Những chợ mang nét Tết xưa

Từ rằm tháng chạp Âm lịch, khách thương hồ miền Tây mang hoa kiểng đến TP. Hồ Chí Minh làm sáng bừng không khí Tết trên sông Sài Gòn.

Hai tuyến đường Trần Xuân Soạn, bến xe Bình Đông dọc sông Sài Gòn (chảy qua quận 7 và 8, TP. Hồ Chí Minh) từ lâu đã là điểm hội tụ hoa kiểng từ các tỉnh miền Tây đến TP. Hồ Chí Minh mỗi dịp Tết đến. Người dân thành phố xem nơi này như một chợ hoa trên sông, với tất cả nét đặc trưng của một chợ nổi thu nhỏ.

Nét chợ Tết xưa ở TP. Hồ Chí Minh

Và không chỉ có hoa kiểng, chợ nổi này còn có cả trái cây, bánh kẹo, đặc sản từ các tỉnh ĐBSCL đưa về thành phố, như thêm một kênh mua bán khác, để người dân vừa sắm Tết, vừa thưởng thức nét quê Nam bộ dập dìu trên sông Sài Gòn.

Đường Trần Xuân Soạn (quận 7) cập sát bến sông Sài Gòn, nối từ cầu Tân Thuận đến cầu Chữ Y (quận 8) và chợ hoa bến Bình Đông kéo dài từ cầu Chà Và đến cầu Kênh Ngang số 2 (quận 8) thời điểm này đã gần như không còn chỗ, bởi hàng loạt ghe tàu neo đậu.

Hoa, cây cảnh tràn ngập từ dưới thuyền lên đến dọc hai bên đường. Có nhiều lý do để người dân thành phố thích đến đây mua hoa kiểng, thứ nhất là được mua trực tiếp từ nhà vườn, giá rẻ hơn tại các chợ hoa lẻ trong thành phố đến 30%. Tiếp đến là cách bán buôn chân chất, mộc mạc, ít nói thách.

Đặc biệt, là khách có thể xem, ngắm, chọn lựa hàng thoải mái, người bán vui tươi, tiếp đón nồng hậu, thậm chí không mua cũng vẫn vui. Khi mua hoa cảnh tại đây, khách còn được tư vấn cách chăm sóc, trồng dưỡng cây cảnh lại sau Tết. Việc mua bán trao đổi trong không khí nhiệt tình, thân thiện với cảnh sông nước bồng bềnh (nhất là vào buổi chiều, nước lên), kẻ mua người bán đi lại thoăn thoắt trên mép thuyền… không chỉ lạ lẫm, mà còn rất thú vị đối với người dân thành phố.

Ngoài hoa, cây cảnh, tại hai chợ nổi này còn bán hầu hết các loại trái cây, bánh kẹo đặc sản từ các tỉnh miền Tây Nam bộ như quýt hồng Sa Đéc, bưởi năm roi Cần Thơ, Vĩnh Long, dừa sáp Trà Vinh…; hay nhiều loại bánh Tết nổi tiếng như bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc (tỉnh Bến Tre), bánh phồng tôm Sa Giang, nem Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp)…

Các mặt hàng này tập trung nhiều tại chợ nổi từ rằm tháng chạp Âm lịch, bán đến hết hàng thì thôi, khách muốn mua thêm cũng không có, vì người bán chỉ lên hàng một lần. Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Lửa Việt, chợ hoa nổi trên sông Sài Gòn là nét độc đáo rất riêng của Tết cổ truyền ở TP. Hồ Chí Minh.

Tuy không tấp nập, sôi động bằng các chợ nổi ở Tiền Giang hay Cần Thơ, nhưng giữa lòng thành phố sầm uất, hiện đại như TP. Hồ Chí Minh mà có chợ hoa nổi, với những đặc tính dân dã, mộc mạc, chân chất… là một điểm nhấn độc đáo. Từ đây, còn có thể phát triển ý tưởng làm sông hoa (tận dụng Sài Gòn có sông rộng, có rạch lớn và rạch nhỏ liên hoàn nối kết các đường bộ) để TP. Hồ Chí Minh thu hút khách du lịch lâu dài.

Trong 5 năm trở lại đây, sự xuất hiện rầm rộ của các phố Ông Đồ (Nhà Văn hóa Thanh Niên, Cung văn hóa Lao Động) tại TP. Hồ Chí Minh, đã thu hút rất đông người dân thành phố đến vui chơi, mua sắm tranh ảnh, tranh chữ thư pháp, vật dụng trang trí Tết cổ truyền. Song vẫn có một chợ truyền thống độc đáo, chuyên kinh doanh hàng hóa Tết, bán giá sỉ, thu hút rất đông người dân đến mua sắm dịp cuối năm là đường Hải Thượng Lãn Ông tại quận 5.

Dọc hai bên đường Hải Thượng Lãn Ông khoảng hơn 1km hiện đang tấp nập khách mua hàng và cả khách du lịch. Cả một dãy phố dài đỏ rực sắc màu của những câu đối Tết, bao lì xì, dây pháo nhựa, đèn lồng, hoa mai, hoa đào, liễn nhung, tranh tường… Giá các mặt hàng ở đây rẻ và đa dạng, từ 10.000 đồng/món trở lên.

Người dân thành phố chọn đến đây mua sắm vì có đầy đủ mặt hàng hơn các phố Ông Đồ. Đặc biệt, tại đây, người bán sẽ tư vấn cách bài trí phù hợp với từng gia đình. Năm nay, các mặt hàng trang trí mang hình ảnh chú chó sinh động, đáng yêu từ chân thực đến cách điệu hiện đại rất đẹp và được ưa chuộng.

Bài và ảnh Thanh Trà

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nhung-cho-mang-net-tet-xua-72886.html