Những chồi non ở Buốc Pát đang nảy nở

Bản 'khói đen', bản 'không đàn ông', bản 'đói tiếng cười' là những cái tên được gán cho bản Buốc Pát, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu (Sơn La). Sở dĩ có những cái tên đó là vì hầu hết đàn ông, thanh niên Buốc Pát đã từng bị cuốn vào vòng xoáy của cơn bão ma túy. Song, đến với Buốc Pát vào ngày giáp Tết, chúng tôi đã thấy hơi ấm mùa xuân, hơi ấm tình người, tình quân dân đang tràn về. Nhìn những người lính Biên phòng, những thầy cô giáo vỗ về, chăm chút từng bữa ăn, nắn từng con chữ cho các em học sinh tại điểm trường Buốc Pát, như truyền thêm sức sống cho những mầm xuân đang trở lại…

Trên đường đến lớp. Ảnh: Lê Tuấn

Những ngôi nhà "không nóc"

Dù là mưa xuân nhưng cũng đủ làm con đường dốc thẳng đứng lên bản Buốc Pát nhầy nhụa, trơn trượt. Chiếc xe Win thuộc loại dã chiến, bánh được cuốn xích, do hai tay lái cừ khôi điều khiển từ Đồn BPCK Lóng Sập, BĐBP Sơn La men theo "yên ngựa" của những ngọn núi đất gối nhau, cứ thế leo lên mãi qua đỉnh Mõm Chó, qua núi Lũng Trâu... Buổi sáng xuân, sương vẫn phủ đặc kín những nóc nhà hiu quạnh.

Có lẽ, biết trước có đoàn chúng tôi lên, Trưởng bản Mùa A Sủ đã chờ sẵn ở đầu nhà, bắt tay cười rất thân thiện. Anh mừng quýnh, kéo chúng tôi vào nhà như đã quen lâu rồi. Hỏi chuyện ra mới biết anh Sủ là người đàn ông duy nhất không bị nghiện, cũng là người đàn ông duy nhất của bản. Lúc này tôi thấy hơi xuân ấm áp như chuyển sang luồng khí đông lạnh tê tái. Tôi cũng hiểu nụ cười anh Sủ khi tiếp đón chúng tôi có lẽ cũng là nụ cười hiếm hoi ở bản này.

Quây quần bên bếp củi hồng rực, nhấp ly rượu trắng được anh chắt từ trong hũ để giữa nhà, Trưởng bản Sủ chầm chậm giới thiệu: "Bản chúng tôi trước kia có 14 hộ với gần 100 khẩu, nhưng giờ chỉ còn 12 hộ với hơn 70 khẩu". Anh đưa tay chỉ ra cửa, nơi 11 nóc nhà nằm san sát chơ vơ bên vách núi mờ sương và lắc đầu buồn bã: "Tất cả 11 hộ đó đều do người phụ nữ làm trụ cột". Thế đàn ông, thanh niên, những người chồng, người cha đều đi làm ăn nơi khác sao? - Tôi hỏi.

Trưởng bản Sủ gượng cười: "Không, ma túy "mang" họ đi cả rồi. Hộ nào trong bản cũng bị cái đói, cái nghèo bám riết. Ngẫm lại cũng chỉ tại đồng bào kém hiểu biết, tiếp tay cho kẻ xấu buôn bán, vận chuyển ma túy, rồi nghiện hút, không còn sức lao động. Có nhiều trường hợp thương tâm lắm, bố mẹ nghiện, rồi đi tù, để con nhỏ bơ vơ, vất vưởng. Như bà Thào Thị Sông, năm nay đã 80 tuổi, có hai con trai buôn ma túy bị bắt, đang thụ án tù, để lại cho bà 9 đứa cháu, đứa lớn nhất 16 tuổi, đứa nhỏ mới lên 5. Cô con dâu của bà Sông cũng bỏ đi lấy chồng ở bản khác mấy năm trước, nhưng nghe đâu, chồng thứ hai cũng vào tù vì dính đến ma túy".

Dừng câu chuyện với Trưởng bản Sủ, chúng tôi ghé thăm nhà chị Pùa Thì Chi. Gặp chúng tôi, chị cứ cúi gằm mặt, hỏi gì chị mới ngước lên trả lời rồi lại nhìn ngay xuống đứa con còn đang bế trên tay. Sau những lời hỏi han thân mật của chúng tôi, chị cũng đã có phần tự nhiên hơn. Chị khoe: "Cháu Dương (4 tuổi, con trai chị) là đứa trẻ duy nhất trong bản được sinh ra ở bệnh viện. Nhưng chỉ có cháu thôi, còn đến lượt em gái nó là Mùa Thì Vân (3 tuổi) thì sinh tại nhà vì không có tiền trả viện phí". Những câu chuyện có lẽ cứ buồn tái tê kéo dài như con đường chúng tôi đến với bản vậy.

