Những 'chiến sĩ' thầm lặng - Bài cuối: Phối hợp, thống nhất cùng hành động

Ghi nhận sự nhiệt huyết, bản lĩnh của những 'chiến sĩ' thầm lặng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng từ cơ sở, trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Mặt trận muốn thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng thì việc tiên quyết là phải tạo được sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ ngay từ trong hệ thống của mình.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực. Ảnh: Quang Vinh.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực. Ảnh: Quang Vinh.

PV: Tích cực phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí đang là đòi hỏi bức xúc của toàn xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta, nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh. Theo ông, Mặt trận có vai trò như thế nào trong công cuộc này?

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực: Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng; giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, phản biện xã hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng; kiến nghị việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; động viên nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.

Chúng ta cần phải hiểu rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí không thể thành công nếu không nhận được sự ủng hộ của nhân dân.

Nhân dân chính là tai mắt soi chiếu những hành vi tham nhũng. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể với vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân phải tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cho nên Đảng, Nhà nước phải dựa vào dân, dựa vào Mặt trận, đoàn thể để phòng, chống tham nhũng.

Trên cơ sở các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Đảng đoàn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản và chủ động triển khai thực hiện các nội dung công tác phòng chống tham nhũng theo quy định, cụ thể như: Chương trình hành động số 19/CTr-MTTW về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/NQ-MTTW ngày 22/01/2018 của UBTƯ MTTQ Việt Nam).

Để triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã thành lập Ban tham mưu về chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020 và ban hành Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí của cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam…

Việc Mặt trận đứng ra đóng vai trò chủ trì vận động, tổ chức để nhân dân đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ có hiệu quả và tác động trực tiếp đến tham nhũng, đồng thời sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động phòng, chống tham nhũng của các thiết chế khác trong hệ thống chính trị.

Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, từ việc triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy chế về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, Mặt trận đã vào cuộc giám sát quyết liệt từ những bức xúc của nhân dân, góp phần tham gia phòng chống tham nhũng một cách hiệu quả từ trung ương tới cơ sở.

Thực tế đã chứng minh, việc tham gia phòng chống tham nhũng ở cơ sở có hiệu quả rất tốt nếu được tổ chức tốt thông qua hoạt động của các Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ.

Vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở của Mặt trận, thông qua hoạt động của các Ban công tác Mặt trận, Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ trong công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí?

- Cả nước có hơn 100 ngàn khu dân cư thì tương ứng với đó là hơn 100 ngàn Ban công tác Mặt trận. Đây chính là những “cánh tay nối dài” của MTTQ Việt Nam tới địa bàn cơ sở.

Trong đó, theo số liệu điều tra mới nhất, đến năm 2018, tổng số Ban TTND ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước là 10.956 ban với tổng số ủy viên là 94.184 người. Trong 5 năm (từ năm 2014 đến năm 2018), tổng số cuộc giám sát do Ban TTND thực hiện là 189.461 cuộc, giá trị tiền thu hồi đạt 6.100.125.000 đồng.

Cũng trong năm 2018, tổng số Ban GSĐTCCĐ ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước là 12.946 ban với tổng số ủy viên là 92.285 người. Trong 05 năm (từ năm 2014 đến năm 2018) tổng số cuộc giám sát do Ban GSĐTCCĐ thực hiện là 173.929 cuộc, giá trị tiền thu hồi đạt 11.833.943.000 đồng.

Những con số này cho thấy, ở địa bàn dân cư, cán bộ cơ sở là những người gần dân nhất nên họ biết dân buồn gì, lo gì, mong ước gì. Dù phụ cấp ít ỏi, thậm chí có nhiều người không có đồng phụ cấp nào nhưng vẫn kiên trì, dũng cảm đấu tranh với cái xấu để giữ lại và nhân lên những điều tốt đẹp.

Câu chuyện của Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh Nguyễn Văn Hóa; ông Phạm Nghĩa Bình, Trưởng Ban GSĐTCCĐ xã Yên Bình, Ý Yên, Nam Định hay ông Phan Văn Độ - một trong ba người của “biệt đội chống tham nhũng” phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội… mà báo Đại Đoàn Kết vừa nêu là những ví dụ tiêu biểu cho việc nắm bắt dư luận nhân dân, cùng nhân dân giải quyết, giám sát những vấn đề ở cơ sở, ngay tại địa bàn dân cư để chống tham nhũng, lãng phí, từ đó góp phần thực hiện dân chủ cơ sở, tăng cường đồng thuận xã hội.

Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, một câu hỏi cần đặt ra: Liệu với tất cả những nỗ lực lập pháp vừa qua thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người dân đã có đầy đủ cơ chế để tham gia phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao, thưa ông?

- Dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống tham nhũng nhưng thực tế còn nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện và bổ khuyết. Tôi cho rằng, giải pháp tiếp tục là cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó phải tăng cường tuyên truyền, vận động tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay.

Cũng như vậy, cần chú trọng việc quy định về cơ chế, hình thức giám sát hoạt động công khai minh bạch trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị cùng với đó là quy định cơ chế cụ thể về việc biểu dương, khen thưởng và bảo vệ những người tố cáo, chống tham nhũng...

Ở cơ sở, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phối hợp với chính quyền cơ sở trong việc xây dựng, tuyên truyền và tham gia tổ chức để nhân dân thực hiện các hương ước, quy ước về văn hóa ứng xử, xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, ý thức liêm chính, sống và làm việc theo quy định của pháp luật, “nói không” với tham nhũng và lên án mọi hành vi, biểu hiện tham nhũng.

