Những chính sách có hiệu lực từ tháng 3-2019

Nhiều chính sách mới, thiết thực khác cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 3-2019 như: Bắt buộc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, đơn giản hóa chế độ báo cáo trong cơ quan Nhà nước; Áp dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP…

Nâng mức vay và thời hạn cho vay với hộ nghèo

Theo Quyết định số 12/QĐ-HĐQT về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/ hộ lên 100 triệu đồng/ hộ, ngoài việc nâng mức vay, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn.

Báo cáo kết quả của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) năm 2018 cho thấy, tổng doanh số cho vay đạt 62.078 tỷ đồng, tăng 6.964 tỷ đồng so với năm 2017, với hơn 2,1 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hơn 300 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 245 nghìn lao động; giúp hơn 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài...

Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử

Theo quy định của Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, kể từ ngày 1-3-2019, tại tất cả các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế sẽ bắt đầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Theo đó, mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu như: Phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy; Phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử.

Hồ sơ bệnh án điện tử bao gồm hồ sơ bệnh án nội trú, hồ sơ bệnh án ngoại trú và các loại hồ sơ bệnh án khác theo quy định của Bộ Y tế.

Thông tư nêu rõ, thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử tối đa 12 giờ, kể từ khi có y lệnh khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp thời gian khám, chữa bệnh kéo dài trên 12 giờ hoặc có sự cố về công nghệ thông tin thì thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử tối đa không quá 24 giờ.

Hồ sơ bệnh án điện tử phải tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định tại. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép sử dụng, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy khi đáp ứng các quy định tại Thông tư này.

Bộ Y tế cũng quy định rõ lộ trình thực hiện bệnh án điện tử. Giai đoạn từ năm 2019 - 2023: các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định.

Giai đoạn từ năm 2024 - 2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh chưa triển khai được phải thực hiện báo cáo cho cơ quan quản lý trực thuộc, văn bản báo cáo phải nêu rõ lý do, lộ trình.

Năm 2018, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hơn 300 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Ảnh minh họa

Năm 2018, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hơn 300 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Ảnh minh họa

Áp dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP

Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 8-3-2019.

Theo Thông tư này, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu hàng hóa đó: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên; Được sản xuất toàn bộ chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên; Được sản xuất toàn bộ từ nguyên liệu không có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên với điều kiện hàng hóa đó đáp ứng tất cả các quy định tương ứng tại Phụ lục I của Thông tư này.

Sử dụng báo cáo điện tử thay dần cho báo cáo giấy

Từ ngày 12-3, Nghị định 09/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó, sẽ triển khai nhiều quy định đơn giản hóa chế độ báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Cụ thể như: Chế độ báo cáo chỉ được ban hành khi thật sự cần thiết để phục vụ mục tiêu quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước và người có thẩm quyền.

Chế độ báo cáo phải bảo đảm rõ ràng, khả thi và không trùng lắp với chế độ báo cáo khác; giảm tối đa yêu cầu về tần suất báo cáo nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo, chuyển dần từ báo cáo bằng văn bản giấy sang báo cáo điện tử.

Nguyên An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-chinh-sach-co-hieu-luc-tu-thang-3-2019-138470.html