Những 'chiến sĩ' thầm lặng

Những công trình xây dựng cơ bản trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã và đang làm thay da đổi thịt nhiều làng quê, khu phố. Để có những công trình đảm bảo chất lượng, tiết kiệm, người dân đã cử ra Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để giám sát từng khâu trong quá trình thi công.

Dù “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng đội ngũ cán bộ giám sát không chuyên lại rất tâm huyết - chuyện ở Hà Tĩnh là một ví dụ.

Bài 2: Hiệu ứng từ “Người vác tù và hàng tổng”

Ông Lê Trung Tuyết (phải) và ông Nguyễn Đình Hoàn bên công trình Nhà văn hóa TDP 3 được xây dựng đảm bảo chất lượng.

Ông Lê Trung Tuyết (phải) và ông Nguyễn Đình Hoàn bên công trình Nhà văn hóa TDP 3 được xây dựng đảm bảo chất lượng.

Bài 1: Sứ mệnh người Mặt trận

Giám sát chặt tránh tham nhũng, lãng phí

Thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đầu năm 2018, UBND TP Hà Tĩnh có chủ trương xây dựng nhà văn hóa tổ dân phố (TDP) 3 phường Nam Hà. TP trích ngân sách 700 triệu đồng, đồng thời giao UBND phường Nam Hà làm chủ đầu tư, huy động sức dân đóng góp để xây dựng nhà văn hóa TDP 3 đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.

Trong quá trình triển khai xây dựng nhà văn hóa, Ban công tác Mặt trận TDP 3 phường Nam Hà đã huy động được 525 triệu đồng (dân đóng góp 300 triệu; kêu gọi các tổ chức, cá nhân, con em xa quê được 225 triệu đồng). Sau khi lựa chọn nhà thầu, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ phường chỉ đạo, yêu cầu Ban công tác Mặt trận TDP 3 tổ chức họp dân và bầu ra Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) với 5 thành viên.

Được nhân dân tin tưởng, giao phó trách nhiệm, gần 4 tháng trời bám chân công trình, các thành viên Ban GSĐTCCĐ TDP 3 phường Nam Hà thay phiên nhau giám sát việc thi công nhà văn hóa, không có giờ nào, ngày nào thiếu người giám sát.

Ông Lê Trung Tuyết (SN 1948), Trưởng Ban GSĐTCCĐ nhà văn hóa TDP 3 cho biết: quá trình giám sát, mỗi công đoạn, Ban GSĐTCCĐ đều nghiệm thu 2 lần, qua đó phát hiện được rất nhiều vấn đề và yêu cầu nhà thầu chỉnh sửa ngay lập tức. Chỉ khi nào đáp ứng yêu cầu, đúng như thiết kế mới cho phép thi công. Ngay từ khâu đổ vật liệu, nhà thầu đã cố tình mua vật liệu không đảm bảo chất lượng, thành viên Ban GSĐTCCĐ phát hiện, yêu cầu nhà thầu thay thế ngay.

Cũng theo ông Tuyết, quá trình giám sát nhà văn hóa, Ban GSĐTCCĐ phát hiện nhà thầu có 3 sai phạm lớn. Đó là đưa sắt, tôn, gạch hoa không đúng kích thước, chủng loại vào thi công, Ban GSĐTCCĐ báo cáo với chủ đầu tư đến lập biên bản hiện trường, yêu cầu tháo dỡ, mua đúng loại thay thế.

Đặc biệt, đối với phần cửa sổ, cửa chính của nhà văn hóa. Ban GSĐTCCĐ yêu cầu đơn vị lắp đặt đưa cửa chưa sơn đến để cán bộ giám sát của cộng đồng kiểm tra trước.

Khi kiểm tra phát hiện độ dày của khung cửa không đúng thiết kế, loại gỗ cũng sai (thiết kế là gỗ dổi nhưng đơn vị lắp đặt làm gỗ xoan) nên Ban GSĐTCCĐ đề nghị làm lại tất cả cửa sổ, cửa chính. Những vết nứt ở điểm giao nhau trên tường, mái hở, ngay khi phát hiện Ban GSĐTCCĐ yêu cầu nhà thầu chỉnh sửa ngay…

Chính nhờ sự chu toàn của đội ngũ giám sát trong Ban GSĐTCCĐ mà nhà văn hóa TDP 3 phường Nam Hà đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng, nhân dân hết sức yên tâm, phấn khởi.

Ông Nguyễn Đình Hoàn, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận TDP 3 cho biết, không chỉ nhà văn hóa mà tất cả các công trình phúc lợi, công cộng trên địa bàn TDP đều được Ban GSĐTCCĐ, tổ liên gia, người dân giám sát hết sức chặt chẽ.

“Vì phát hiện được ngay từ đầu nên cán bộ có muốn tham nhũng cũng khó, lãng phí ít xảy ra. Trong khi đó, Ban GSĐTCCĐ lại không được nhận bất cứ đồng lương hay chi phí nào cho việc này, tất cả đều ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” – ông Hoàn chia sẻ.

Theo ông Bùi Tuấn Hưng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Nam Hà, phường có 10 TDP, mỗi khi có công trình xây dựng trên địa bàn thì TDP đó bầu Ban GSĐTCCĐ dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ủy ban MTTQ phường. Những năm qua, Ban GSĐTCCĐ có vai trò rất lớn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí từ cơ sở. Các Ban GSĐTCCĐ đấu tranh, phát hiện ngay từ khi sơ khai nên chủ đầu tư, nhà thầu không có cơ hội để tham nhũng, tránh được tình trạng lãng phí không đáng có.

Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Tình trạng tham nhũng “vặt” – tham nhũng thời gian làm việc ở công sở của cán bộ, công chức là vấn đề dư luận hết sức bức xúc. Với vai trò là Chủ tịch MTTQ phường Nam Hà, kiêm Trưởng ban thanh tra nhân dân (TTND), mỗi ngày ông Bùi Tuấn Hưng bắt đầu công việc với nhiệm vụ là người “gác cổng” ở công sở. Trên tay ông lúc nào cũng cầm cuốn sổ theo dõi giờ làm việc của cán bộ công chức phường Nam Hà. Dù cán bộ, công chức đến muộn, hay tranh thủ về sớm ít phút cũng được đứng tên trong sổ.

“Cán bộ, công chức nào đến chậm 5 phút tôi cũng ghi vào sổ, cuối tháng, cuối năm được tổng hợp lại để đánh giá, phân loại. Nhờ giám sát tốt việc này nên cán bộ, công chức phường Nam Hà đi vào nề nếp, quy củ hơn, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”, ông Hưng cho biết thêm.

Thời gian gần đây, phường Nam Hà làm rất nhiều công trình xây dựng, 37 tuyến đường rải thảm nhựa, hàng loạt mương thoát nước, vỉa hè, bó vỉa được đầu tư xây dựng. Toàn phường chỉnh trang đến 58/80 ngõ… Hầu hết các công trình đều có sự chung tay giám sát của Mặt trận nên chất lượng đảm bảo, làm đẹp thêm cảnh quan đô thị.

Trực tiếp giám sát công trình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) Nguyễn Văn Hóa nhiều lần đấu tranh, phát hiện nhà thầu thi công gian dối. Từng giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ nên ông Hóa có nhiều kinh nghiệm trong việc đọc bản vẽ, hồ sơ công trình xây dựng và biết được một số “mánh khóe” của nhà thầu trong việc “rút ruột” công trình. Đây là lợi thế của một cán bộ Mặt trận khi được giao nhiệm vụ giám sát đầu tư của cộng đồng.

Đơn cử như công trình xây dựng sân vận động số 1 của xã Thạch Hạ. Quá trình thi công, ông Hóa phát hiện nhà thầu xây dựng khán đài sai so với thiết kế, không xây dựng lối lên cho người khuyết tật. Ngay khi phát hiện, ông lập tức báo cáo với Ban quản lý xây dựng công trình của xã, tiến hành lập biên bản và yêu cầu đơn vị thi công đập bỏ phần bê tông đã đổ rồi tiến hành xây dựng lại. Nhờ vậy mới đảm bảo đúng quy hoạch đường dân cư phía sau sân vận động cũng như diện tích, tiện ích của khán đài.

Khi làm đường giao thông nông thôn ở thôn Trung (xã Thạch Hạ), Ban GSĐTCCĐ nhận thấy nền đường cấp phối chưa đảm bảo. Thiết kế đường có độ dày 10cm nhưng có nơi chỉ được 8cm, Chủ tịch MTTQ xã đồng thời là Trưởng ban GSĐTCCĐ đã kiểm tra, lập biên bản, đề nghị Ban quản lý công trình đình chỉ thi công. Sau đó yêu cầu làm lại theo đúng thiết kế.

“Được nhân dân giao phó, chúng tôi phải thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình” – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thạch Hạ Nguyễn Văn Hóa khẳng định.

Vai trò giám sát của Mặt trận, các Ban GSĐTCCĐ, Ban TTND khó có thể đo đếm bằng vật chất nhưng thực tế có hiệu ứng, hiệu quả rất lớn. Những việc dẫu nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn lao. Đây cũng là một cách làm rất hiệu quả để Mặt trận thể hiện vai trò trách nhiệm của mình trong công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh: Việc khen thưởng vẫn chưa được chú trọng

Hiện nay một số nơi còn xem Ban GSĐTCCĐ và TTND chỉ là hình thức, những kiến nghị, đề xuất của ban chậm được tiếp thu, không cung cấp đầy đủ hồ sơ cho Ban GSĐTCCĐ để thực hiện giám sát. Theo Nghị định 84/NĐ-CP ngày 30/9/2015 và Nghị định 159/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, kinh phí hoạt động của Ban GSĐTCCĐ và Ban TTND là 5 triệu đồng/năm. Nhưng ở Hà Tĩnh chỉ có TP Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh đảm bảo được kinh phí này, còn các huyện, thị khác không thực hiện đúng theo quy định mà tùy thuộc vào ngân sách địa phương, bình quân chỉ được 1,6 triệu đồng/năm đối với Ban TNND, còn Ban GSĐTCCĐ chỉ được 1,3 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, mặc dù công tác thi đua khen thưởng được MTTQ cấp huyện, xã quan tâm nhưng do kinh phí khó khăn nên việc khen thưởng vẫn chưa được chú trọng. Để phát huy cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của Ban GSĐTCCĐ và Ban TTND, thiết nghĩ trước hết cần có quy chế của các cấp chính quyền trong việc tiếp thu và giải quyết những kiến nghị của Ban TTND, GSĐTCCĐ, đặc biệt cần tạo điều kiện để Ban TTND, GSĐTCCĐ hoạt động.

(Còn nữa)

Hạnh Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-mat-tran/nhung-chien-si-tham-lang-tintuc438622