Cùng với đó, các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước cần sắp xếp tạo điều kiện thuận lợi về nhân sự, chế độ, chính sách, kinh phí, hoạt động cho Mặt trận, Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ...

Đặc biệt cần có cơ chế yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp kịp thời các thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung giám sát, xác minh để các tổ chức, đoàn thể thực hiện chức năng giám sát.

Và kiến nghị của Mặt trận có hiệu quả hay không lại phụ thuộc rất lớn vào việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân xem xét giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị đó.

Do tính chất phức tạp, khó khăn của công tác phòng, chống tham nhũng nên Mặt trận hay bất cứ cơ quan, tổ chức nào nếu chỉ thực hiện riêng lẻ thì không thể thành công.

Cho nên, Mặt trận muốn thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng thì việc tiên quyết là phải tạo được sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ ngay từ trong hệ thống của mình.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam: Cần những giải pháp thiết thực

Tôi lấy ví dụ từ câu chuyện thực hiện Nghị quyết liên tịch số 05 - Mặt trận giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Trong Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, tại Điều 26 quy định MTTQ Việt Nam lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do HĐND ở địa phương bầu. Sau một thời gian thực hiện, kết quả này được đánh giá là rất tốt, vì nhiều cán bộ có dấu hiệu tham nhũng đã được thay thế. Tuy nhiên, sau đó Quốc hội đã ban hành Nghị quyết liên tịch 35, trong đó sửa đổi, bãi bỏ nội dung này ở Pháp lệnh số 34 và qua theo dõi của chúng tôi, từ khi pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở được sửa đổi thì kết quả việc bỏ phiếu tín nhiệm của HĐND các cấp là rất hình thức. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hình thức này, trong đó hình thức nhất là việc các vị trong HĐND lại bỏ phiếu cho chính mình, bỏ phiếu cho đồng nghiệp, cho người ngồi ngay bên cạnh họ...Cho nên kết quả của hoạt động này khác hẳn với trước kia khi Mặt trận tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Vấn đề đặt ra là, tại sao Mặt trận giới thiệu, hiệp thương người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND được mà Mặt trận lại không lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do HĐND ở địa phương bầu? Đây là những giải pháp rất thiết thực mà Mặt trận cần tiếp tục có ý kiến, kiến nghị với các cơ quan nhà nước để hoàn thiện hơn nữa những quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm thực hiện phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hoàng Yến (ghi)

Ông Đỗ Duy Thường, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam: Phải đi đến cùng vụ việc

Mặt trận các cấp cần phát huy vai trò của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ để trực tiếp phát hiện các vụ việc tham nhũng, động viên nhân dân phản ánh các vụ việc và tập hợp gửi lên cấp trên có thẩm quyền xem xét. Đồng thời Mặt trận các cấp cũng cần phát huy vai trò của báo chí trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là đối với các cơ quan báo chí của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Ví dụ từ những phóng sự điều tra mà báo Đại Đoàn Kết phản ánh, Mặt trận các cấp cần khai thác thông tin từ những bài báo cụ thể để lấy căn cứ và vào cuộc xử lý các vụ việc tham nhũng đang xảy ra trên địa bàn, từ đó tập trung đề xuất giải quyết một số vụ việc cụ thể với chính quyền các cấp. Và phải đi đến cùng vụ việc.

Nguyễn Phượng (ghi)

Bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương:Khen thưởng tương xứng để khuyến khích người dân chống tham nhũng

Về khen thưởng các cá nhân có thành tích trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng đã được quy định rõ trong thông tư liên tịch Số: 01/2015/TTLT-TTCP-BNV ngày 16/3/2015 của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ. Trong thời gian tới Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ xem xét lại các mức thưởng, hình thức khen thưởng xem có phù hợp thực tiễn không. Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu, xem xét và sẽ sớm sửa đổi những quy định nếu thực sự mức khen thưởng này chưa sát thực tiễn. Tất cả những điều này nhằm đảm bảo việc khen thưởng cốt làm sao phải thực chất, khuyến khích động viên người dân lên tiếng đấu tranh phòng chống tham nhũng hiệu quả.

Khánh Ly (ghi)

Ông Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh: Đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân

Trong những năm gần đây, công tác giám sát của MTTQ ở Hà Tĩnh có nhiều tiến bộ, góp phần quan trọng trong việc phát huy dân chủ, đưa các chủ trương, chính sách vào cuộc sống. Trong đó, vai trò giám sát của MTTQ thông qua Ban GSĐTCCĐ và TTND ở cơ sở ngày càng được phát huy. Đặc biệt, trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nỗ lực của các thành viên của 2 ban này đã góp phần rất lớn trong việc phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng kế hoạch đầu tư; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí… từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương phát triển. Thực tế cho thấy, những phát hiện, kiến nghị, đề xuất của Ban GSĐTCCĐ và TTND là kênh thông tin quan trọng, là cơ sở để các cấp, các ngành chấn chỉnh khi có sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, hoạt động của Ban GSĐTCCĐ và TTND có vai trò rất lớn trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, gần dân, sát dân và vì nhân dân. Vì vậy, Mặt trận cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để phát huy hơn nữa hoạt động của Ban GSĐTCCĐ và TTND, xứng đáng với vị thế và chức năng nhiệm vụ của mình, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.

Hạnh Nguyên (ghi)

Hoàng Yến (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-mat-tran/nhung-chien-si-tham-lang-bai-cuoi-phoi-hop-thong-nhat-cung-hanh-dong-tintuc438929