Những chiến binh 'thách thức ông trời'

Mùa gặt. Những chiếc máy gặt chạy xuyên đêm. Tiếng nông dân gọi nhau í ới đi trực gặt lúa, tiếng cười nói rôm rả giữa đêm hè oi ả...

Những ngày này, trên nhiều cánh đồng các huyện ngoại thành Hà Nội như Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai..., nông dân hối hả thu hoạch trà lúa chiêm xuân đã chín rộ. Để tránh cái nóng như thiêu đốt da thịt mà vẫn đảm bảo khung thời vụ, nhiều hộ dân đã chọn cách gặt lúa vào ban đêm.

 Bắt đầu từ khoảng 17h, khi nắng nóng hạ nhiệt, máy gặt bắt đầu hoạt động. Các hộ dân có ruộng phải sẵn sàng có mặt để đưa lúa về. Ảnh: Trung Quân.

Bắt đầu từ khoảng 17h, khi nắng nóng hạ nhiệt, máy gặt bắt đầu hoạt động. Các hộ dân có ruộng phải sẵn sàng có mặt để đưa lúa về. Ảnh: Trung Quân.

Bữa cơm ăn vội

Cả gia đình đang ăn cơm tối, bỗng bà Nguyễn Thị Tân thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) nghe tiếng gọi hớt hải: “Chị Tân ơi, máy đến ruộng rồi kìa”. Như một phản xạ tự nhiên, bà Tân bỏ vội chén cơm, cầm đùm bao đựng lúa đã chuẩn bị sẵn, cùng chai nước to tức tốc đạp xe ngay ra ruộng nhà mình.

Ra đến ruộng, vừa dựng xong chân chống xe, chủ máy gặt đã gọi lớn: “Nhà mẹ Tân có mang bao đựng đến ngay không thì bảo, không là đi nhà khác bây giờ”. Lắp xong bao đựng lúa, máy gặt bắt đầu khởi hành, cũng là lúc bà Tân ngồi bệt xuống vệ cỏ thở hắt ra: “Chạy đón máy gặt mà như chạy giặc, đợi mãi máy mới tới ruộng nhà mình, nếu không nhanh máy đi ruộng khác thì phải đợi tới tận nửa đêm chứ chẳng chơi”.

Cầm chai nước lên uống một ngụm thật to, bà Tân cho biết: Máy gặt chạy theo từng khu vực, thế nên vào vụ mùa nhà nào cũng ăn uống cho nhanh rồi ra ruộng nhà mình ngồi đợi. Có hôm các thành viên trong nhà còn phải thay nhau túc trực ngoài ruộng để đón máy. Vì nhà nào có chủ ở đấy máy mới gặt, cộng với lúa chín rộ rồi, trời đang nắng gặt nhanh về còn phơi chứ để lâu mưa xuống thì khổ lắm!

Các hộ có ruộng, mỗi nhà một người túc trực ở đầu bờ, cầm sẵn bao tải đựng lúa đợi máy gặt đến, gặt xong đóng xe chở lúa về. Ảnh: Trung Quân.

Nói rồi, bà chốt một câu chắc nịch: "Cháu không tin, lát nữa chỗ này lại đông vui, nhộn nhịp ngay bây giờ đấy". Vừa nói bà vừa chỉ tay về phía đoàn xe sáng đèn của người dân trong thôn đang tiến lại gần.

Đúng như lời bà Tân, chỉ trong chốc lát, dọc các bờ ruộng đã xếp hàng dài các loại xe máy, xe đạp, xe kéo… sẵn sàng đợi lúa đưa lên bờ chở về nhà. Người già, người trẻ, thậm chí có cả các em nhỏ cũng theo chân bố mẹ ra đồng chơi cho mát. Câu chuyện râm ran, tiếng cười nói vui vẻ xóa tan đi bầu không khí tĩnh mịch của đêm đen.

Tôi quay lại hỏi bà Tân, giờ nông dân mình sướng bà nhỉ? Mùa gặt, chỉ cần đến đầu bờ ngồi uống nước, nói chuyện đợi lúa lên là chở về. Bà Tân cắt lời tôi bảo, nhìn thế thôi chứ vẫn vất vả lắm, chỉ là không phải sử dụng nhiều công như trước đây, cũng như sức lực mình bỏ ra ít hơn vì có máy làm thay rồi.

Giờ gặt máy nhàn hơn nhưng lại phụ thuộc vào máy. Thời tiết nắng nóng thế này, máy chỉ gặt buổi tối nên mình có ruộng cũng mong ngóng, thấp thỏm theo. Nhà bà Tân hôm nay gặp may máy gặt trước, có nhà 12h đêm, thậm chí 1h sáng mới được gặt. Đấy còn chưa nói có nhiều nhà máy không vào được, phải đội đèn pin gặt đêm.

Đang miên man câu chuyện, bà đứng phắt dậy, chạy nhanh xuống ruộng đến chỗ hàng sông giáp ranh với ruộng bên cạnh, nhanh tay vén lúa vẽ đường kẻo trời tối nhập nhoạng, máy lại gặt lấn sang ruộng khác.

Càng về đêm, không khí càng nhộn nhịp khi có đông các hộ dân, người già, người trẻ, thậm chí có cả các em nhỏ cũng theo chân bố mẹ ra đồng chơi cho mát. Ảnh: Trung Quân.

Tôi quay sang hỏi chuyện mấy bác đứng bên, được biết năm nay thời tiết thuận lợi nên vụ lúa xuân đạt năng suất tương đối cao, trung bình từ 2,2-2,4 tạ/sào (lúa khô). Công máy gặt 170.000 đ/sào, cũng rất hợp lý nên ai nấy đều vui vẻ.

