Những chú khuyển cứu hộ ở Trà Leng

Tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân còn mất tích trong vụ sạt lở đất kinh hoàng xảy ra tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam trong những ngày qua, ngoài các cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 5, Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị công an, quân đội, biên phòng, lực lượng chức năng địa phương, còn có các huấn luyện viên cùng 4 chú chó nghiệp vụ đến từ Cụm cơ động chó nghiệp vụ 4 (Trường Trung cấp 24 Biên phòng).

Mặc thời tiết diễn biến phức tạp, trời liên tục có mưa lớn kéo dài, nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống luôn tiềm ẩn, dưới sự chỉ huy, động viên của Trung tá Trần Hiệp Sỹ, Cụm trưởng Cụm cơ động chó nghiệp vụ 4, những người bạn bốn chân tinh nhuệ, hiền lành vẫn ngày ngày có mặt tại hiện trường sạt lở và các lòng sông, lòng suối, sườn đồi, chân dốc, tích cực hỗ trợ các lực lượng đẩy nhanh công tác tìm kiếm các nạn nhân.

Ngày thứ hai sau vụ sạt lở đất kinh hoàng, mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn, thi thoảng trên những vạt đồi, đỉnh núi lại có những mảng đất, đá lớn bất ngờ đổ sập. Dưới tiết trời âm u, ảm đạm và những tiếng khóc xé lòng của người dân, cả nóc ông Đề (cụm dân cư với 15 hộ dân và 70 nhân khẩu ở thôn 1, xã Trà Leng) vẫn ngổn ngang bùn đất, bê tông, sắt thép, thân cây, xe máy, xe đạp, ti vi, tủ lạnh, sách vở, bàn ghế và tài sản của những gia đình vừa bị lũ dữ san bằng. Vượt đường xa đến hiện trường khi đã quá trưa, Trung tá Trần Hiệp Sỹ vội vã chạy lên đài quan sát tìm gặp Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó tư lệnh Quân khu 5, tổng chỉ huy các lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn để báo cáo và nắm bắt tình hình sơ bộ.

 Những chú khuyển tham gia cứu hộ ở Trà Leng.

Những chú khuyển tham gia cứu hộ ở Trà Leng.

Sau 2 vòng khảo sát thực địa, anh triệu tập toàn đội phổ biến kế hoạch, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Theo sự phân công, các huấn luyện viên cùng những chú chó nghiệp vụ lặng lẽ tiến xuống hiện trường. Theo đề nghị của bộ đội biên phòng, thân nhân, gia đình của các nạn nhân đang tập trung ngóng chờ tin tức người thân tạm thời lùi hẳn lên những sườn đồi, để chó nghiệp vụ không bị phân tâm hoặc mất mùi. Sau khi dậm thử mấy bước chân để ước lượng độ lún của bùn đất, Trung úy QNCN Nguyễn Đức Vượng và các huấn luyện viên bắt đầu dùng thuốn sắt chọc những lỗ sâu vào lòng đất, ngoáy thật mạnh ra xung quanh, rồi dắt chó lội bùn tăng cường xục xạo, tìm kiếm. Trò chuyện với chúng tôi, anh Vượng cho biết, để chó dễ phát hiện nguồn hơi, trước khi tìm kiếm, chúng tôi sẽ chọc lỗ, thông hơi tại các khu vực có nghi ngờ. Chưa kịp dứt lời, thấy chú chó Cô Man do mình phụ trách đang dí sát mũi, hít đi hít lại vào vào một bãi sình nằm dưới những tảng bê tông to tướng, anh vội vã mở túi xách đeo bên hông, lấy chai nước lạnh đổ ra lòng bàn tay rồi xoa xoa lên mũi chú chó cưng. Miệng mũi sạch sẽ, Cô Man tiếp tục xục xạo, đánh hơi, song theo huấn luyện viên, qua những biểu hiện của Cô Man, anh biết chú chó của mình vẫn chưa thực sự chắc chắn trước nguồn hơi vừa phát hiện. Vẫy tay ra hiệu cho các đồng đội đưa chó của mình đến hỗ trợ, song cả Cô Man, Tô Sen, Kô Sa đều cho ra "đáp án" giống nhau "có nguồn hơi nhưng không chắc chắn". Sau khi trao đổi, anh Vượng quyết định vẫn cắm cờ, đánh dấu vị trí để lực lượng cứu hộ tập trung đào bới, kiếm tìm. Khoảng 15 phút sau, bộ đội đưa lên từ bùn đất, bê tông một bộ quần áo cũ, theo những người dân đứng trên bờ, đây là bộ quần áo mà một nạn nhân còn mất tích vẫn hay mặc hàng ngày. Suốt chiều hôm đó và hai ngày sau, lực lượng cứu hộ và chó nghiệp vụ đã lật tung cả đống đổ nát, song ngoài 33 nạn nhân may mắn thoát nạn hoặc bị thương và 8 thi thể đã được tìm thấy, cả thôn 1 vẫn còn 14 nạn nhân hiện đang mất tích.