Quyết tâm học để bài trừ ma túy

Cơn mưa xuân đã ngớt, sương mù cũng dần ẩn sau những dãy núi xa xa hiện rõ một điểm trường nằm lọt thỏm giữa bản. Lớp học được dựng bằng những cây gỗ nhỏ, vách thưng tre, mái lợp tranh, rộng chừng 40m2. Trong lớp, 15 bộ bàn ghế học sinh và 3 bảng gỗ sơn xanh nhãn hiệu Xuân Hòa được cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn BPCK Lóng Sập tặng cách đây 3 năm. Trường có 3 cô và 1 thầy đảm nhiệm dạy 4 lớp với 31 học sinh từ mầm non đến lớp 4.

Theo lời kể của thầy Lê Bá Thành thì các em đều rất ngoan, rất thích đến lớp và đến rất đúng giờ. Mới đầu, việc vận động gia đình cho các em đến trường hết sức khó khăn. Với quyết tâm không để một em nào thất học, thầy, cô ở đây đã cùng với các cán bộ BĐBP bám bản, bám lớp, đến bây giờ thì các em rất vui vẻ và hăng say lên lớp.

Bữa sáng của các cháu học sinh mầm non. Ảnh: Lê Tuấn

Nhìn các em ngồi quay tròn trên lớp ăn sáng thật cảm động. Cô giáo Phạm Thị Nhung phụ trách lớp mầm non, vừa đút cơm cho các em, vừa tâm sự: 100% các em ngồi đây đều không còn cha, có cháu còn mất cả cha lẫn mẹ do liên quan đến ma túy, sống lay lắt với bà. Các cháu tội nghiệp lắm, rất may là còn có các chú ở Đồn BPCK Lóng Sập. Để chia sẻ gánh nặng khó khăn, giúp các em học sinh đến trường đầy đủ, từ 3 năm nay CBCS Đồn BPCK Lóng Sập đã bớt khẩu phần ăn của mình để hỗ trợ các em học sinh ở điểm trường Buốc Pát.

Hằng ngày, cứ 5 giờ sáng, khi khẩu phần ăn của CBCS Đồn BPCK Lóng Sập được chia, thì một phần trong số đó được bớt lại để dành cho các em học sinh ở điểm trường Buốc Pát và đích thân các CBCS ở đơn vị lặn lội đưa cơm lên tận nơi, chia cho các em. Bữa cơm của các em gồm cơm trắng với chút thịt kho, trứng chiên nhưng đó là bữa chính, bữa no bụng và ngon nhất của các em. Chính bữa cơm sáng cũng là động lực cuốn hút các em đến lớp đầy đủ và đúng giờ. Dù mới học lớp 4, nhưng em Mùa Ví Tàng có vẻ già dặn hơn tuổi. Em cũng là học sinh nói tiếng Kinh giỏi nhất, lực học khá nhất.

Sau khi lân la làm quen, được thầy, cô động viên một hồi, em mới lấy lại bình tĩnh nói chuyện. Tàng khoanh tay trước ngực, giọng run run: "Con muốn được đi học, học để biết chữ, biết đếm, biết tính. Con nghe thầy giáo nói phải học thì mới không giống như bố, mới giúp mẹ được." Khi hỏi sau này lớn, em muốn làm gì? Nghĩ một hồi, em trả lời: Con muốn làm các chú BĐBP để giúp đỡ các bạn nghèo đói, để bắt những người buôn bán ma túy…".

Bữa cơm sáng dài chừng mười lăm phút, sau đó các cháu thi nhau chạy lên vách núi trước lớp học, nơi có nguồn nước nhỏ để rửa bát, thìa rồi lại hối hả chạy về xếp bát gọn gàng vào ngăn bàn, bắt đầu một ngày học. Mỗi lớp có hai dãy bàn, các cháu ngồi quay lưng lại và hướng về hai tấm bảng. Nhìn các em cặm cụi viết từng nét chữ, nhẩm từng que tính, chúng tôi như cảm nhận được một niềm vui, ấm ấp và tràn đầy hy vọng đã và đang trở lại Buốc Pát.

Cơn mưa xuân đã tạnh hẳn, trời ửng nắng. Nắng xuân sưởi ấm cho bản Buốc Pát. Sự hồ hởi, niềm hy vọng hiện rõ trên từng khuôn mặt những trẻ em nơi đây. Các em sẽ là những chủ nhân tương lai của bản, chính sự hiếu học của các em sẽ giúp Buốc Pát đoạn tuyệt với ma túy.

Lê Tuấn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-choi-non-o-buoc-pat-dang-nay-no/