Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2019

Nâng hạn mức vay cho người lao động lên 100 triệu đồng; Nhiều văn bản về cán bộ, công chức bị bãi bỏ; Hôn người dưới 16 tuổi có thể bị coi là Dâm ô trẻ em... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2019.

Nâng hạn mức vay cho người lao động lên 100 triệu đồng

Có hiệu lực từ 8/11, Nghị định 74/2019 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm đã quy định tăng hạn mức vay, hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh lên tối đa là 2 tỷ đồng/dự án (hiện hành là 1 tỷ đồng) và không quá 100 triệu đồng cho một người lao động (mức hiện nay là 50 triệu đồng).

Ngoài ra Nghị định này cũng quy định tăng thời hạn vay vốn lên tối đa 120 tháng thay vì 60 tháng như hiện nay; Người lao động vay từ 100 triệu đồng trở lên mới cần có tài sản bảo đảm tiền vay thay vì mức 50 triệu đồng như hiện hành.

Hướng dẫn mới của Bộ Tài chính về hóa đơn điện tử

Một trong những văn bản quan trọng nhất sẽ có hiệu lực trong tháng 11/2019 chính là Thông tư 68/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn điện tử. Thông tư 68 có hiệu lực từ ngày 14/11/2019.

Theo Thông tư này, từ ngày 01/11/2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thông tư này quy định cụ thể về các nội dung có trên hóa đơn điện tử nhưng trong một số trường hợp nhất định, trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có đầy đủ các nội dung.

Ví dụ, không nhất thiết phải chữ ký điện tử của người mua; Đối với hóa đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua…

Thông tư này cũng cho phép doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh có thể tạo thêm thông tin về biểu trưng hay logo để thể hiện nhãn hiệu, thương hiệu hay hình ảnh đại diện của người bán trên hóa đơn điện tử.

Hàng loạt văn bản về cán bộ, công chức bị bãi bỏ

Từ ngày 15/11/2019, Thông tư 11/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ sẽ có hiệu lực. Kể từ ngày này, hàng loạt văn bản liên quan đến cán bộ, công chức chính thức bị bãi bỏ. Trong đó phải kể đến một số văn bản như:

- Thông tư số 05 năm 2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định 159 năm 2005 về phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn;

- Thông tư số 07 năm 2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xây dựng và thực hiện chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

- Thông tư số 05 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 15 năm 2007 về phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện;

- Quyết định số 135 năm 2005 của Bộ Nội vụ ban hành quy chế bồi dưỡng Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố;

- Quyết định số 04 năm 2008 của Bộ Nội vụ ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành thanh tra…

Quy định mới về thời điểm xác nhận hồ sơ nộp thuế điện tử

Đây là nội dung được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư 66/2019/TT-BTC sửa đổi Thông tư 110/2015/TT-BTC về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.

Theo Thông tư mới, thời điểm xác nhận hồ sơ nộp thuế điện tử được quy định như sau:

- Đối với hồ sơ đăng ký thuế điện tử: là ngày ghi trên Thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN;

- Đối với hồ sơ khai thuế điện tử: là ngày ghi trên Thông báo chấp nhận hồ sơ khai thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN;

- Đối với chứng từ nộp thuế điện tử: là ngày ghi trên Thông báo tiếp nhận chứng từ nộp thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN;

- Đối với hồ sơ hoàn thuế điện tử: là ngày ghi trên Thông báo chấp nhận hồ sơ hoàn thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/11/2019.

Hôn người dưới 16 tuổi có thể bị coi là Dâm ô trẻ em

Từ ngày 5/11/2019, Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi có hiệu lực.

Nghị quyết này định nghĩa cụ thể về các hành vi dâm ô trẻ em. Theo đó, dâm ô là hành vi của người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận của người dưới 16 tuổi, có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục như: Hôn người dưới 16 tuổi…

Cũng theo Nghị quyết, khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội; Không đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa; Không buộc bị hại phải tham gia phiên tòa…

Ly Na (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.nguoiduatin.vn/nhung-chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-11-2019-284745.htm