Những 'chiến binh' trong lòng đất

Lội trong lòng cống ngầm dài hàng chục mét, ngâm mình nhiều giờ trong lớp bùn dày đặc, đen đúa, nặng mùi hôi, độc hại. Đó là những khó khăn, vất vả trong công việc của những công nhân hút cống ngầm. Song những 'chiến binh' ấy đã vượt lên hiểm nguy, thầm lặng làm sạch môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân.

Công nhân tổ cống ngầm trong ca làm việc.

Nguy hiểm bủa vây

6h30 sáng, 13 công nhân tổ cống ngầm của xí nghiệp duy tu và thoát nước (Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa) đã tập kết tại đường Lý Nhân Tông (TP Thanh Hóa) để chuẩn bị công việc. Sau khi an toàn viên kiểm tra dụng cụ, thiết bị, đồ bảo hộ lao động, một nhóm bắt đầu khảo sát hiện trường, tìm điểm hợp lý để bật nắp cống. Một nhóm lấy dụng cụ chuyên dùng khuấy bùn, dùng giấy đốt lửa bỏ xuống cống. Đây là một bước quan trọng, luôn được thực hiện nhằm tạo không gian thoáng, xua bớt khí độc như nitơ, metan (CH4), hyđro sunfua (H2S)... Một nhóm khác khẩn trương đưa xe vào vị trí, sắp xếp dụng cụ, đặt cảnh báo. Mỗi người mỗi việc để nhanh chóng hoàn thành công việc trước buổi trưa. Khi mọi điều kiện an toàn đã được bảo đảm, từng người bắt đầu chui xuống cống. Từ miệng hố ga nhìn xuống sâu hun hút, dòng nước đen ngòm, những công nhân quần áo sũng nước bùn, đầu tóc đẫm mồ hôi, chuyền tay nhau đưa từng xô bùn lên mặt đất. Anh Dương Mạnh Hùng có nhiệm vụ kéo những xô bùn lên mặt đường, cho hay: “Phải tranh thủ làm sớm để giảm cản trở giao thông, sinh hoạt của người dân xung quanh và quan trọng là làm càng muộn thì nồng độ khí càng nặng, những người chui dưới cống sẽ rất khó thở”.

Nếu không trực tiếp đi cùng những công nhân hút cống ngầm thì chúng tôi khó có thể hình dung hết sự vất vả, nguy hiểm của nghề này. Công nhân phải lội trong lòng cống tối khoảng 50 - 60m và ngâm mình hàng giờ dưới độ sâu 3,4 - 4,5m với lượng bùn thải đen, hôi thối ngập ngang người, có thời điểm ngập đến cổ. Mọi công đoạn từ kiểm tra an toàn đến hút, nạo, chuyển bùn thải đều do công nhân trực tiếp làm bằng phương pháp thủ công.

Trèo lên miệng hố ga sau gần một giờ vớt chất thải, người ướt sũng, lấm lem bùn, nhịp thở gấp gáp, nhưng những công nhân ấy vẫn nở nụ cười tươi. Anh Nguyễn Danh Nhiên, tổ trưởng tổ cống ngầm, chia sẻ: “Trong lòng cống rất nóng, mùi khí thải, mùi bùn bốc lên rất ngột ngạt, khó thở. Nhưng hút ở đoạn cống này vẫn còn dễ chịu. Nhiều đoạn chúng tôi còn gặp túi nilong, bơm tiêm, nhất là khi hút cống tại khu vực gần các bệnh viện, nhà hàng, quán ăn, cửa hàng sửa xe máy, ô tô, nhà máy thì mùi bùn thải với mùi dầu, mùi hóa chất, thuốc men hòa vào nhau rất kinh khủng”. Có lẽ, những gì được moi lên dưới lòng cống ngầm đã phần nào “tố cáo” sự vô trách nhiệm, thiếu ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Bởi nhiều nơi, công nhân vớt lên rác thải đều là nilon, chai nhựa, mảnh sành. Thậm chí, có những chất thải “cứng đầu” như, dầu ăn, dầu máy được xả thải trực tiếp xuống cống. Chúng bám chắc vào thành cống lâu dần khô cứng, gây tắc nghẽn, khiến công nhân rất vất vả mới nạo, vét được.

