Những chiến công đáng kinh ngạc nhất của chiến sĩ Hồng quân trong chiến tranh

Quân đội Đức Quốc xã đã chứng kiến những hành động anh hùng chưa từng thấy và lòng dũng cảm, và với những kẻ xâm lược, sự xả thân của các binh sĩ và sĩ quan Hồng quân không thể giải thích được.

Một chiếc tăng KV chống lại sư đoàn Đức

Những kỷ niệm về trận đánh xe tăng độc đáo diễn ra vào ngày 24/6/1941, gần thị trấn Raiseniai của Litva này, đã được Erhard Raus - chỉ huy nhóm xe tăng của Đức Quốc xã lưu lại. Một chiếc xe tăng KV-1 của Liên Xô chiếm vị trí thuận lợi duy nhất trên đường vào thành phố đã kìm hãm bước tiến của cả một sư đoàn xe tăng Đức trong hai ngày, buộc đoàn xe tăng, thiết bị quân sự hạng nặng và xe tải của bị ách tắc, bị kẹt cứng trong đầm lầy.

Quân Đức đã bắn hỏng xích của xe tăng Liên Xô, chiếc KV không di chuyển nhưng vẫn tiếp tục đánh trả, kíp lái quyết không đầu hàng. Theo Raus, pháo xe tăng của Đức không thể xuyên thủng lớp giáp của KV Liên Xô. Chiếc KV duy nhất này lần đầu tiên phá hủy hơn một chục xe tải trên đường từ Reiseniai đến một sư đoàn xe tăng gần đó. Sau đó, chiếc xe tăng Hồng quân đã bắn vào khẩu đội pháo Đức, phá hủy khẩu pháo phòng không và tiêu diệt kíp lái của nó.

Quân Đức đã phải khiếp sợ phẩm chất, lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của các chiến sĩ Hồng quân; Nguồn: topnewsrussia.ru.

Quân Đức đã phải khiếp sợ phẩm chất, lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của các chiến sĩ Hồng quân; Nguồn: topnewsrussia.ru.

Chỉ trong ngày thứ hai của trận chiến, KV đã bị bắn cháy bởi hỏa lực phòng không. Raus nhận định rằng, chiếc xe tăng KV Liên Xô này đã gây ra nhiều thiệt hại cho một sư đoàn xe tăng Đức Quốc xã hơn là toàn bộ một sư đoàn Hồng quân. Người Đức, như Erhard Raus đã viết, "vô cùng sốc trước chủ nghĩa anh hùng của những người lính tăng Xô viết và chôn cất họ theo nghi thức nhà binh".

Phòng thủ Pháo đài Brest

Trong một thời gian dài, Đức Quốc xã không thể hiểu được mục đích tiếp tục chiến đấu tại Pháo đài Brest trong vùng đã bị quân phát xít Đức chiếm đóng của những người lính Xô viết là gì. Một chỉ huy của quân Đức - Tướng Walter von Unruh - đã viết trong nhật ký của mình: “Họ muốn gì? Rốt cuộc, họ đâu có thể thoát ra khỏi vòng vây!”. Chỉ đến tháng 8/1941, hơn một tháng sau khi quân Đức chiếm được pháo đài phòng thủ này, Đức quốc xã mới có thể phá hủy những ổ phòng ngự cuối cùng của quân trú phòng Pháo đài Brest.

Trận chiến cuối cùng trên lãnh thổ của pháo đài được ghi nhận vào ngày 23/7, kết quả là 6 binh sĩ và sĩ quan Đức bị thương. Trung tướng Schliper, người chỉ huy một trong các sư đoàn trong cuộc tấn công vào Pháo đài Brest, đã viết trong báo cáo của mình rằng "người Nga có khả năng huấn luyện bộ binh xuất sắc và một ý chí chiến đấu đáng nể".

Trận chiến đấu của thượng sĩ Sirotinin

Chiến công được thực hiện vào ngày 17/7/1941, tại khu vực làng Sokolnichi được xác nhận bằng bằng chứng tài liệu của nhiều nhân chứng cùng một lúc - cả từ Đức Quốc xã và cư dân địa phương Sokolnichi, nơi trận đấu pháo diễn ra. Thượng sĩ Nikolai Sirotinin trong 2 giờ cầm cự với một trong những đơn vị xe tăng của quân đội Đức, đã một mình tiêu diệt 11 xe tăng, 7 xe bọc thép và khoảng 60 binh sĩ và sĩ quan đối phương bằng khẩu pháo 76 mm. Sirotinin được giao nhiệm vụ ở lại để hỗ trợ việc rút quân của khẩu đội pháo binh đang rút lui dưới sự tấn công dữ dội của các đơn vị quân xe tăng của Đức.

