Những chiến lợi phẩm văn hóa Liên Xô thu được sau Thế chiến II

Quân đội Liên Xô năm 1945 đã mang về nước những chiến lợi phẩm đặc biệt. Đó là tài sản văn hóa thế giới còn lại sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, gồm những bức tranh, những tác phẩm điêu khắc, sách và vàng.

1. Bộ sưu tập của Bảo tàng tranh Dresden, Đức

Tháng 2-1945, quân đội các nước đồng minh Anh và Mỹ đã tiến hành ném bom tập trung xuống một trong những thành phố lớn nhất của Đức là Dresden. Khói lửa chiến tranh ác liệt đã phá hủy cả những tài sản quý giá trong bộ sưu tập của các vị công tước xứ Sachsen, gồm nhiều tranh vải của các danh họa Pieter Bruegel de Oude, Giorgione và Vermeer, Botticelli và Cranach, Rubens và Holbein, Tiziano và van Dyck.

Bức tranh “Sistine Madonna” của danh họa Raphael. Ảnh: Old Masters Gallery

Bức tranh “Sistine Madonna” của danh họa Raphael. Ảnh: Old Masters Gallery

Những tác phẩm nghệ thuật đã được chuyển từ các kho lưu trữ sang các mỏ đá và hầm lò. Tại đây, vào tháng 5-1945, chúng đã được quân đội Liên Xô tìm thấy, trong đó có bức tranh “Sistine Madonna” của danh họa Raphael. Những tuyệt tác hội họa được chuyển về Moskva, sau đó được lưu giữ và phục chế tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia A.S. Pushkin. Và mùa xuân năm 1955, chúng được đem ra trưng bày phục vụ công chúng. Trong 4 tháng, triển lãm đã thu hút hơn 1,2 triệu người xem. Về sau, bộ sưu tập tranh này được gửi trả lại cho nước Đức.

2. Bệ thờ Pergamon

Trong số những chiến lợi phẩm thu được từ viện bảo tàng còn có bệ thờ thần Zeus kích thước lớn của thành phố cổ Pergamon. Xung quanh bệ thờ được trang trí một bức phù điêu thể hiện cuộc chiến giữa người khổng lồ và các vị thần Olympus được gọi là Gigantomachy.

Bệ thờ Pergamon tại Bảo tàng Pergamon ở thủ đô Berlin. Ảnh: Lestat (CC BY-SA 2.5)

Bệ thờ này được phát hiện vào thế kỷ XIX bởi nhà khảo cổ học người Đức Carl Humann rồi được đưa về Đức. Năm 1920, người ta đã xây dựng bảo tàng dành riêng cho cổ vật này.

Sau Thế chiến II, bệ thờ Pergamon được chuyển về thành phố Saint Petersburg (Nga) và lưu giữ tại Bảo tàng Hermitage trong thời gian 13 năm. Mãi đến năm 1954, nó mới được trưng bày cho công chúng xem. Bốn năm sau, bệ thờ được trả lại cho Đức và trưng bày tại Bảo tàng Pergamon ở thủ đô Berlin đến nay. Trong khi đó, tại Liên Xô người ta đã tạo ra một bảo sao cổ vật này bằng thạch cao. Từ năm 2002, nó được trưng bày tại Học viện Mỹ thuật công nghiệp Shtiglits ở Saint Petersburg.

3. Bộ sưu tập của Otto Krebs

Trong số những chiến lợi phẩm nghệ thuật còn có các tác phẩm của những người theo chủ nghĩa ấn tượng. Trong nhà riêng của mình ở ngoại ô thành phố Weimar (Đức), doanh nhân Otto Krebs có một bộ sưu tập độc đáo của các danh họa như van Gogh, Cezanne, Gauguin, Pissarro, Monet... Mùa xuân năm 1945, biệt thự của ông là nơi làm việc của chính quyền quân sự Liên Xô tại Đức. Khi đó, các binh sĩ Xô viết đã tìm thấy dưới tầng hầm căn biệt thự một nhà kho đặc biệt. Những thứ bên trong đã làm cho họ ngạc nhiên: Danh sách đầy đủ với bộ sưu tập những tác phẩm nghệ thuật, bao gồm 102 bức tranh, 13 hình vẽ, 8 bức tượng, 12 sản phẩm gốm sứ.

Khi tiếp nhận bộ sưu tập của Otto Krebs, các nhân viên Bảo tàng Hermitage của Nga đã ngay lập tức nhận ra rằng, đây không phải là bộ sưu tập đơn thuần, mà là một bảo tàng mini thực sự. Từ năm 1949 đến 1996, bộ sưu tập này được lưu giữ tại Bảo tàng Hermitage, sau đó trưng bày tại đây cùng các bộ sưu tập khác của Bảo tàng 4 sách và những bản viết tay.

Cuốn Kinh Thánh của Johann Gutenberg. Ảnh: Thư viện Quốc gia Nga.

Thành phố nhỏ Gotha thuộc bang Thüringen trước chiến tranh được coi là một kho báu thực sự. Tại đây có thư viện lâu đời nhất nước Đức. Những công tước xứ Sachsen-Gotha đã tích cực bổ sung cho thư viện bằng những cuốn sách như: Kinh Thánh của Otto Heinrich, Đại Kinh Thánh Mainz, những cuốn sách có bút tích của Martin Luther, các bản thảo của Calvin và thậm chí là bảng chữ cái tiếng Nga của Ivan Fedorov được in tại Ostrog. Sau chiến tranh, phần lớn vật phẩm của thư viện được chuyển sang Liên Xô. Những cuốn sách độc nhất vô nhị trong suốt 10 năm vẫn nằm nguyên vẹn trong những chiếc thùng vốn trước đây được dùng để chuyến chúng đến. Năm 1956, đa phần những cuốn sách được trao trả lại cho nước Đức.

