Những chiêu 'độc' kéo giảm TNGT cho người già Nhật Bản

TNGT do người cao tuổi từ lâu đã là một vấn đề nan giải ở Nhật Bản - một quốc gia có tỉ lệ dân số già thuộc hàng cao nhất thế giới.

Tỉ lệ người cao tuổi lái xe ô tô ở Nhật Bản vẫn ở đang ở mức cao

Tỉ lệ người cao tuổi lái xe ô tô ở Nhật Bản vẫn ở đang ở mức cao

15% số vụ TNGT chết người do lái xe cao tuổi Tháng 4/2019, một chiếc ô tô do một cựu quan chức chính phủ 87 tuổi điều khiển đã gây tai nạn khiến 2 người thiệt mạng ở quận Ikebukuro, Tokyo. Sau đó 2 tháng, một người đàn ông 81 tuổi đã gây tai nạn tại một ngã tư ở Fukuoka, khiến chính mình và vợ ngồi trên xe thiệt mạng, 7 người khác bị thương.Dữ liệu thống kê về TNGT năm 2018 của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã ghi nhận số người chết vì TNGT thấp kỷ lục kể từ năm 1948, song số vụ tai nạn chết người do những tay lái từ 75 tuổi trở lên gây ra lại đạt mức kỷ lục là 460 vụ, chiếm gần 15% tổng số vụ TNGT chết người. Đa số các vụ TNGT do lái xe cao tuổi gây ra chủ yếu xuất phát từ những lỗi đơn giản như nhấn nhầm chân ga, sai lầm khi đánh lái... Sự suy giảm chức năng nhận thức, thị lực và khả năng thể chất của người lái do lão hóa là nguyên nhân dẫn đến những sai lầm như vậy. Với sự già hóa nhanh chóng của dân số Nhật Bản, số người từ 75 tuổi trở lên có bằng lái xe ở quốc gia này tăng lên 5,63 triệu người vào cuối năm 2018 và ước tính đạt 6,6 triệu người vào năm 2022. Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp kêu gọi người cao tuổi từ bỏ giấy phép lái xe. Số tài xế 75 tuổi trở lên đã từ bỏ giấy phép lái xe đạt mức 290.000 người vào năm 2018, gấp 3 lần so với 5 năm trước. Tuy nhiên, con số này là quá nhỏ. Vẫn còn nhiều người cao tuổi tiếp tục lái xe, đặc biệt là ở những khu vực ngoại thành, nơi các dịch vụ giao thông công cộng như tàu điện và xe buýt còn hạn chế.Luật Giao thông đường bộ sửa đổi năm 2017 của Nhật Bản đã thắt chặt các quy định về kiểm tra chức năng nhận thức của người lái xe từ 75 tuổi trở lên khi họ đổi giấy phép. Nếu kết quả kiểm tra y tế cho thấy họ bị sa sút trí tuệ, giấy phép của tài xế sẽ bị thu hồi hoặc đình chỉ. Tuy nhiên, khoảng một nửa trong số 414 tài xế gây ra tai nạn chết người năm 2018 không có dấu hiệu suy giảm chức năng nhận thức khi kiểm tra y tế. Tài xế 87 tuổi trong vụ tai nạn ở quận Ikebukuro cũng được cho là đã vượt qua các bài kiểm tra khi gia hạn bằng lái 2 năm trước. Do đó, việc các bài kiểm tra có đánh giá đúng mức độ nhận thức và thể chất của người cao tuổi lái xe không là một câu hỏi khó có lời giải.

Chiến dịch kêu gọi người già ngừng lái xeĐiều cần thiết thúc đẩy người cao tuổi từ bỏ giấy phép lái xe là những nỗ lực tạo ra môi trường mà họ không còn quá phụ thuộc vào việc lái xe, chẳng hạn như mở rộng hệ thống xe buýt công cộng và trợ giá dịch vụ taxi đối với người già để đáp ứng nhu cầu đi lại của họ. Bên cạnh đó, cần phát triển các công nghệ hỗ trợ người cao tuổi lái xe an toàn. Hiện nay, nhiều nhà sản xuất ô tô đã bổ sung các tính năng an toàn như phanh tự động cho các mẫu xe mới. Chính quyền Thủ đô Tokyo đang xem xét trợ cấp chi phí gắn các thiết bị phanh tự động vào ô tô của người cao tuổi nhằm ngăn chặn việc tăng tốc đột ngột nếu họ nhầm chân ga với chân phanh.Bộ GTVT Nhật Bản cũng đang cân nhắc việc cấp giấy phép lái xe đặc biệt cho người cao tuổi. Giấy phép lái xe này chỉ cho phép người cao tuổi điều khiển một số loại phương tiện được trang bị tính năng an toàn vào những thời điểm cụ thể và trong một số khu vực nhất định.Nhiều doanh nghiệp hưởng ứng chiến dịch này và cung cấp các ưu đãi cho các khách hàng cao tuổi có bằng lái nhằm khuyến khích họ từ bỏ giấy phép lái xe. Chẳng hạn như, hãng bán lẻ đồ điện, gia dụng Nojima công bố sẽ áp dụng chính sách miễn phí vận chuyển cho khách hàng cao tuổi nếu họ từ bỏ việc lái xe, giảm một nửa phí lắp đặt với những mặt hàng cần vận chuyển bằng ô tô như điều hòa, máy giặt... Tất cả những gì họ cần là cung cấp giấy tờ chứng minh mình không còn sở hữu giấy phép lái xe. Heiankaku Shigenori Ariga - công ty điều hành 89 nhà tang lễ ở tỉnh Aichi giảm 15% chi phí ma chay cho những người già tại tỉnh trao trả bằng lái xe cho chính quyền. Aichi là tỉnh có dân số đông thứ tư ở Nhật Bản, xếp sau Tokyo, Osaka và Kanagawa. Đây được đánh giá là một giải pháp khá điên rồ nhưng có hiệu quả của Công ty Heiankaku, tương tự như một giải pháp khác đã từng triển khai hiệu quả ở tỉnh Aichi, đó là người cao tuổi sẽ được giảm giá khi dùng mì ramen tại 176 địa điểm thuộc chuỗi nhà hàng Sugakiya nếu họ chịu nộp bằng lái xe cho cảnh sát. Nhờ những biện pháp thiết thực kể trên, số vụ tai nạn chết người do lái xe từ 75 tuổi trở lên gây ra đã giảm xuống 401 vụ ở Nhật Bản vào năm 2019, chiếm 14,4% tổng số vụ tai nạn, thấp hơn một chút so với mức cao kỷ lục trong năm trước. Mặc dù vậy, con số này vẫn còn đáng lo ngại do dân số đang già đi nhanh chóng của quốc gia này. Già hóa dân số không chỉ là chủ đề “nóng” ở Nhật Bản mà hiện tại đang trở thành mối đe dọa toàn cầu. Việt Nam chỉ mới chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 nhưng tốc độ già hóa dân số của nước ta thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về dân số, trong đó có cả vấn đề về già hóa độ tuổi vi phạm giao thông. Chúng ta cần rút kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản để sớm có những giải pháp hiệu quả, phù hợp để ứng phó với mối đe dọa này.

Minh Phương (tổng hợp)

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/nhung-chieu-doc-keo-giam-tngt-cho-nguoi-gia-nhat-ban-d89514.html