Những chính sách mới trong Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản

Sách trắng Quốc phòng được Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố đầu tuần này tiếp tục nhận định vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa an ninh đối với đất nước Mặt trời mọc.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: AP

Mặc dù căng thẳng đã được xoa dịu tại bán đảo Triều Tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên hồi tháng 6 năm nay, nhưng Bộ Quốc phòng Nhật Bản vẫn cảnh báo Bình Nhưỡng từng triển khai hàng trăm tên lửa đạn đạo Rô-đông có khả năng tấn công toàn bộ lãnh thổ của Nhật. Bên cạnh đó, Triều Tiên có thể đã chế tạo thành công đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ và nhẹ để lắp đặt vào các tên lửa.

Theo Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có ý nghĩa lịch sử quan trọng, bởi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tái khẳng định cam kết nỗ lực thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhưng Nhật Bản “vẫn cần phải thận trọng xác định những hành động cụ thể mà Triều Tiên sẽ thực hiện để giải trừ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo” - trích dẫn Sách trắng Quốc phòng.

Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản năm nay phản ánh sự hoài nghi của nhiều nhà ngoại giao và quan chức Quốc phòng Nhật Bản xung quanh tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Cuối tháng 4 năm nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc gặp tại làng đình chiến Panmunjom thuộc khu phi quân sự giữa biên giới hai nước. Tại cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đã cam kết sẽ tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Hội nghị Thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên cũng đã xác nhận lại cam kết này tại Singapore vào ngày 12-6. Tuy nhiên, theo một nhà ngoại giao cấp cao Nhật Bản tại Tokyo, kể từ thời điểm hai Hội nghị Thượng đỉnh trên kết thúc, tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa chưa đạt được tiến triển nào đáng kể. Một số quan chức Nhật Bản còn cho rằng trên thực tế các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang “giậm chân tại chỗ”.

Nhật Bản luôn hợp tác với những nỗ lực ngoại giao của Washington nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mỹ là đồng minh quân sự duy nhất của Nhật Bản, vì vậy hợp tác quốc phòng với Mỹ luôn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe. Nhưng, Triều Tiên vẫn chưa thực hiện các bước cụ thể để dỡ bỏ tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân; điều này làm sâu sắc thêm sự hoài nghi của các quan chức và chuyên gia Nhật Bản.

Những phân tích trong Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản còn tập trung xem xét các mối đe dọa quân sự tiềm tàng từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga. Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản nhận định: Trung Quốc đang tiếp tục tăng cường ngân sách quốc phòng trong vòng hơn 25 năm qua và nhanh chóng thúc đẩy năng lực quân sự quốc gia, đặc biệt trong việc phát triển vũ khí, tên lửa, lực lượng không quân và hải quân.

Theo đó, Bắc Kinh vẫn đang tiến hành các hoạt động quân sự và bảo vệ bờ biển trên quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Bộ Quốc phòng Nhật Bản phân tích, tình trạng “vùng xám” – tình huống không thuộc diện tấn công có vũ trang mà thuộc tình trạng leo thang căng thẳng trong thời gian hòa bình – sẽ còn tiếp diễn trên quần đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư một thời gian dài.

Đối với Nga, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, gần đây Moskva đang tăng cường hoạt động và triển khai quân sự tại 4 hòn đảo tranh chấp do Nga kiểm soát mà Moskva gọi là quần đảo Nam Kuril, còn Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, Tokyo sẽ tiếp tục theo dõi một cách cẩn trọng các hoạt động của Nga bao gồm triển khai tên lửa và kế hoạch đóng quân tại khu vực quần đảo tranh chấp này.

Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản được Chính phủ Nhật Bản công bố hằng năm nhằm đưa ra các chính sách an ninh và quân sự mới của Nhật Bản đối với các quốc gia trong khu vực cũng như với Mỹ và châu Âu. Năm nay, Nhật Bản lựa chọn cách tiếp cận “thận trọng” trước khi đưa ra quyết định thay đổi đánh giá cơ bản về mối nguy hiểm đối với tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Hà Thu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-chinh-sach-moi-trong-sach-trang-quoc-phong-nhat-ban/