Từ Bảo tàng sách Leipzig của Đức, người ta chuyến đến Moskva 2 cuốn Kinh Thánh của Johann Gutenberg, mà hiện nay chỉ còn lại 47 trong số 180 bản. Một trong 2 cuốn Kinh Thánh này hiện vẫn lưu giữ tại Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov, còn cuốn thứ hai là tại Thư viện Quốc gia Nga ở Moskva.

4. Bộ sưu tập của Bảo tàng tranh Bremen

Hơn 1700 tác phẩm của các danh họa Durer, Rembrandt, van Gogh từ bộ sưu tập của Bảo tàng tranh Bremen được cất giấu trong thời gian chiến tranh tại các tầng hầm của lâu đài Karnzow. Tháng 5-1945, khi quân đội Liên Xô tiến vào lãnh địa của những bá tước dòng họ Königsmarck, họ phát hiện những chiếc cặp giấy chứa tranh đồ họa và những chiếc thùng đựng tranh vẽ.

Đại úy Viktor Baldin đã kịp cứu một lượng lớn tranh khỏi nạn trộm cướp và mang chúng về Moskva. Năm 1947, bộ sưu tập được dọn đến Bảo tàng kiến trúc Thủ đô, còn từ năm 1991 là ở Bảo tàng Hermitage. Khi đó thế giới đều biết rằng, Bộ sưu tập của Bảo tàng tranh Bremen đang được lưu giữ tại Nga. Hiện, bộ sưu tập này được đặt theo tên một người đã từng cứu nó khỏi bị phá hủy là Viktor Baldin.

5. Bộ sưu tập Gotha

Tại lâu đài Friedenstein ở Gotha (Đức), danh họa Lucas Cranach từng làm họa sỹ riêng cho công tước Friedrich III. Nơi đây xuất hiện một trong những bảo tàng đầu tiên của Đức với bộ sưu tập đồ sộ nhất của các họa sỹ Jan Lievens, Frans Hals, Jan Bruegel và dĩ nhiên là có cả Lucas Cranach.

Kết thúc chiến tranh, bộ sưu tập được chuyển sang Liên Xô, sau đó một phần được trả lại Đức vào những năm 1950. Gần 20 tranh vải của danh họa Cranach, trong đó có bức “Ngài Burgomaster”, “Adam và Eva”, “Adoration of the Magi”…, được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia A.S. Pushkin đã hơn 70 năm nay.

6. Những kho báu

Một trong những trang sức quý giá của Berlin là bảo vật thành Troy được nhà khảo cổ học Heinrich Schliemann tìm thấy. Những cổ vật này là đồ trang sức bằng vàng, đồ dùng bằng bạc và vàng, những chiếc rìu và dao găm, chúng được gọi là “Kho báu Priamus”. Phần lớn chúng được đưa vào bộ sưu tập đồ cổ của Berlin, nhưng khi chiến tranh nổ ra, những đồ vật quý giá được cất giấu tại vườn bách thú.

Vương miện lớn và nhỏ lấy từ “Kho báu A”. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia A.S. Pushkin

Chiến tranh kết thúc, những bộ sưu tập bảo tàng được bàn giao cho quân đội Xô viết. Vì vậy, những bảo vật thành Troy đã được lưu giữ tại Liên Xô, nhưng rất ít người biết đến, mãi cho tới đầu những năm 1990 thì mới lộ ra. Những báu vật được Heinrich Schliemann tìm thấy hiện vẫn được lưu giữ tại bảo tàng cho đến ngày nay.

Trong số những chiến lợi phẩm thu được còn có những báu vật khác, trong đó có những vật phẩm quý giá thời đại đồ đồng được lấy từ kho báu Eberswalder và vàng bạc của Vương quốc Frank dưới các triều đại Merowinger.

7. Kho phim ảnh của Đức Quốc xã

Cuối những năm 1940 đầu những năm 1950, điện ảnh Xô viết xuất hiện những bộ phim nước ngoài, trong đó có bộ sưu tập phim đồ sộ của Đức Quốc xã thu được từ chiến tranh. Đến năm 1945, trong kho phim ảnh có hơn 17.000 bộ phim, không những do Đức sản xuất, mà còn có của Pháp, Nauy, Nam Tư, Ba Lan và thậm chí cả Mỹ.

Hơn 6.000 bộ phim được chuyển giao cho Kho phim Quốc gia Liên Xô, nhiều phim trong số đó được công chiếu trên màn ảnh, như “The Great Waltz”, “Khúc đồng quê thung lũng mặt trời”, «100 gã đàn ông và một cô gái»...

Nhiều bộ phim trước khi công chiếu được đích thân nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin phê duyệt. Một số bộ phim được dựng lại, thay đổi đoạn kết hoặc cắt bỏ những nội dung “độc hại” đối với người Liên Xô, thậm chí thay đổi cả tên phim. Trên phim khi công chiếu luôn xuất hiện dòng chữ: “Chiến lợi phẩm thu được sau khi quân đội Liên Xô đánh tan phát-xít Đức tại Berlin năm 1945».

QUỐC KHÁNH (theo RBTH)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nhung-chien-loi-pham-van-hoa-lien-xo-thu-duoc-sau-the-chien-ii-657975