Những chiến sỹ công an xuyên màn đêm hiến máu

Sau những cuộc điện thoại hối hả giữa đêm khuya, hàng chục chiến sỹ nhanh chóng tập hợp bên xe máy. Khác với những lần đi ngăn chặn cái ác, lần này, họ lặng lẽ đến bệnh viện, nơi có bệnh nhân đang ở ngưỡng cửa sinh tử cần máu để tái sinh...

Thượng úy Nguyễn Thành Công (trái) và Trung sỹ Hứa Xuân Hoàng (phải)

Thượng úy Nguyễn Thành Công (trái) và Trung sỹ Hứa Xuân Hoàng (phải)

“Có phải đồng chí An, công tác tại Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh không? Người thân của tôi đang trong tình trạng nguy kịch, rất cần tiểu cầu, máu thuộc nhóm máu O,A,B…trong bệnh viện hết nhóm máu này. Anh có thể giúp tôi được không?”. Đó là 1 trong vô số cuộc gọi khẩn tới điện thoại của Trung tá Nguyễn Công An, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) - Phòng CSCĐ Công an tỉnh Đắk Lắk. Những lúc như vậy, Trung tá An chỉ kịp hỏi sơ địa chỉ, tình trạng và hơn 10 phút đã huy động cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đến bệnh viện kịp thời.

Trung tá An kể: “Khi người dân gọi đến mình, nghĩa là tình hình khẩn cấp lắm. Đa số các cuộc gọi cần máu thường vào ban đêm. Nhiều năm nay, mỗi cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị luôn tâm niệm việc hiến máu là một niềm hạnh phúc, có ý nghĩa nhân văn nên ai cũng nhiệt tình ủng hộ. Khi bệnh viện hay những trường hợp cần máu gấp, các chiến sỹ sẵn sàng đi hiến bất kể ngày hay đêm”.

Cứ như vậy, biết bao nhiêu bệnh nhân ở Đắk Lắk đã xem bên trong lực lượng công an tỉnh này có 1 “ngân hàng máu sống”. Những chiến sỹ công an lặng lẽ đến hiến và lặng lẽ về như mệnh lệnh từ trái tim. Bất kể ngày lễ, Tết hay đêm khuya mưa gió, các cán bộ, chiến sỹ biết tin bệnh nhân cần máu, là sẵn sàng có mặt. Nhiều bệnh nhân vượt qua cửa tử không bao giờ quên nghĩa cử cao đẹp đó.

Trung tá An cho phóng viên xem một danh sách về nhóm máu của anh em chiến sỹ được lưu trong điện thoại để sẵn sàng đáp ứng khi người dân cần.

Năm 2020, Thượng úy Nguyễn Thành Công (SN 1989) công tác tại Trung đội Cảnh sát đặc nhiệm (Tiểu đoàn CSCĐ-Phòng CSCĐ) là 1 trong 27 gương thanh niên được Trung ương Hội LHTN Việt Nam trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” tại lễ kỷ niệm 64 năm ngày Truyền thống Hội LHTNN Việt Nam.

Thượng úy Công cho biết, khi còn công tác tại Công an huyện Ea H’Leo, tôi bắt đầu hiến máu tình nguyện. Với tôi, đây là việc làm có ý nghĩa góp phần cứu sống đồng đội, cứu sống người bệnh.

Bên cạnh thành tích hơn 30 lần hiến máu (trong đó nhiều lần anh hiến máu trực tiếp cho bệnh nhân cấp cứu ở tình trạng nguy kịch), Thượng úy Công còn tích cực tuyên truyền vận động người dân cùng tham gia hiến máu. Trung sỹ Y An luôn tích lũy kiến thức về chăm sóc sức khỏe và chăm chỉ rèn luyện thể thao để nguồn máu hiến được giữ gìn tốt để hiến máu nhân đạo.

Trung sỹ Hứa Xuân Hoàng (SN 1999), công tác Phòng CSCĐ, Công an tỉnh Đắk Lắk đã có 2 lần hiến máu trực tiếp và tích cực trong phong trào vận động hiến máu tình nguyện. “Câu lạc bộ giọt hồng” Công an tỉnh Đắk Lắk được thành lập từ năm 2011. Mười năm qua, hàng trăm bệnh nhân được cấp cứu kịp thời nhờ câu lạc bộ này. Phía sau những ca tuần tra miệt mài đảm bảo cuộc sống bình yên, hình ảnh người chiến sỹ công an gần gũi với nhân dân hơn bao giờ hết.

Nằm trong chuỗi sự kiện Chủ nhật Đỏ tại Tây Nguyên, hôm nay (15/1/2021), chương trình thứ 2 được tổ chức tại trụ sở Công an tỉnh Đắk Lắk. Đợt này, chương trình dự kiến tiếp nhận 200 đơn vị máu.

Chủ nhật Đỏ kế tiếp được tổ chức tại Trung tâm Y tế huyện M’đrắk, dự kiến tiếp nhận 400 đơn vị máu vào ngày 20/1; ngày 24/1, chương trình diễn ra tại Trung tâm Văn hóa huyện Cư Mgar dự kiến tiếp nhận 1.200 đơn vị máu. Điểm chính chương trình Chủ nhật Đỏ tổ chức vào ngày 2/2 tại huyện Ea Kar, dự kiến tiếp nhận 1.200 đơn vị máu. Trước đó, khai mạc Chủ nhật Đỏ tổ chức tại Trường Đại học Tây Nguyên (ngày 9/1).

Nhóm PV Tây Nguyên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/nhung-chien-sy-cong-an-xuyen-man-dem-hien-mau-1779126.tpo