Nhận định các nạn nhân đã bị nước lũ cuốn trôi xuống lòng suối đá rồi theo sông Leng trôi dần về phía thủy điện Sông Tranh 2, từ sáng 1-11, theo chỉ đạo của Thiếu tướng Hứa Văn Tưởng, Phó tư lệnh Quân khu 5, các lực lượng vừa tổ chức đào bới, tìm kiếm dưới lòng suối đá, vừa sử dụng ca nô, thuyền máy sục sạo tìm kiếm từng khúc sông Leng, kéo dần về phía hạ du. Ở trên không, các thiết bị bay không người lái cũng tăng cường quần lượn, gửi về cho lực lượng chức năng hàng trăm bức không ảnh chụp từ trên cao để xử lý, phân tích, tìm manh mối các nạn nhân mất tích. Đồng hành với lực lượng chức năng, những người bạn 4 chân cũng thường xuyên thức khuya, dậy sớm, tham gia công tác tìm kiếm.

Chia sẻ về công việc của mình, Trung úy QNCN Đàm Ngọc Vinh, huấn luyện viên chó nghiệp vụ cho biết: "Mưa to, bùn đất quá dày và lượng người tham gia công tác cứu hộ, phục vụ, theo dõi vụ sạt lở khiến việc xác định nguồn hơi các nạn nhân mỗi lúc càng trở nên khó khăn, vất vả hơn. Song với hy vọng còn nước còn tát và tình cảm, trách nhiệm đối với đồng bào Trà Leng, chúng tôi sẽ tiếp tục bám trụ, hỗ trợ các lực lượng khoanh vùng và tổ chức tìm kiếm các nạn nhân. Lòng suối trơn trượt, đá chẻ sắc nhọn gập ghềnh, nhiều đoạn nước chảy ầm ào như thác lũ, đất đá bên bờ có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào, song chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa. Mấy tuần trước, tham gia công tác cứu hộ tại Đoàn Kinh tế, Quốc phòng 337 (Quân khu 4), Cụm cơ động chó nghiệp vụ 4 đã góp công rất lớn trong việc tìm kiếm các cán bộ, chiến sĩ hi sinh do sạt lở đất, khi tìm được 5/10 nạn nhân cuối cùng trong đống đổ nát".

Cả ngày lội suối băng rừng, dầm mưa dãi nắng, đêm về, các huấn luyện viên cùng chó nghiệp vụ lại quây quần tá túc trong gian bếp nhỏ của một hộ dân sống ven sườn núi cạnh nóc ông Lục. Tuy điều kiện sinh hoạt kham khổ, thiếu thốn trăm bề, song các huấn luyện viên vẫn dành cho những người bạn 4 chân những điều kiện chăm sóc tốt nhất trong khả năng có thể, để mỗi sớm mai thức dậy, cả thầy lẫn trò lại đồng hành trong những nhiệm vụ vô cùng ý nghĩa thiêng liêng. Nhờ sự thăm khám thường xuyên của nhân viên thú y đi theo cùng đoàn, qua gần một tuần căng mình cứu nạn, những chú chó vẫn tỏ ra rất sung sức, tinh anh. Thân thiện, hiền lành, đi đến đâu những chú chó nghiệp vụ to cao, hùng dũng cũng thu hút sự quan tâm, chú ý đặc biệt của người dân, nhất là các cháu bé ở Trà Leng. Trong nỗi đau mất mát người thân, sự xuất hiện của những người lính Bộ đội Cụ Hồ và 3 anh bạn bốn chân khiến bà con vùng cao như được sẻ chia, an ủi phần nào.

Vừa chăm chút, dỗ dành, tỉa tót cho chú chó Kô Sa nặng gần 40 cân, Thiếu úy QNCN Lại Thế Trọng vừa quay sang nói với chúng tôi: "Để ra nghề, mỗi chú chó phải trải qua khóa huấn luyện rất gian nan, vất vả. Hai thầy trò tôi gắn bó với nhau đến nay đã gần 7 năm, mỗi lần về phép, xa nó nửa ngày đã nhớ cồn cào. Hôm nhận lệnh lên Trà Leng, sợ gia đình lo lắng, tôi chẳng dám nói gì. Thế mà qua ti vi, đài báo, ở nhà đều biết cả. Hôm qua, bố tôi vừa gọi điện thăm hỏi, động viên, chúc anh em và lực lượng cứu hộ luôn dồi dào sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần chia sẻ, đau thương mất mát với bà con vùng lũ. Tôi chỉ mong sao sớm tìm thấy các cô, các bác, các em, các cháu thật nhanh, để Trà Leng dần nguôi ngoai thổn thức, đau thương".

Bài, ảnh: VIỆT HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/nhung-chu-khuyen-cuu-ho-o-tra-leng-642756