Những chú ý khi ăn hành tây kẻo lại rước thêm bệnh

Hành tây là loại củ có nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi sử dụng hành tây, mọi người cần chú ý những đặc tính của loại củ này để tránh gây hại cho sức khỏe.

Những lợi ích của hành tây

Trong thành phần của hành tây hàm lượng có chứa vitamin A, B1, B2, PP, C, các muối của canxi và photpho, chất kháng sinh thực vật, axit citric và malic, các loại đường glucoz, saccaroz, fructoz, maltoz…

Cụ thể, trong 100g hành tây có 88g nước, 1,8g protid, 8,3g glucid, 0,1g chất xơ, 0,8g chất tro và 38mg calci, 58mg phosphor, 0,8mg sắt, 0,03mg caroten, 0,03mg B1, 0,04mg B2, 0,02mg PP và 10mg C... đều là dưỡng chất rất cần thiết với sức khỏe.

Hành tây là loại củ giàu vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe

Hành tây là loại củ giàu vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe

Nhiều thử nhiệm lâm sàng cho thấy, hành tây tác dụng giảm cholesterol trong máu, giảm kết vón tiểu cầu và hình thành cục máu đông - nguyên nhân của nhồi máu cơ tim đột quỵ.

Trong thành phần của hành tây chứa nhiều hợp chất S-methylcysteine, flavonoid, cron và quercetin, có khả năng làm giảm glucose và chất béo, tăng bài tiết insulin, có lợi cho bệnh nhân tiểu đường.

Hành tây còn có tác dụng phòng ngừa bệnh ung thư. Do chứa hợp chất lưu huỳnh nên hành tây có khả năng ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư thực quản, đại tràng, trực tràng, vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt và thanh quản.

Hành tây cũng được chứng minh giúp giảm đau bụng trong thời kỳ “đèn đỏ” bởi trong hành tây có chứa acid amin cysteine, giúp hỗ trợ sản xuất glutathione là chất giúp làm dịu đau nhức, giảm căng thẳng, ngăn ngừa tổn thương tế bào và hỗ trợ chức năng gan.

Không những vậy, hành tây còn là thực phẩm rất tốt cho bệnh hen suyễn và viêm phế quản mạn tính. Thành phần của nó chứa các chất chống viêm và ức chế Histamin- một chất hóa học chính gây bệnh hen, nó có tác dụng tốt trên bệnh nhân hen, giảm một nửa nguy cơ tái phát của các cơn hen. hành tây cũng giúp làm giảm các triệu chứng như ho, tắc nghẽn và viêm đường hô hấp.

Tại Nga các nghiên cứu cũng nhận thấy hành tây có tác dụng làm hạ huyết áp nhờ chứa chất prostaglandin (prostagladin A, PG) và thành phần hoạt tính fibrin nên có thể kích thích hoạt động hòa tan máu, chống lại những chất gây tăng áp trong cơ thể. Các chất này còn có công dụng thúc đẩy sự bài tiết muối Natri (một loại muối gọi nước), giúp hạ huyết áp.

Trong hành tây còn có phytoncid - một chất diệt khuẩn dễ bị bay hơi, diệt được nấm và các vi trùng khác.

Theo Đông y, hành tây có vị cay, tính ấm nên có tác dụng giải biểu, kiện tỳ, hòa trung, tiêu thực sát trùng, lợi tiểu tiện. Hành tây cũng là thực phẩm tốt cho những người bị cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu, bụng đầy chậm tiêu, nhiễm khuẩn đường ruột, tiểu tiện bất lợi, phong thấp nhức mỏi.

Những người không nên ăn hành tây

- Bệnh dạ dày: Hành tây có thể gây đầy hơi, chướng bụng và có chứa một số độc khí. Vì vậy những người có bệnh dạ dày nên hạn chế ăn hành tây.

- Người có bệnh huyết áp thấp: Hành tây cũng nằm trong các loại thực phẩm cần tránh của người huyết áp thấp vì loại củ này có tính lạnh, có tác dụng hạ huyết áp.

- Người bị đau mắt đỏ: Theo y học phương Đông, bệnh do can phong nhiệt nên người bị đau mắt đỏ cần tránh các loại thực phẩm cay nóng như: Hành tây, ớt, tiêu, mù tạt… Các loại thực phẩm và gia vị này sẽ làm mắt đỏ hơn.

Ngoài ra, phụ nữ cho con bú cũng không nên ăn nhiều hành tây bởi sẽ khiến con nhỏ bị sôi bụng, Người ra nhiều mồ hôi cũng không nên ăn nhiều loại củ này.

Theo An Nhiên/Pháp luật & Xã hội

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/nhung-chu-y-khi-an-hanh-tay-keo-lai-ruoc-them-benh/20200904082337709