Những chiến công oanh liệt của thần Apollo

Trên đỉnh Olympus ít có vị thần nào kiêm nhiệm nhiều vai trò cùng một lúc như thần Apollo. Nổi tiếng là thần mặt trời, lý trí, vẻ đẹp, tiên tri, nhưng ông cũng là thần của y khoa, bệnh tật, và là chủ của 9 nàng muses…

Hình ảnh Apollo tiêu diệt Python trong thần thoại Hy Lạp.

Hình ảnh Apollo tiêu diệt Python trong thần thoại Hy Lạp.

Cuộc đời của ông được bao phủ bằng vô số chiến công chói lọi. Hầu như khắp nơi ở Hy Lạp chỗ nào cũng có đền thờ thần Apollo.

Giết mãng xà Python

Apollo là con của thần Zeus với nữ thần Leto. Chuyện này xảy ra khi thần Apollo còn trẻ, nữ thần Hera biết chuyện tình duyên của Zeus với Leto thì một mặt nàng ra lệnh cho khắp nơi trên mặt đất không được tiếp đãi, chứa chấp Leto, một mặt nàng xin với nữ thần Đất mẹ - Gaia sinh ra một con quái vật thật khủng khiếp để nó truy đuổi Leto, lúc này bà đang mang thai anh em Apollo và Artemis. Gaia đã sinh ra con mãng xà Python, một con trăn cực kỳ to lớn, đúng hơn phải nói đó là một con nửa rắn, nửa rồng, cực kỳ hung dữ.

Python đã đuổi bám theo dấu chân Leto khiến cho Leto lúc nào cũng nơm nớp lo âu. Nhưng rồi nhờ thần Poseidon giúp đỡ, Leto mới đặt chân lên được hòn đảo Ortygie. Người xưa kể lại, chính nhờ thần Poseidon nên mới ra đời hòn đảo Ortygie. Cảm thương số phận bạc bẽo của nàng Leto, thần đã giáng cây đinh ba xuống biển,vậy là từ đáy biển nổi dềnh lên một hòn đảo nhỏ lênh đênh, trôi nổi.

Nhiều năm sau, thần Apollo hùng mạnh cưỡi cỗ xe thần thánh đi tới thành Delphi để báo thù cho mẹ. Con mãng xà Python lúc này ngự trong hang tối dưới lòng núi, thường xuyên ra ngoài hại gia súc, ức hiếp dân lành. Nhìn thấy Apollo, Python vươn chiếc cổ dài ngoẵng ra, mắt quắc lên xanh lè, mồm há hốc với những hàm răng sắc nhọn để phóng ra chiếc lưỡi dài đỏ như lửa, hòng vơ liếm ngay được đối thủ vào trong mồm. Nhưng không may cho con mãng xà, Apollo đứng ngoài tầm phóng của chiếc lưỡi lửa của nó.

Khi nó vừa thu lưỡi về chưa kịp lấy đà phóng tiếp một đòn nữa thì dây cung bạc đã bật lên một tiếng khô gọn, một mũi tên vàng rít lên trong gió cắm thẳng vào đầu Python. Rồi tiếp những mũi tên thứ hai, thứ ba... liên tiếp cắm vào thân hình đầy vẩy cứng của con quái vật. Python đau đớn trườn mình, quay đầu bỏ chạy.

Thần Apollo đuổi theo cho đến tận ngôi đền thờ nữ thần Đất mẹ-Gaia để kết liễu được con quái vật, trừ khử được một tai họa cho dân lành, trả thù cho người mẹ kính yêu là nữ thần Leto.

Sau khi giết được Python, Apollo chôn xác quái vật xuống đất đen sâu thẳm và cho dựng lên một ngôi đền thờ lấy tên là đền thờ Delphi. Nơi đây, những nàng trinh nữ đẹp nhất được tuyển chọn là cô đồng Pythie để lãnh sứ mạng giao tiếp với thần Apollo, phán truyền những lời sấm ngôn thần thánh.

Còn thần ánh sáng Apollo vì chiến công đó được mang danh hiệu Apollo Pythien. Apollo còn đặt lệ cứ bốn năm một lần tổ chức Hội Pithiques để kỷ niệm chiến công diệt trừ con mãng xà Python.

Thánh địa linh thiêng của Hy Lạp thần thoại

Delphi là một trung tâm tôn giáo của thế giới Hy Lạp. Delphi ở vùng Phocide thuộc miền trung Hy Lạp, phía Nam là vịnh Corinthe. Đền thờ ở chân núi Parnasse, ngày nay gọi là núi Liakoura.

Trong thời cổ đại, Delphi đã từng là một trung tâm kinh tế, văn hóa, tôn giáo khá lớn. Đền Delphi được xây dựng vào thế kỷ IX TCN. Tục truyền rằng thần Apollo sau khi giết chết được con mãng xà Python đã chọn Delphi làm nơi xây đền.

