Những chính sách bất thường làm công dân khiếu nại vượt cấp

Sau 3 lần Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tiếp công dân tại quận 2 thì lối ra cho hàng loạt vấn đề của 22 năm qua tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chờ được giải quyết. Sau một thời gian dài, cấp địa phương đã sử dụng cơ chế phân cấp, văn bản dưới luật, ban hành quyết định trái thẩm quyền trong đền bù, giải tỏa, tái định cư. Điều này đã gây ra tình trạng công dân tiếp tố, tiếp khiếu vượt cấp.

Nhà đất của công dân phường 2, quận Tân Bình bị thu hồi ngoài dự kiến vì UBND TP Hồ Chí Minh tự ý thay đổi quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Bao Dung

Biết sai nhưng vẫn làm?

Kết luận số 158/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 30/01/2011, đã làm rõ sai phạm có hệ thống của lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh khi sử dụng 5 khu đất để đổi lấy giá trị tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài theo hình thức BT. Điều bất hợp lý là ngay khi tuyến đường vừa khởi công thì chủ đầu đầu tư là Cty GS Sài Gòn đã được nhận đất sạch để kinh doanh bất động sản, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Ngược lại, các hộ dân là cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, có nhà đất ổn định, không thuộc ranh giải tỏa theo lộ giới đường 60m từng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì lại bị giải tỏa, cưỡng chế ngoài dự kiến khi UBND TP Hồ Chí Minh tự ý cho phép nhà đầu tư xin thay đổi hướng tuyến đoạn 1,5km từ ngã 5 Gò Vấp đến sân bay Tân Sơn Nhất, thành 2 nhánh đường có lộ giới mỗi nhánh là 20m.

Khi công dân phường 2, quận Tân Bình khiếu nại đến Thanh tra Chính phủ vì UBND quận Tân Bình trả lời là đã thực hiện đầy đủ Kết luận số 158/KL-TTCP, thì lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh mới tiếp dân và đã có lời xin lỗi các hộ dân. Nhưng sau đó, trách nhiệm giải quyết đã bị bỏ quên, đồng thời một lý do khác đã được các Sở ngành, UBND quận Tân Bình viện dẫn theo kiểu chung chung là trường hợp 47 hộ dân phường 3, quận Gò Vấp, có nhà đất sát ranh của các hộ dân phường 2, quận Tân Bình, đã được Thanh tra Chính phủ có kết luận rõ ràng nên được giải quyết theo chính sách khác.

Cách trả lời này đã làm công dân bức xúc thêm vì ngay chính Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản cảnh báo UBND quận Tân Bình trước khi cưỡng chế nhà đất của công dân bị thu hồi ngoài dự kiến tại phường 2, là về thẩm quyền thì UBND quận Tân Bình không được phép ban hành phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vì tuyến đường đi qua 4 quận nên phương án bồi thường phải được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt đúng pháp luật. Cảnh báo này đã bị UBND quận Tân Bình bỏ qua và thực hiện việc cưỡng chế theo “phương án bồi thường cấp quận” ngay cận kề ngày cuối năm. Đến thời điểm này, nhà đất của công dân đã bị cưỡng chế, sai phạm đã rõ và lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đã xin lỗi công dân, kinh phí bồi thường vẫn còn hàng ngàn tỷ,… nhưng trách nhiệm giải quyết vẫn không rõ thuộc về cấp quản lý nào. Đại diện các hộ dân chỉ biết gửi đơn đến Thanh tra Chính phủ, cũng như xin được gặp Bí thư Thành ủy để được nhận một lời khuyên là họ phải làm gì để được giải quyết quyền lợi nhà đất bị thu hồi ngoài dự kiến tại phường 2, quận Tân Bình.

Phải vượt qua tâm lý sợ đụng chạm, sợ dắt dây, sợ ảnh hưởng đến chính sách cũ thì mới giải quyết xong vụ việc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Bao Dung

Sau 3 tháng chờ đợi, công dân lại phải gửi đơn tiếp tố vượt cấp lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phải tiếp dân, vì bản chất vụ việc tại phường 2 cũng giống như trường hợp 5 khu phố bị thu hồi ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Sự thật phải được nhìn thẳng

Sự kiện Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh của 4 nhiệm kỳ phải ngồi lại vào chiều 13/11/2018, để xem lại việc chấp hành các quy định pháp luật về Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một tín hiệu mới trong tư duy dám nhìn thẳng để sửa sai. Sự thật đây chỉ là một trong nhiều giải pháp mà lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ đương nhiệm phải thực hiện để tháo dần nút thắt tại quận 2, vì rằng sau 22 năm đã có quá nhiều chỉ đạo không đúng thẩm quyền được áp dụng và vận dụng một cách quá đáng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nên nút thắt ngày càng chặt hơn, khó có thể tháo gỡ trong thời gian ngắn được.

