Những chú lợn đeo nơ, nhảy lửa... 'độc nhất vô nhị'

Sân khấu sáng đèn. Âm nhạc vang lên. Một con, hai con, ba con… cả đàn lợn chạy ùa ra sân khấu. Con đeo nơ, con mặc yếm, con đội vòng hoa... Chúng bắt đầu làm trò. Con rải thảm, con nhảy vòng, con chơi xích đu, con đi thăng bằng trên cầu, con hất bóng vào gôn, con lao mình qua vòng lửa... Khán giả ồ lên, vỗ tay reo hò thích thú...

Nghệ sĩ Kim Cương đang khích lệ con Men diễn trò xích đu

Những chú lợn “độc nhất vô nhị”

Ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam có những chú lợn vô cùng đặc biệt, vì chỉ có chúng mới được đứng trên sân khấu biểu diễn như những nghệ sĩ thực thụ.

4h chiều, nghệ sĩ Kim Cương về tới Liên đoàn Xiếc, đỗ xịch chiếc xe máy chở cái sọt lớn phía sau. Một con lợn tầm khoảng 35-40kg ngoái cổ nhìn ra. Anh Cương giới thiệu: nó tên Men. Nó vừa “chạy sô” một sự kiện bên Ðông Anh về. “Năm nay đón Tết lợn nên bận lắm, đi đâu các cháu cũng hò reo đòi xem lợn diễn trò”- anh Cương vừa nói vừa thoăn thoắt tháo dây, bê sọt, lùa con Men vào chuồng nghỉ ngơi. Nó là “vơ-đét” của đàn, nên hay được anh Cương dắt đi diễn riêng.

Con Men sống chung với 10 con lợn nữa, trong một “căn hộ” ở tầng 1 khu nhà tập thể 3 tầng dành riêng cho các “nghệ sĩ” thú. Trong phòng được dọn dẹp sạch sẽ, chỗ ngủ có lót chăn ấm áp, phía trên là đèn sưởi để phòng những hôm trời lạnh. Mỗi con được “thầy” Cương đặt tên theo ngoại hình, tính cách. Ví như gọi là Men vì nó rất “nam tính”, “đàn ông”. Con Mun có bộ lông đen. Con Ðốm sở hữu những đốm trắng đặc biệt. Con Còi thì nhỏ nhất đàn...

Con Men 2 tuổi, to lớn, khỏe mạnh, lại giỏi nhất nên được “thầy” giao cho nhiệm vụ trưởng đàn. Mỗi lần ra sân khấu, nó luôn chủ động đi đầu, biểu diễn phần “Trải thảm” để mở màn tiết mục. Ở trò “Ði cầu” hay “Nhảy vòng”, “Nhảy lửa”, Men cũng luôn nhanh nhẹn làm gương. “Nó ít nói, nhưng thông minh lắm. Hôm nào mình không vui là tự thấy nó cũng ngoan ngoãn hơn. Hôm nào tâm trạng mình vui vẻ, y rằng, nó nhõng nhẽo hẳn”- anh Cương nhận xét.

Con Khoang thì mê trò chạy vòng quanh sân khấu. Nó là đứa ưa chạy nhảy, không thích ngồi yên, nói như “thầy” Cương là “lúc nào cũng rối rít như tăng động”. Con Còi bé nhất nhưng tham ăn nhất đàn. Chỉ cần nghe tiếng dép từ xa, nó có thể đoán được là “thầy” Cương hay “anh” Ðình trợ lý, người phụ trách khâu ăn uống của cả đàn. “Nó khôn lắm, thấy mình là đuôi ngoáy tít, miệng gào to. Chứ thấy anh Cương là im thin thít, vì biết chuẩn bị đến giờ luyện tập”, anh Ðình cười cho biết. Anh cũng tiết lộ “đám này cực kỳ sạch sẽ chứ không bẩn như trong truyền thuyết đâu nhá. Chúng biết đi vệ sinh đúng chỗ, thích nằm nơi khô ráo. Những hôm đi lưu diễn, phải ở trong chuồng chật chội trên ô tô, chúng nhất quyết... nhịn. Vừa xuống xe, cả đàn lao ra tìm bãi cỏ rồi mới vệ sinh”.

Chăm lợn hơn… chăm con

Suốt 2 năm nay, nghệ sĩ Kim Cương được mọi người trong đoàn xiếc thân mật gọi bằng biệt danh “Cương lợn”. Vốn phụ trách tiết mục xiếc thú tổng hợp gồm ngựa, gà, dê, chó… năm 2016, anh bén duyên với lợn. “Trong một lần đi công tác ở Hải Phòng, tôi có thăm một trại lợn chuyên nuôi lợn Móng Cái. Loại lợn này từng xuất hiện trong tranh Ðông Hồ, hiện gần như đã tuyệt chủng và chỉ còn một viện nghiên cứu ở Hải Phòng giữ nguồn gen. Giống lợn này đẹp và khá thông minh nên tôi nghĩ ngay đến việc tập một tiết mục xiếc lợn”, anh kể. Ðược lãnh đạo Liên đoàn xiếc ủng hộ, anh tìm về trại giống chọn 5 con lợn đẹp nhất vừa tròn 45 ngày tuổi.

