đưa tay chào cột mốc lãnh thổ tự hào làm sao.

Điều quý giá nhất trong chuyến đi, chính là tấm lòng cởi mở và sự lạc quan của quân và dân những vùng giáp biên này. Ở nơi heo hút đường đi lại còn rất khó khăn, nơi mà cái ăn, cái mặc còn là nỗi lo thường trực, bà con lại rất bám đất, bám bản, gắn bó với bộ đội, gắn bó với tập thể. Vừa canh tác, bà con vừa tham gia tuần tra, biên giới cột mốc với các cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng đóng trên địa bàn. Tôi vẫn nhớ lời anh Nguyễn Xuân Hợp, thôn Tà Chải, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang dặn: “Cô nhà báo đứng chụp ảnh ở đoạn này cẩn thận nhé, đừng bước qua bên kia, bên đấy là đất nước bạn rồi. Ở đây chúng tôi đều dặn bà con đi lại phải có giấy phép, phải hiểu về lãnh thổ nước mình để làm ăn, sinh sống được thuận lợi”.

Dặm dài biên giới đất nước, hoa gạo bung nở, núi đồi trùng điệp, nương rẫy của bà con xanh mướt. Ở nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn, ý thức về mỗi tấc đất, tấc nhà của đồng bào, chiến sĩ nơi đây lại càng trân quý hơn nữa. Đúng như câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm mà tôi vẫn nhớ “Khi chúng ta cầm tay mọi người/Đất nước vẹn tròn, to lớn”.

Nhờ những hành trình đã đi trong những năm làm báo mà tôi có những năm tháng ngọt ngào và tự hào hơn về đất nước, non sông và về nghề nghiệp của mình.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-chuyen-di-vun-dap-tinh-yeu-nuoc-yeu-nghe-152466.html