Điều quan trọng là, Thông báo kết luận số 1483/TB-TTCP ngày 4/9/2018 của Thanh tra Chính phủ, sẽ là điểm đột phá để lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh làm điểm tựa, thống nhất ý chí và hành động của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Bởi phải hiểu đầy đủ, toàn diện, có hệ thống thì mới đủ dũng cảm để vượt qua tâm lý sợ đụng chạm, sợ ảnh hưởng đến chính sách cũ mà nhiều lãnh đạo tiền nhiệm đã áp dụng cho hơn 15.000 hồ sơ bồi thường, với hơn 30.000 nhân khẩu.

Đó là các văn bản liên quan đến thẩm quyền thu hồi đất, chính sách bồi thường đã được nhiều cơ quan chức năng viện dẫn Nghị định 93/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP Hồ Chí Minh, để tham mưu cho lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh là được phép ban hành quyết định thu hồi đất khu vực quy hoạch xây dựng dự án, không phân biệt mục tiêu của dự án, sau đó giao hoặc cho thuê đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Đó còn là hàng loạt quyết định hành chính trái thẩm quyền, quyết định thu hồi nhà đất không đúng quy định pháp luật được các Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ký ban hành, đã tạo ra một sự xáo trộn, bức xúc cho người dân bị thu hồi đất, gây sức ép lớn cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đến khi Thanh tra TP Hồ Chí Minh và Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra thì lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh mới tiến hành sửa sai bằng cách bổ sung thêm kinh phí hỗ trợ cho người dân nhưng giải pháp này cũng chỉ là chữa cháy. Lý do là, Khu đô thị mới Thủ Thiêm không có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đúng pháp luật, không có quyết định thu hồi đất đúng thẩm quyền, không có khu tái định cư đúng quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Nhưng điều đáng chú ý là, ngày 22/9/2008, UBND TP Hồ Chí Minh lại có Văn bản số 549/UBND-PCNC-M đề xuất không lập phương án tổng thể về bồi thường tái định cư rồi viện dẫn hàng loạt khó khăn, cũng như cho rằng đã đền bù, giải tỏa được hơn 99% diện tích, để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Đây tiếp tục là nút thắt khó gỡ cần, đã được Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn nêu rõ tại trang 5 Thông báo kết luận số 1483/TB-TTCP. Do đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đương nhiệm cần báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ có văn bản điều chỉnh nội dung này vì Chính phủ nhiệm kỳ mới đã nêu cao tinh thần kiến tạo, vì dân.

Nhiều tranh chấp về nguồn gốc đất khai hoang giữa người dân và doanh nghiệp tại khu vực bãi Trường, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc. Ảnh: Bao Dung

Trong khi sự việc Thủ Thiêm vẫn đang là tiếng thở dài buồn cho nhiều thế hệ thì các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang lại “đi vào vết xe đổ” này khi triển khai thực hiện một cách máy móc Quyết định số 38/2006/QĐ-TTg ngày 14/12/2006, về quy chế tổ chức, hoạt động của đảo Phú Quốc và cụm đảo An Thới. Dù căn cứ pháp lý dựa vào Luật Đất đai 2003, nhưng Điều 16 của quy chế này lại cho phép UBND tỉnh Kiên Giang giao một lần toàn bộ diện tích đất, mặt nước đã quy hoạch cho các phân khu chức năng trên đảo Phú Quốc, cho Ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc. Theo đó là phạm vi và thẩm quyền thu hồi đất được UBND huyện Phú Quốc thực hiện không tính đến tính chất là công ích hay kinh doanh bất động sản du lịch biển, sau đó giao lại “đất sạch” cho Ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc.

Ngay khi quy chế này được triển khai đã làm nảy sinh hàng loạt khiếu nại của công dân huyện Phú Quốc về thẩm quyền thu hồi đất, thẩm quyền nhận “đất sạch” của Ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc. Nhưng đến tháng 8/2015, UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập mô hình quản lý siêu cơ quan là Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc, với hàng loạt thẩm quyền chưa có tiền lệ.

Ngày 14/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1588/QĐ-TTg, về thành lập Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc. Ngay sau thời điểm này, tại đảo Phú Quốc đã xuất hiện tình trạng bờ biển bị băm nát, nguồn nước bị ô nhiễm, khi hàng trăm dự án có quy mô dưới 50ha đất được cấp chứng nhận đầu tư, cùng các văn bản pháp lý khác do Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc ký, đóng dấu tròn. Ngược lại, hàng trăm hộ dân có nhà đất, có đất khai hoang đã phải âm thầm chấp nhận chính sách bồi thường, hỗ trợ sai pháp luật, trái thẩm quyền do mô hình quản lý chưa có tiền lệ có mang tên “Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc”.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục phản ánh câu chuyện này.

Bao Dung

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/sau-thanh-tra/nhung-chinh-sach-bat-thuong-lam-cong-dan-khieu-nai-vuot-cap_t114c1142n141401