Những chuyện chưa kể trong 50 năm gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh

50 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nhiều thông tin về việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài của Người dần được hé mở.

Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong Lăng có thật là Người? Những nét đặc trưng khi sinh thời của Bác có được giữ nguyên vẹn? Vì sao Lăng chỉ mở cửa cho người dân thăm viếng trong vài giờ buổi sáng và 5 ngày/tuần. Vì sao một năm Lăng đóng cửa 3 tháng?...

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra từ lâu và đến nay đã dần được gợi mở để người dân có thể hiểu rõ hơn nhiệm vụ thiêng liêng giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể lại nhiều câu chuyện trong suốt quá trình chuẩn bị, thực hiện lưu giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bí mật thông tin về gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh

Câu chuyện của ông bắt đầu vào thời điểm tháng 5/1967 - sau sinh nhật lần thứ 77 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là khi sức khỏe của Bác đã có dấu hiệu giảm sút. Bộ Chính trị sau đó đã có phiên họp bất thường do Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn chủ trì. Cuộc họp bàn về 2 vấn đề hệ trọng.

Việc thứ nhất là bằng mọi cách tiếp tục chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Người. Thứ hai là khi Người qua đời, Bộ Chính trị quyết định chuẩn bị nhiệm vụ tổ chức lễ quốc tang và gìn giữ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc họp cũng nêu yêu cầu quan trọng về việc phải tuyệt đối bí mật về thông tin, nếu không, nhân dân sẽ lo lắng và Bác sẽ phê bình, không đồng ý triển khai.

Đúng 9h47 phút ngày 2/9/1969, Bác mất trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước. Ảnh: Tư liệu.

Đúng 9h47 phút ngày 2/9/1969, Bác mất trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước. Ảnh: Tư liệu.

Trên cơ sở quyết nghị về nội dung đó, chúng ta chủ trương chọn ngay một số cán bộ y tế giỏi gửi sang Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài.

Ba bác sĩ của các bệnh viện 108, Bạch Mai, Việt - Xô sau đó được điều động sang Liên Xô học tập kỹ thuật ướp bảo quản thi hài và trở về nước vào tháng 4/1968.

Hai tháng sau, Ban Tổ chức Trung ương quyết định thành lập Tổ y tế đặc biệt thuộc biên chế của Quân y Viện 108 gồm 6 người.

Cùng với đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ thị cho Bộ tư lệnh Công binh xây dựng một công trình bí mật (mang mật danh 75A) ở phía sau Nhà tang lễ Quân y Viện 108 để phục vụ công tác giữ gìn thi hài Bác. Công trình được xây dựng xong vào cuối năm 1968.

Trung ương Đảng và Chính phủ cũng quyết định Quảng trường Ba Đình sẽ là nơi tổ chức lễ tang khi Bác từ trần và Hội trường Ba Đình sẽ là nơi quàn thi hài Bác để nhân dân và bè bạn quốc tế tới viếng.

Bộ Tư lệnh Công binh tiếp tục được giao nhiệm vụ chuẩn bị các công việc cần thiết và thi công công trình này với mật danh 75B.

Giữ đường nét của Bác như lúc sinh thời

9h47 ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh trút hơi thở cuối cùng, vĩnh biệt nhân dân.

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm kể theo kế hoạch đã chuẩn bị sẵn, thi hài Bác được chuyển về Quân y Viện 108. Các thành viên trong Tổ y tế đặc biệt và các chuyên gia Liên Xô tập trung tiến hành từng thao tác kỹ thuật thận trọng, tỉ mỉ, chính xác để giữ nguyên những nét đặc trưng trên khuôn mặt, đôi tay, làn da, râu tóc của Bác như lúc sinh thời.

Ngôi nhà 2 tầng ở khu Di tích Đá Chông K9 được thiết kế phỏng theo kiểu nhà sàn - ngôi nhà quen thuộc của Bác ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Việt Hùng.

Sau Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969, thi hài của Người được giữ gìn tại Công trình 75A.

Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương khi đó cũng quyết định một mặt tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Công trình 75A để giữ gìn thi hài Bác được kịp thời và thuận lợi, mặt khác, cần xây dựng một công trình khác cũng như 75A nhưng ở xa Hà Nội, bí mật, yên tĩnh, đi lại thuận tiện để khi cần sẽ di chuyển thi hài Bác tới đó giữ gìn bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Khu vực K9 (Ba Vì, Hà Nội) đã được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương lựa chọn là nơi xây dựng công trình dự phòng. Đây là một khu đồi thông ở hữu ngạn sông Đà, cách trung tâm thủ đô khoảng 70 km, đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu đề ra.

Sau hơn 3 tháng thi công, ngày 15/12/1969, K9 hoàn thành. Để giữ bí mật, công trình được đổi tên thành K84.

Việc di chuyển thi hài khi đó được đánh giá là rất hệ trọng. Trong nhiều cuộc họp, 3 phương án hành quân được cân nhắc đặt ra là đường không, đường thủy, đường bộ. Cuối cùng, phương án di chuyển bằng đường bộ được lựa chọn.

Vì sao chỉ được viếng Bác vài tiếng buổi sáng?

Theo Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, cho đến nay vẫn có người hỏi thi hài trong Lăng có phải Bác thật hay không. Ông Kiếm khẳng định thi hài Bác hoàn toàn là thật. Tất cả những nét đặc trưng của Người đều được lưu giữ trọn vẹn như khi Người còn sống.

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm chia sẻ trước đây, chúng ta giữ gìn thi hài Bác trong không gian hẹp, không có người thăm viếng, nhưng khi đưa về Lăng thì hàng ngày thi hài Bác tiếp xúc với nhiều người, tiếp xúc với ánh sáng, với sự thay đổi môi trường… Vì thế, các yêu cầu đặt ra nghiêm ngặt hơn rất nhiều.

Trong 50 năm qua, Lăng được duy trì quy luật là một tuần chỉ viếng 5 ngày, nghỉ 2 ngày, chỉ viếng buổi sáng chứ không viếng buổi chiều. Mỗi năm nghỉ 2-3 tháng để tu bổ. Ảnh: TTXVN.

Từ đó, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng chỉ tổ chức viếng Bác trong 3-4 tiếng buổi sáng, không viếng vào buổi chiều. Theo lý giải của ông Kiếm, nếu để thi hài tiếp xúc với ánh sáng nhiều sẽ gây tác động, ảnh hưởng nhất định.

“Đây là điều khó khăn, chúng ta phải duy trì thông số, nhiệt độ, độ ẩm trong môi trường để lưu giữ thi hài Bác lâu dài. Yêu cầu rất khắt khe, hanh khô quá không được, ẩm ướt quá cũng không được”, thiếu tướng Kiếm giải thích.

Ông cũng cho biết, trong 50 năm qua, Lăng được duy trì quy luật là một tuần chỉ viếng 5 ngày, nghỉ 2 ngày, chỉ viếng buổi sáng chứ không viếng buổi chiều. Mỗi năm, nghỉ 2-3 tháng để tu bổ, trong đó, có một tháng dành để làm thuốc duy trì, giữ gìn thi hài cho Bác.

Về yếu tố kỹ thuật trong Lăng, nhiệm vụ chính của các hệ thống thiết bị tại đây là tạo ra và duy trì môi trường không khí tinh khiết, có chế độ nhiệt ẩm thích hợp, đáp ứng nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Cùng với đó là việc thiết lập các điều kiện kỹ thuật phục vụ lễ viếng, các hoạt động khác ở Lăng và Quảng trường Ba Đình một cách an toàn, chính xác, hiệu quả.

Các thông số đặc trưng của môi trường không khí phục vụ y tế và môi trường làm việc trong công trình là nhiệt độ, độ ẩm tương đối, tốc độ di chuyển và độ sạch của không khí.

Đặc điểm quan trọng nhất trong đảm bảo không khí là phải duy trì môi trường với các yêu cầu nghiêm ngặt, thường xuyên, liên tục, không sai sót.

Do đó, thiết bị công nghệ phải có hệ số dự phòng cao. Hệ thống trực phải bảo đảm suốt ngày đêm. Việc triển khai nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp được tiến hành trong điều kiện thiết bị công nghệ vẫn đang hoạt động.

An ninh quanh khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được đảm bảo. Từ ngày mở cửa Lăng, chưa có một sai sót nhỏ nào liên quan đến công tác an ninh tại đây. Ảnh: Hoàng Hà.