Thần giao cho Trophonius và Agamede, hai nhà kiến trúc đại tài, xây dựng nơi thiêng liêng này. Ảnh hưởng của trung tâm tôn giáo Delphi tỏa rộng khắp thế giới Hy Lạp. Người ta thường kéo về đây để cầu xin những lời sấm ngôn của thần thánh tiên báo cho tương lai hoặc chỉ dẫn cho hành động, sự nghiệp.

Vào thế kỷ VI TCN, đền Delphi bị cháy, sau đó được xây dựng lại rất nguy nga, tráng lệ. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khảo cổ học tìm được trên địa điểm này nhiều di tích quý báu, cho phép dựng lại được gần như toàn cảnh khu vực. Ngoài những đền, điện, tượng, những bức phù điêu lớn, kho tàng, người ta còn tìm thấy một sân đua ngựa, một nhà hát và một phòng họp lớn.

Giữa khu thánh đường có đặt một hòn đá hình bán nguyệt (thường là một thiên thạch) tên gọi là Omphalos, tiếng Hy Lạp nghĩa là “cái rốn”. Chuyện xưa kể rằng, một hôm thần Zeus muốn xác định nơi đâu là trung tâm của đất bèn phái hai con đại bàng, một con bay về phương Đông, một con bay về phương Tây, để xem chúng gặp nhau ở đâu. Hai con chim thần đó gặp nhau tại Delphes, nơi đặt hòn đá Omphalos. Sau này người ta dựng tượng hai con đại bàng bằng vàng đặt chầu vào hòn đá.

Theo Hesiode (Thần phả) Omphalos là hòn đá mà xưa kia nữ thần Rhea đã đánh tráo, thay cho đứa con mới sinh là thần Zeus, đem dâng cho thần Cronos. Cronos nuốt “đứa con” đó để tránh hậu họa bị lật đổ. Sau này Zeus cho Cronos uống một thứ lá cây thần diệu, Cronos phải nôn, nhả hết tất cả các anh chị em của Zeus ra, và nhả cả hòn đá ra. Hòn đá trở thành một vật hết sức thiêng liêng, được thờ cúng với những nghi lễ hết sức trọng thể.

Dưới chân vách núi đá lởm chởm ở phía Đông và con suối thiêng liêng Castalie mà người xưa tin rằng nước suối này có thể rửa sạch mọi tội lỗi, tẩy trừ được những vết nhơ trong hành vi, tư cách của con người.

Truyền thuyết xưa kể lại, Apollo xưa kia theo đuổi một người thiếu nữ vô cùng xinh đẹp mà thần đã đem lòng yêu mến từ lâu, theo đuổi tới nơi đây, gần ngay khu thánh đường này. Bị đuổi cùng đường, người thiếu nữ nhảy ngay xuống con suối ở chân núi Parnasse. Từ đó con suối mang tên của người thiếu nữ: Castalie.

Trong khu vực đền thờ Apollo có một nơi hết sức thâm nghiêm, cấm ngặt không cho ai lai vãng tới ngoài các cô đồng Pythie. Đây là nơi truyền phán những lời sấm ngôn. Cô đồng Pythie thường tắm ở suối Castalie để thâu nhận những phẩm chất thần thánh, những phẩm chất này bồi dưỡng cho năng lực tiên đoán, truyền phán của cô, làm cho sự tiếp xúc của cô với thần Apollo được giao hòa, thông cảm và làm cho những lời truyền phán của cô ngày càng thiêng, càng ứng nghiệm.

Trước thế kỷ VI TCN, ở Delphi chỉ có một cô đồng Pythie, từ thế kỷ VI trở đi tăng lên ba cô. Để siêu thoát khỏi hình hài trần tục, giao tiếp được với thần Apollo, cô đồng Pythie phải uống một ngụm nước suối Castalie, hái một chiếc lá nguyệt quế thiêng liêng rồi ngồi lên một chiếc ghế ba chân bằng vàng.

Hiện nay, con suối Castalie và cảnh đẹp quanh dòng suối xưa kia không chỉ là nơi cho khách hành hương đến tắm hay uống nước suối để giải oan, rửa tội, cầu phúc mà còn là nơi du ngoạn của các văn nhân, thi sĩ.

Các bậc trí thức này cũng tắm nước suối, uống nước suối nhưng không phải để giải oan, rửa tội, cầu phúc mà là để lấy nguồn cảm hứng nghệ thuật thiêng liêng. Bởi vì thần Apollo, vị thần bảo trợ cho nghệ thuật và âm nhạc, thường cùng các nàng Muses tới du ngoạn và ca hát bên dòng suối Castalie, do đó các nàng Muses còn có tên gọi là Castalides và con suối Castalie lại mang thêm một ý nghĩa: ngọn nguồn của cảm hứng nghệ thuật (Source castalienne).

Thành Trung

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-chien-cong-oanh-liet-cua-than-apollo-d155069.html