Những chú hề không biên giới

Các nghệ sĩ của Clowns Without Borders (CWB) cố gắng đem đến tiếng cười cho các trại tị nạn và cộng đồng đang gặp nạn, nhưng dịch Covid-19 buộc họ phải nghĩ cách khác để tiếp tục chia sẻ sự lạc quan.

Các chú hề biểu diễn ở Myanmar

Các chú hề biểu diễn ở Myanmar

Nếu không phải vì Covid-19, thì giờ Naomi Shafer đang hành nghề ở West Bank (Israel). Cô cùng những chú hề đồng nghiệp sẽ thức dậy lúc 7 giờ sáng, ăn sáng, rồi lên đường. Trên chuyến đi kéo dài hai tiếng tới Đông Jerusalem, họ sẽ mặc trang phục và trang điểm.

Đến 10 giờ, nhóm cô sẽ diễn buổi đầu tiên trong hai buổi diễn dành cho những đứa trẻ Palestine, rồi ăn trưa cùng các em học sinh hoặc uống trà cùng giáo viên. Buổi chiều là một trường khác, một chuyến thăm khác, một buổi diễn khác.

CWB là một tổ chức bao gồm những chú hề chuyên nghiệp, nghệ sĩ kịch câm và nghệ sĩ xiếc biểu diễn trong các trại tị nạn, khu vực xung đột và cộng đồng đang gặp khủng hoảng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ngăn họ đến những nơi ấy.

"Ban đầu, tôi đã nghĩ là chúng tôi không thể biểu diễn online được. Nhưng rồi tôi nhận ra, chúng tôi đã diễn ngoài đồng ruộng, dưới tán cây, trong bãi đỗ xe, chúng tôi đã biến những cái bè cao su trên bãi biển Lesbos thành một buổi diễn. Vậy sao chúng tôi không thể làm vậy trên Zoom chứ? Đối với chúng tôi, sân khấu luôn ở những nơi không ngờ đến", Shafer, giám đốc điều hành của CWB Mỹ cho biết.

Shafer đã chuyển trụ sở từ New York về Montana và nỗ lực hết sức để điều chỉnh mọi hoạt động sang trực tuyến, cũng như tạo các buổi huấn luyện qua Zoom.

Clowns Without Borders ở Haiti năm 2019

Một điểm cộng là các nghệ sĩ từ Jordan, Lebanon, Palestine và Syria có thể tập luyện trực tuyến cùng nhau. "Zoom không có trạm kiểm soát, không có thị thực, cũng không có cửa khẩu", Shafer viết trong một bài đăng trên blog.

Shafer đã tập hợp thành công hơn 100 nghệ sĩ được phân loại dựa trên kỹ năng, khả năng ngôn ngữ và nơi ở. Giờ họ đang hợp tác với Nhóm cố vấn bom mìn ở Somalia, Iraq, Lebanon và Việt Nam để tạo một chương trình nâng cao nhận thức về bom mìn còn sót lại từ chiến tranh.

Cũng thích nghi với cách làm việc mới, Sabine Choucair ở Beirut (Lebanon) tổ chức những hội thảo trực tuyến tràn ngập tiếng cười mỗi tuần. Tổ chức của cô, Clown Me In, đã quay nhiều video trò chơi ngắn để trẻ em sống ở những khu vực không có Internet có thể chơi cùng gia đình. Họ gửi video cho hiệu trưởng các trường và các trại tị nạn qua WhatsApp.

Rồi vụ nổ ở cảng Beirut xảy ra, làm ít nhất 215 người thiệt mạng, gần 8.000 người bị thương và phá hủy hơn 300.000 ngôi nhà. "Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng đã mất nhà", Choucair nói.

Sau một tuần, họ đứng dậy một lần nữa. Mỗi người đeo hai cái khẩu trang, họ đi lưu diễn 10 ngày liên tiếp giữa cảnh hoang tàn. Trong khán giả, một người phụ nữ đã nói với nhóm cô là con gái của bà đã không nói một từ nào trong suốt một tháng. Nhưng "Sau buổi diễn, đứa bé về nhà và kể chuyện hôm ấy với bố. Đó là lần đầu tiên em ấy nói sau vụ nổ - Choucair kể lại. Đây là những gì một chú hề có thể làm".

Clowns Without Borders ở Serbia năm 2018

Để chú hề tham gia vào những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghe có vẻ vô lý. Trong những trại tị nạn đông đúc, nơi con người thiếu nơi ở, lương thực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, một người biết tung hứng có thể mang lại điều gì?

"Khi nghĩ đến cứu trợ, chúng ta tạo ra những tiêu chuẩn không thật", Shafer nói. "Dù thoải mái trong nhà mình, với đầy đủ tiện nghi, tôi vẫn đang gặp khó khăn. Có một mái nhà phía trên đầu chưa chắc đã đủ. Bạn cần nhiều hơn thế. Ai cũng có quyền được chơi đùa. Ai cũng có quyền được hạnh phúc, và nó không nhất thiết chỉ được xảy ra sau khi những nhu cầu còn lại được đáp ứng".

Ở Balkans, một số trẻ em ở trại tị nạn đã nói với những chú hề chúng hiểu thế nào là vui chơi: "Bọn em chơi mỗi tối, tất cả đồng loạt cố trèo qua tường rào biên giới. Hầu hết bị lôi xuống và bị đánh đập. Một vài người vượt qua được, và bọn em gọi đó là trò chơi".

"Thật sự rất khó khi ở trong tình huống đó và nghĩ rằng "Tuyệt. Tất cả gì cô có thể làm là một đồng xu hiện ra đằng sau tai em", Shafer nói. "Điều khó khăn nhất những chú hề phải trải qua chính là giây phút nghi ngờ ấy. Không phải là "mình có gây cười được không?", mà là "mỗi gây cười liệu có đủ không?".

Tuy nhiên, cô đã thấy nó thành công nhiều lần, nghệ thuật của việc đối mặt với bi kịch bằng sự hài hước.

Những chú hề có thể trông ngớ ngẩn, nhưng "khán giả có cơ hội được cười bởi vì chú hề cũng đang chia sẻ nỗi tổn thương với họ", Shafer nói. "Thừa nhận nỗi buồn và đồng thời được giải tỏa khỏi nó là điều rất quan trọng. Và dù nghe có vẻ kỳ lạ, những tôi nghĩ một buổi diễn của chú hề có thể làm được cả hai".

Hoài Vy (theo classybuzz.com, ngày 23/04/2021)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-chu-he-khong-bien-gioi-post1330837.tpo