Những chú lợn phục vụ quân đội

Lịch sử thế giới đã ghi nhận sự tham gia của các loài động vật trong nhiều chiến dịch do quân đội các nước thực hiện. Hàng loạt chiến công của những chú chó nghiệp vụ, hay nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo của đội quân bồ câu là những đề tài hay được báo chí nhắc đến. Nhưng ít ai biết rằng, đã có những lúc lợn cũng có cơ hội trở nên nổi tiếng khi để lại dấu ấn trong thời chiến…

Sống sót trong vụ thử hạt nhân

Năm 1946, Mỹ tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân trên đảo san hô Bikini. Đây là hoạt động nằm trong chiến dịch Crossroads của quân đội nước này. Để kiểm tra xem một vụ nổ hạt nhân có thể gây tổn thất đến mức nào, Mỹ quyết định đặt 22 chiếc tàu ở những vị trí khác nhau, xung quanh tâm chấn vụ nổ. Trong những chiếc tàu đó là lợn, dê, chuột nhà và chuột cống. Sau khi vụ nổ xảy ra, 1/3 số động vật trên tàu bị chết vì sóng xung kích và nhiễm tia bức xạ của vụ nổ hạt nhân. Vài tuần sau, hầu hết những con vật còn sống sót cũng chết vì nhiễm phóng xạ.

Đáng ngạc nhiên, trong một vụ thử nghiệm hạt nhân với sức hủy diệt đáng sợ lại có những con vật không hề hấn gì. Các thành viên của nhóm nghiên cứu hậu quả của vụ nổ hạt nhân phát hiện ra một con lợn còn sống sót, trôi nổi quanh khu vực thử nghiệm hạt nhân. Đó là chú lợn có số hiệu 311. Việc có thể thoát khỏi con tàu và vượt qua căn bệnh nhiễm phóng xạ làm cho chú lợn này trở nên nổi tiếng. Ba năm sau, chú lợn 311 cùng với chú dê mang số hiệu 315-một con vật còn sống sót khác, được chuyển đến Vườn thú Quốc gia Smithsonian tại Washington D.C (Mỹ). Chú lợn 311 sống ở đây cho đến khi chết vào năm 1950.

 Lính hải quân Mỹ và chú lợn số 311 tại Washington D.C năm 1946. Ảnh: AP.

Lính hải quân Mỹ và chú lợn số 311 tại Washington D.C năm 1946. Ảnh: AP.

Kiếm được nhiều tiền cho quân đội

Một chú lợn có tên Parker Neptune, sinh ra tại trang trại ở miền Nam bang Illinois (Mỹ). Nhà tuyển mộ của quân đội Don C.Lingle đã mua Parker Neptune và đổi tên nó thành King Neptune. Sau đó, Don C.Lingle hợp tác với nhà đấu giá L.Oard Sitter để bán đấu giá chú lợn này nhằm gây quỹ cho quân đội. Trước khi bước vào buổi đấu giá, King Neptune được khoác tấm chăn của hải quân như một hình thức để quảng cáo, gây sự chú ý của người mua. Cuộc đấu giá kết thúc với khoản tiền 11.200USD. Tuy nhiên, sau đó người mua đã tặng lại chú lợn King Neptune cho người bán để có thể bán tiếp. Mọi việc được tiến hành đều vì mục đích hỗ trợ cho quân đội.

Tại phiên đấu giá tiếp theo, King Neptune được bán với giá 50.000USD. Sau đó, một lần nữa, chú lợn này lại được bán với giá hơn nửa triệu USD. Người ta chở King Neptune từ thành phố này sang thành phố khác. King Neptune khoác tấm chăn hải quân, đeo vương miện và đồ trang sức đến các buổi đấu giá. Cứ sau mỗi lần đấu giá, mức giá bán King Neptune lại được nâng lên. Cuối Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tổng số tiền mà King Neptune "kiếm" được là khoảng 19 triệu USD.

Năm 1946, Don C.Lingle sắp xếp cho King Neptune "nghỉ hưu” tại trang trại ở bang Illinois. Chú lợn sống ở đó cho đến khi chết vì bệnh viêm phổi vào năm 1950. Một tấm bia tưởng niệm đã được dựng lên để vinh danh King Neptune vì số tiền 19 triệu USD đóng góp cho quân đội Mỹ.

THÙY LINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/nghe-thuat-quan-su-the-gioi/nhung-chu-lon-phuc-vu-quan-doi-559684