Các “diễn viên nhí” sau khi đón về được ăn uống theo chế độ chuẩn đã nghiên cứu. Lúc còn bé thì uống sữa, ăn cháo loãng... Lớn dần, khẩu phần của mỗi con luôn đảm bảo mỗi ngày 3 lạng gạo, 1 mớ rau, 1 lạng thịt, 2 lạng cám, 1 gói bánh quy. Hàng tháng bổ sung thêm canxi. Trời nóng sẽ tăng cường đường gluco, trời rét thì hạn chế tắm rửa và được nằm đèn sưởi. Hàng ngày, ăn sáng xong, đám con Men được các bác sĩ thú y của Liên đoàn Xiếc lần lượt kiểm tra sức khỏe. Rồi ra sân tắm nắng, chạy nhảy, vệ sinh. Sau đó là luyện tập 2 tiếng, rồi ăn uống, nghỉ ngơi, chiều lại tập. Ðều đặn như thế suốt 2 năm qua.

“Cái tinh của người huấn luyện là phải hiểu được tâm tính con thú, phải quan sát, gần gũi càng nhiều càng tốt. Nhìn nó mệt thì phải biết vì sao nó mệt. Ðôi khi phải vạch cả phân tìm hiểu xem chúng có bị ỉa chảy hay táo bón, xem mắt, soi tai, răng lợi xem có viêm không, nắn bụng xem chúng có đau không…”- anh Cương nói. Có những thời điểm anh và các trợ lý phải sống chung với đàn lợn cả ngày đêm. Chăm hơn chăm con, là bởi, con ốm còn gửi được cho vợ, cho ông bà chứ lợn ốm thì nửa đêm cũng phải chạy đến ngồi cạnh vỗ về. “Có những trò dù thú vị nhưng nếu gây nguy hiểm cho lợn, chúng tôi vẫn bỏ. Ví như màn lợn đi trên quả xi măng lăn tròn, mặc dù đã tập luyện khá ổn nhưng vẫn bỏ vì móng lợn trơn, đi dễ ngã”- anh Ðình chia sẻ thêm.

Ở Liên đoàn xiếc có đội ngũ bác sĩ thú y, nấu ăn, tắm rửa vệ sinh cho các đàn thú… Nhưng chủ tiết mục vẫn phải chủ động theo dõi sức khỏe đàn thú của mình. Theo anh Cương, vất vả nhất là 3 tháng đầu, phải gần gũi, tắm rửa, cho ăn… để nó theo chủ. Khi lợn đã dạn người, anh mới bắt đầu đưa các động tác vào tập luyện. Nói về đặc tính của lợn trong huấn luyện xiếc, anh phân tích “Ưu điểm của lợn là biết nghe lời, các động tác cũng làm được rất nhanh. Chỉ mỗi tội hay quên nên để tạo thói quen thì ngày nào cũng phải tập. Khi tập luyện, chúng tôi cũng không dùng roi vọt, đánh đập mà theo phương pháp nghe lời sẽ được thưởng. Phải làm cho chúng ngoan ngoãn một cách tự nguyện, vui vẻ, nếu không, ra sân khấu, chúng rất dễ phá tiết mục”. Ở Việt Nam từ trước đến nay chưa hề có xiếc lợn nên nghệ sĩ phải tự mày mò, tham khảo các clip của nước ngoài. Lợn đá bóng, lợn nhảy qua vòng tròn lửa, lợn chơi xích đu, nối đuôi nhau đi trên chiếc cầu hẹp... đó là những thành quả xứng đáng sau bao ngày ròng rã tập luyện chăm chỉ của cả “thầy” và “trò”. Sắp tới, nhóm con Men cũng sẽ được thử thêm trò mới như lợn kéo co, đua lợn, lợn mở hộp quà, gắp khăn chọn màu…

“Hồi đầu chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên bị chết 3 con do nhiễm dịch. Lại phải mua thêm lứa mới để tập lại từ đầu nhưng cứ tiếc mãi, như mất đi bạn diễn thân thiết”, anh Cương trầm ngâm. Người nghệ sĩ biểu diễn ở các lĩnh vực khác, mỗi năm có thể tham gia xây dựng nhiều tiết mục, nhiều vở diễn và diễn xong một thời gian lại bỏ để tập bài mới nhưng với nghệ sĩ xiếc thú, có khi, xây dựng một tiết mục biểu diễn cả đời. Nếu “bạn diễn” có mệnh hệ gì, không chỉ là buồn thương mà coi như công sức cũng đổ sông đổ biển.

Mới lên sân khấu được 2 năm, xiếc lợn vẫn là tiết mục còn non trẻ ở Liên đoàn xiếc. Vẫn vừa diễn vừa rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, tin vui là thời gian tới, đám con Men sẽ bận rộn, “đắt sô” hơn. “Xu hướng của Liên đoàn hiện nay là chuyển đổi dần từ động vật hoang dã sang các loại thú nuôi. Nhận thấy xiếc lợn đạt hiệu quả tốt, lãnh đạo liên đoàn quyết định sẽ tăng thêm một tiết mục xiếc lợn nữa trong chương trình xiếc thú…”- NSND Tạ Duy Ánh- Giám đốc Liên đoàn cho hay.

Con Khoang chuẩn bị biểu diễn màn nhảy qua vòng lửa

Thanh Hương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/nhung-chu-lon-deo-no-nhay-lua-doc-nhat-vo-nhi-1373591.tpo