Được biết, bùn thải trong cống có chứa khí H2S, metan, nitơ. Những chất này nếu tiếp xúc nhiều, nồng độ khí cao sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, còn với nồng độ quá cao sẽ gây khó khở, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Lặng lẽ cống hiến

Khó khăn, nguy hiểm là vậy, nhưng những “chiến binh” ấy không ai bỏ cuộc và đều làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, góp phần xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp. Với tinh thần và nghị lực “thép”, những người công nhân tổ cống ngầm luôn vui vẻ hoàn thành công việc, có mặt kịp thời xử lý các điểm ách tắc, ngập úng. Anh Dương Mạnh Hùng chia sẻ thêm: “Những ngày làm việc trong cống ngầm, tối về người thường mệt mỏi, uể oải hơn. Song, nghĩ đến trách nhiệm với nghề, với xã hội, tôi lại có động lực tiếp tục công việc của mình”.

Anh Lê Doãn Liêu, Trưởng Phòng Nhân sự, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, cho biết: “Việc thông hút cống là một nhiệm vụ quan trọng của công ty. Công nhân làm việc ở hiện trường được chia theo ca, làm việc tuân thủ quy trình, quy định. Nhiều công nhân đã gắn bó với nghề hơn 20 năm. Dù thu nhập không quá cao và đôi khi còn gặp nguy hiểm, nhưng với lòng yêu nghề và sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của anh chị em trong tổ và xí nghiệp, sự quan tâm, chăm lo đời sống người lao động của lãnh đạo công ty, đã tạo động lực, niềm lạc quan để anh chị em gắn bó với nghề”.

Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa đang thực hiện hợp đồng dịch vụ công ích với UBND TP Thanh Hóa để nạo vét 400m3 cống ngầm/năm, 700m3 cống hộp/năm. Ngoài ra, còn nạo vét 1.000m3/năm kênh mương có hành lang lối vào; 1.500m3/năm kênh mương không có hành lang lối vào... và nhiều nhiệm vụ khác. Đồng thời, công ty còn phải thực hiện nhiệm vụ trực mưa bão, kiểm tra, bảo đảm các điểm được khơi thông; xử lý tắc cục bộ khi có ngập lụt. Thực hiện nhiệm vụ của công ty và ý thức trách nhiệm với xã hội, thời gian qua, những người công nhân tổ cống ngầm đã lặng lẽ vượt lên khó khăn, hăng say lao động, góp phần giảm thiểu các điểm ngập tắc, làm sạch lòng cống, môi trường sống. Điều đó đã được chứng minh bằng số lượng điểm ngập tắc tại TP Thanh Hóa khi mưa lũ giảm, thời gian ngập tắc giảm. Tuy nhiên, do hệ thống cống ngầm chưa được đấu nối hoàn chỉnh nên ngập tắc cục bộ vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, kinh phí còn hạn chế nên những dụng cụ đo lường, thiết bị máy móc chuyên dụng chưa được trang bị đầy đủ. Do đó, công việc của những người công nhân hút cống ngầm vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vất vả.

Thầm lặng cống hiến cho xã hội như vậy, song, thực tế nhiều người dân chưa hiểu đúng và cảm thông với công việc của những người công nhân hút cống ngầm. Không ít người đã đối xử với những “chiến binh” trong lòng đất ấy bằng thái độ hắt hủi, xa lánh, gây cản trở khi họ thực hiện nhiệm vụ. Hy vọng rằng, cùng với việc nâng cao ý thức và trách nhiệm, không xả thải bừa bãi, người dân sẽ có cái nhìn đúng về nghề nghiệp của công nhân hút cống ngầm. Đồng thời, chính quyền địa phương, công ty nên thực hiện nhiều chế độ đãi ngộ, động viên, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của công nhân.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhung-chien-binh-trong-long-dat/133213.htm