Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2021

Từ tháng 3/2021, nhiều chính sách mới chính thức có hiệu lực, đáng chú ý như lương của giáo viên phổ thông sẽ được điều chỉnh hệ số, giáo viên công lập không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; quy định về thu nhập của hộ nghèo…

 8 trường hợp khám, chữa bệnh BHYT đúng tuyến. Ảnh minh họa: VOV

8 trường hợp khám, chữa bệnh BHYT đúng tuyến. Ảnh minh họa: VOV

Lương giáo viên công lập điều chỉnh ra sao?

Theo các Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT, kể từ 20/3/2021, cách xếp lương cho giáo viên các cấp theo chức danh nghề nghiệp mới tương ứng như sau:

- Giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 - 6,38 (hiện nay đang áp dụng từ 1,86 - 4,98).

- Giáo viên tiểu học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay đang áp dụng từ 1,86 - 4,98).

- Giáo viên THCS áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay đang áp dụng từ 2,1 - 6,38).

Lương giáo viên có nhiều thay đổi kể từ tháng 3/2021 (ảnh minh họa)

Giáo viên công lập không cần có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Theo các Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 20/3/2021, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên được quy định như sau: "Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao".

Như vậy, người thi tuyển viên chức để được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hoặc nâng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên (công lập) sẽ không bắt buộc có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; khác với quy định cũ: "trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; trình độ ngoại ngữ bậc 1 hoặc bậc 2, 3 (tùy hạng giáo viên, cấp dạy) hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc".

Phạt đến 2 triệu đồng nếu mang tài liệu vào phòng thi

Nghị định 04/2021 của Chính phủ có hiệu lực từ 10/3 và quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Nghị định quy định, phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng đối với hành vi gây rối hoặc đe dọa dùng vũ lực ngăn cản người dự thi và người tổ chức thi, thanh tra thi, coi thi, chấm thi, phục vụ thi. Hành vi thông tin sai sự thật về kỳ thi sẽ bị phạt từ 8 – 12 triệu đồng.

Hành vi vào khu vực tổ chức thi, chấm thi khi không được phép; mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi sẽ bị phạt từ 1 – 2 triệu đồng.

Phạt nặng khi cho người khác "mượn" văn bằng, chứng chỉ

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 04/2021/NĐ-CP, phạt từ 05 - 10 triệu đồng với một trong các hành vi sau:

- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác.

- Cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình.

- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Trong khi đó, quy định cũ tại Nghị định 138/2013/NĐ-CP, phạt tối đa 08 triệu đồng với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác và sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa.

Như vậy, kể từ 10/3/2021 - ngày Nghị định 04/2021 có hiệu lực đã bổ sung quy định xử phạt khi cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình. Theo đó, mức phạt tối đa với các hành vi trên là 10 triệu đồng.

8 trường hợp khám, chữa bệnh BHYT đúng tuyến

Theo Điều 6, Thông tư 30/2020/TT-BYT có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2021, quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP, có 8 trường hợp khám, chữa bệnh BHYT đúng tuyến.

- Đến khám, chữa bệnh đúng cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

- Đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa bệnh ở các cơ sở cùng tuyến khác trong cùng địa bàn tỉnh.

- Người tham gia BHYT trong tình trạng cấp cứu được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào trên phạm vi toàn quốc.

- Người tham gia BHYT được chuyển tuyến.

- Người tham gia BHYT có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian đi công tác, tạm trú… khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

- Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến.

- Người đã hiến bộ phận cơ thể của mình phải điều trị ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể.

- Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra.

Thu nhập 2 triệu đồng/tháng là nghèo đa chiều

Chính phủ đã ban hành Nghị định 07/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, có hiệu lực từ 15/3/2021.

Tại Nghị định 07/2021, ngoài tiêu chí về thu nhập, Chính phủ quy định thêm tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản để xác định nghèo đa chiều. Số này bao gồm các dịch vụ xã hội cơ bản (06 dịch vụ) là việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số) sẽ gồm việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Chuẩn hộ nghèo tại nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Chuẩn nghèo khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

H.K

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/trong-thang-3-luong-giao-vien-cong-lap-se-thay-doi-nhu-the-nao-20210228164216248.htm