Những chính sách về y tế, sức khỏe có hiệu lực từ tháng 11/2018

Từ tháng 11/2018, một số chính sách dưới đây trong lĩnh vực y tế, sức khỏe bắt đầu có hiệu lực.

1. Thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn

Ngày 14/9/2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư 23/2018/TT-BYT quy định chi tiết về việc thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.

Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ảnh minh họa)

Theo đó, việc xử lý các sản phẩm thực phẩm này sau khi thu hồi vẫn được thực hiện theo một trong 04 hình thức: Khắc phục lỗi ghi nhãn, chuyển mục đích sử dụng, tái xuất và tiêu hủy.

Tuy nhiên, có một điểm mới đó là nếu chủ sản phẩm tự nguyện thu hồi sản phẩm của mình thì sẽ có quyền tự lựa chọn áp dụng một trong 04 hình thức xử lý nêu trên.

Thông tư 23/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.

2. Ba loại thực phẩm chức năng cho trẻ em phải kê khai giá

Ngày 12/9/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22/2018/TT-BYT quy định Danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện kê khai giá.

Danh mục này bao gồm 3 loại thực phẩm chức năng: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Thực phẩm dinh dưỡng y học; Thực phẩm bổ sung, bao gồm sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.

Danh mục nêu trên là cơ sở để các cơ quan thực hiện quản lý giá theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Thông tư, trước ngày 1/7/2019, UBND cấp tỉnh phải đăng tải toàn bộ danh sách các sản phẩm đã được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cấp tỉnh cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc do tổ chức, cá nhân tại địa phương tự công bố.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/11/2018.

3. Hiến máu tình nguyện được nhận quà là dịch vụ khám, chữa bệnh

Từ 1/11/2018, chế độ hỗ trợ đối với người hiến máu, bao gồm cả hiến máu lấy tiền và hiến máu tình nguyện không lấy tiền sẽ được áp dụng theo Thông tư 20/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.

Cụ thể, người hiến máu toàn phần tình nguyện được lựa chọn nhận quà tặng là dịch vụ khám, chữa bệnh thay vì chỉ được nhận quà tặng bằng hiện vật như trước đây. Giá trị tối thiểu của quà tặng như sau:

- 100.000 đồng với người hiến một đơn vị máu thể tích 250ml;

- 150.000 đồng với người hiến một đơn vị máu thể tích 350ml;

- 180.000 đồng với người hiến một đơn vị máu thể tích 450ml.

Thủ trưởng của đơn vị tiếp nhận máu có trách nhiệm công khai danh mục các dịch vụ và mức giá của từng dịch vụ để người hiến máu lựa chọn.

4. Bảo đảm quy định về an toàn và vệ sinh môi trường cho trường mẫu giáo, mầm non và nhà trẻ

Đây là một trong những nội dung được quy định tại Nghị định số 135/2018/NĐ-CP ngày 04/10/2018 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 20/11/2018, về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/04/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Trẻ mầm non trong giờ ăn (ảnh minh họa)

Theo đó, trường mẫu giáo, mầm non và nhà trẻ phải được đặt tại khu dân cư bảo đảm các quy định về an toàn và vệ sinh môi trường; đảm bảo diện tích bình quân tối thiểu 12m2/trẻ em đối với khu vực đồng bằng, trung du và 8m2/trẻ em đối với khu vực thành phố, thị xã, núi cao và hải đảo; đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, yêu cầu đặt ra là phải có giáo viên trình độ đạt chuẩn; có diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ ít nhất 1,5m2 cho một trẻ, có chỗ chơi, có hàng rào và cổng bảo vệ an toàn cho trẻ em; có chiếu hoặc thảm ngồi chơi, giường ngủ và chăn gối màn để ngủ…;

Tại những nơi chưa có mạng lưới trường mầm non đáp ứng yêu cầu, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ nhưng phải đăng ký hoạt động với UBND xã, số lượng trẻ em trong các nhóm trẻ này tối đa chỉ là 07 trẻ.

5. Không sử dụng người dưới 18 tuổi làm công việc bức xạ

Các cơ sở y tế không được sử dụng người dưới 18 tuổi để vận hành các thiết bị bức xạ, làm việc với các nguồn phóng xạ, chăm sóc người bệnh được điều trị bằng các đồng vị phóng xạ hoặc phải làm việc trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ bị chiếu xạ với mức liều lớn hơn 1mSv/năm hoặc trong khu vực có nguy cơ bị nhiễm bẩn phóng xạ.

Với những người bệnh điều trị thuốc phóng xạ I-131, được xuất viện về nhà khi mức hoạt động phóng xạ được đánh giá còn trong người không quá 1100MBq. Khi người bệnh xuất viện, bác sĩ phải tư vấn và cung cấp văn bản hướng dẫn cho người bệnh về các yêu cầu bảo đảm an toàn bức xạ cho người thân, đồng nghiệp và cộng đồng.

Nội dung trên được nêu tại Thông tư 13/2018/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, có hiệu lực từ ngày 1/11/2018.

Gia Minh (tổng hợp)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-chinh-sach-ve-y-te-suc-khoe-co-hieu-luc-tu-thang-112018-519962.html