Trinh sát của Đức Quốc xã đã không phát hiện được sự hiện diện của các đơn vị Hồng quân trên đường tấn công, do đó đã di chuyển các thiết bị một cách công khai. Sirotinin với hỏa lực pháo của mình đã hạ gục chiếc cầu vượt qua sông và chiếc xe cuối đoàn gồm 59 xe tăng, thiết giáp của địch rồi lần lượt hạ gục những chiếc còn lại một cách bài bản, bình tĩnh. Chỉ 2 giờ sau, người ta đã xác định được vị trí khẩu pháo của Sirotinin và hạ sát người xạ thủ đơn độc kiên cường bằng hỏa lực súng cối.

Một trong những sĩ quan của sư đoàn xe tăng, Friedrich Henfeld, đã viết trong nhật ký của mình (một năm sau đó, nhật ký được tìm thấy tại nhà khi Henfeld chết) rằng, người Đức đã quyết định chôn cất Sirotinin theo nghi thức nhà binh - người Đức từng nghiêm túc nghĩ rằng đó không phải là một người mà là cả một khẩu đội đã chiến đấu chống lại họ.

Olga Verzhbitskaya - một người dân địa phương biết tiếng Đức, đã dịch những lời khâm phục của Đức Quốc xã về chiến công của Sirotinin cho những người dân làng. Đại tá Erich Schneider đã lấy lòng dũng cảm của người lính Nga làm gương cho cấp dưới của mình, nói thêm rằng, nếu quân Đức chiến đấu như thế người lính Hồng quân nọ thì Đệ tam Đế chế đã chinh phục cả thế giới từ lâu.

Một mình với một chiếc rìu

Câu chuyện hấp dẫn này được xác nhận bởi hồ sơ đề nghị khen thưởng, các bản scan của chúng hiện có thể được đọc trên các trang web của Đài tưởng niệm («Мемориал») và Chiến công của Nhân dân («Подвиг народа»), diễn ra vào đầu tháng 11/1941. Chiến sĩ hậu cần Ezdovoy Dmitry Ovcharenko đang tiếp tế đạn dược và lương thực cho đại đội súng máy của mình, bị hơn 50 tên Đức Quốc xã, trong số đó có 3 sĩ quan, bao vây.

Một trong những tên sĩ quan đã giật khẩu súng trường của Ovcharenko và bắt đầu thẩm vấn anh. Nhanh như cắt, người lính nắm lấy chiếc rìu trong xe và chémđầu tên sĩ quan Đức Quốc xã. Sau đó, Ovcharenko ném ba quả lựu đạn vào nhóm lính Đức, đuổi theo một tên sĩ quan khác, bị thương bởi mảnh đạn lựu; khi đuổi kịp y trong vườn làng anh đã chémđầu tên phát xít. Những người Đức còn lại cùng với sĩ quan thứ ba còn sống sót đã kinh hoàng bỏ chạy, bỏ lại vũ khí. Tổng cộng, người chiến sĩ hậu cần đã giết chết hơn 20 tên Đức Quốc xã.

Ovcharenko thu thập tài liệu và vũ khí chiếm được, đưa tất cả những thứ này đến chỉ huy trung đoàn của mình. Người lính được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô này hy sinh năm 1945. Câu chuyện về người lính hậu cần đã được sử dụng trong bộ phim truyện nhiều tập Chiếc rìu («Топор», 2018) của Nga, do Andrei Smelyakov đóng vai chính. Đây chỉ là một vài ví dụ về chủ nghĩa anh hùng của những người lính Hồng quân trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Trên thực tế, có hàng trăm người trong số họ, những chiến tích nổi tiếng và chưa được biết đến đã gây chấn động quân đội Đức quốc xã. Việc xem xét những cuốn nhật ký và thư còn sót lại của các binh sĩ và sĩ quan phát xít cho thấy, vào đầu cuộc chiến, nhiều người trong số họ, khi chứng kiến người Nga chiến đấu, đã viết rằng, họ không hy vọng sống sót trở về.

Theo Lê Ngọc/VOV

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/nhung-chien-cong-dang-kinh-ngac-nhat-cua-chien-si-hong-quan-trong-chien-tranh/20210523073930632