Việt Nam đã làm chủ công nghệ bảo quản như thế nào?

Công tác kỹ thuật trong giai đoạn từ năm 1975 đến 1991 do chuyên gia trong nước trực tiếp quản lý, khai thác hệ thống thiết bị kỹ thuật và kiến trúc công trình dưới sự hướng dẫn, huấn luyện thường xuyên của các chuyên gia Liên Xô.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, công trình Lăng không còn nhận được nguồn viện trợ lớn về vật tư, thiết bị, chuyên gia kỹ thuật không còn làm việc tại Lăng.

Bên cạnh đó, thiết bị kỹ thuật công trình sau nhiều năm khai thác, vận hành đã xuống cấp, công nghệ đã bắt đầu lạc hậu. Nhiều thiết bị không còn được sản xuất, nhất là các thiết bị đặc chủng.

Với chủ trương “giữ tốt dùng bền, an toàn, tiết kiệm”, Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng cho biết chúng ta một mặt ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật để kéo dài thời gian khai thác, sử dụng các thiết bị.

Hiện cán bộ ở Lăng Bác hoàn toàn làm chủ kỹ thuật bảo quản thi hài của Người. Ảnh: Việt Hùng.

Mặt khác, hợp tác với các cơ quan trong và ngoài quân đội nghiên cứu, thử nghiệm thay thế dần dần các thiết bị cũ bằng những thiết bị hiện đại, có tính năng ưu việt hơn, thân thiện với môi trường và từng bước đáp ứng yêu cầu tự động hóa.

Bằng tính toán và thực nghiệm, chúng ta đã xác lập được một chế độ nhiệt - ẩm tổng thể, hợp lý.

Theo thiếu tướng Kiếm, thiết bị trực tiếp tiếp cận với thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là hệ thống ánh sáng, được đặc biệt quan tâm. Với cơ thể sống, khi tiếp cận với ánh sáng thì không gặp vấn đề gì nhưng thi hài tiếp cận ánh sáng thì có nhiều vấn đề.

Vì thế, chúng ta đã nghiên cứu, cải tiến để hạn chế mức thấp nhất tác động của ánh sáng lên thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Hiện nay, cán bộ ở Lăng hoàn toàn làm chủ kỹ thuật”, thiếu tướng Kiếm cho biết.

Đảm bảo an ninh tuyệt đối, không để xảy ra sai sót

Nhắc đến công tác an ninh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng cho rằng thành tựu lớn nhất là từ khi mở cửa Lăng cho đến nay, chưa xảy ra sự cố nào làm ảnh hưởng đến an ninh hoặc gây hại tới thi hài Bác.

Theo ông, tất cả trường hợp vào viếng Bác đều được kiểm tra, kiểm soát an ninh chặt chẽ.

Nhận định Lăng Bác là một trong những khu không gian thiêng liêng của dân tộc, Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng rất chú trọng công tác an ninh, các lực lượng bảo vệ, canh phòng, tuần tra 24/24h.

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm. Ảnh: Hoài Thu.

“Nhiều người khi đến Lăng cũng nhìn hết các nhà cao tầng xung quanh và lo sợ rằng có thể bị bắn tỉa nhưng chúng tôi khẳng định không có vấn đề gì và hoàn toàn có thể yên tâm. Như vừa qua, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm Lăng và ông ấy rất thoải mái, phấn khởi. Nơi đây đã tạo được ấn tượng tốt”, thiếu tướng Kiếm chia sẻ.

Các nghi lễ ở Lăng, theo thiếu tướng Kiếm cũng đều rất đặc biệt, từ nghi lễ thượng - hạ cờ đến nghi thức đón các đoàn nguyên thủ quốc gia đều để lại tình cảm, ấn tượng tốt đẹp.

Cùng với đó, công tác đón tiếp người dân đến viếng Lăng cũng rất được chú trọng. Nhờ vậy, từ ngày mở cửa 29/8/1975 đến hết tháng 2/2019, Lăng đã đón tiếp, phục vụ chu đáo hơn 57 triệu lượt người đến viếng Bác, trong đó, có gần 10 triệu lượt khách quốc tế.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-chuyen-chua-ke-trong-50-nam-gin-giu-thi-hai-chu-tich-ho-chi-minh-post940306.html