Bà Hiền, người cùng thôn Thụy Khuê tiếp câu chuyện với tôi. Trước chưa có máy gặt, bà con toàn gặt tay, nhà có bao nhiêu người thì huy động hết, cứ lúc nào trời mát là gặt. Có hôm lọ mọ đeo đèn pin hoặc dò dẫm theo ánh trăng gặt chẳng được bao nhiêu, mà vẫn phải thuê máy chở về, hôm sau còn tuốt lúa, phơi trở rơm rạ… Nói chung là mất nhiều công và cực lắm.

"Nay có máy gặt rồi, nhà chỉ cần 1 người, thảnh thơi ngồi bờ uống nước, nói chuyện đợi lúa lên, kéo về nhà, mai nắng lên đổ ra phơi ung dung biết bao”, bà Hiền và mấy người cười phá lên.

Câu chuyện qua lại chưa đầy 10 phút thì máy gặt đã đầy chỗ chứa, ghé vào để đưa các bao tải lúa lên bờ. Mỗi người một tay, loáng cái những bao tải 30 kg, 40 kg đã nằm gọn trên thùng xe đã đợi sẵn. Máy gặt lắp bao đựng mới, tiếp tục băng băng trà tới ruộng tiếp theo.

Lúa gặt đến đâu, người dân nhanh chóng chất lên các xe kéo, đưa về nhà để tránh những cơn mưa bất chợt. Ảnh: Trung Quân.

Thợ máy gặt 2 ngày không về nhà

Hơn 21h, tổ máy gặt tạm nghỉ để "nạp năng lượng". Vừa thưởng thức mấy quả trứng vịt lộn, anh Hùng, thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn (Quốc Oai), thợ lái máy chia sẻ: Nhóm của anh có 5 người gồm 1 lái chính, 2 người phụ đóng bao sau máy, một người đứng quan sát, khi nào ai mệt thì thay ca, một người thì cầm sổ sách ghi chép, có ai thanh toán tiền luôn thì nhận, không thì ghi lại diện tích, ngày gặt để sau cho bà con đối chiếu.

Gần cả tháng nay, tổ máy làm việc không có ngày nghỉ, cũng không kể giờ giấc, ăn uống cũng thất thường. Nhiều hôm mệt còn không muốn ăn cơm, chỉ uống nước với ăn nhẹ rồi lại tiếp tục.

Anh Hùng kể thêm: Thời tiết nắng nóng thì nghỉ, lúc nào mát là máy chạy, đợt cao điểm từ 3h sáng đến khi nắng gắt buổi sáng. Chiều bắt đầu 17h đến khi nào oải thì thôi. Trung bình mỗi tối làm việc hết công suất, tổ máy gặt được từ 7 đến 8 mẫu.

Những ngày này, các tổ máy gặt gần như hoạt động xuyên đêm. Ảnh: Trung Quân.

"Nhiều lúc mệt lắm, muốn nghỉ một hôm mà bà con gọi liên tục vì vào chính vụ, nhà nào cũng muốn gặt cho nhanh không mưa xuống lúa đổ, vừa mất công dựng lúa, rẽ luống cho máy, vừa khó khăn phơi trở nên anh em tổ máy gặt vẫn động viên nhau cố gắng đánh máy ra đồng không thì tội bà con", anh Hùng chia sẻ.

Anh vui vẻ kể: Cả tháng nay, mấy anh em trong tổ máy gặt của anh Hùng toàn trong trạng thái "sẵn sàng chiến đấu". Máy cứ gặt xong cánh đồng này lại đi cánh đồng khác, có hôm 2 ngày không về nhà. Lúc máy không chạy thì tìm chỗ nghỉ ngơi gần máy nhất cho thuận tiện. Nhiều lúc vợ lo cho sức khỏe, gọi điện nói hờn, nói dỗi, anh em cũng chỉ cười trừ cho qua!

Anh Trung, phụ máy gặt trong tổ nói vui: Vụ gặt, không ai lời bằng cánh lái máy chúng tôi đâu. Vừa có tiền, vừa có thêm bà vợ nữa.

Mặc dù đêm tối, nhưng các tổ máy vẫn miệt mài đẩy nhanh tốc độ, phấn đấu gặt được nhiều diện tích nhất cho bà con. Ảnh: Trung Quân.

Thấy tôi ngạc nhiên, anh tiếp lời: "Vợ mới là chiếc máy gặt đập liên hợp kia. Cả ngày quanh quẩn bên em ấy còn nhiều hơn vợ ở nhà. Lúc nghỉ thì lau chùi, tra dầu, chỗ nào hỏng hóc thì sửa nhanh chóng, còn phải thay nhau trông nom không có ông nào cũng mê em ấy vào lấy cắp ít phụ tùng thì nguy”, anh Trung cười khoái chí.

Tếu táo, vui vẻ được một lúc, hết giờ nghỉ, máy hoạt động trở lại được gần 1 tiếng đồng hồ nữa thì cơn mưa dông giữa đêm bất chợt kéo đến. Anh Hùng, tổ trưởng tổ máy gặt hô to: "Nốt đám này tắt máy về nghỉ nhá, mai làm tiếp không mưa to ướt hết lúa, ông Thiện, bà Liên mai đem bao tới sớm. Mai gặt đám mấy ông mấy bà trước".

Đoàn người cũng nhanh chóng thu dọn đồ đạc, dùng bạt che chắn chỗ lúa mới gặt rồi nhanh chóng kéo xe về. Tiếng thúc giục, tiếng bước chân hối hả của người dân cứ thế nhỏ dần, nhỏ dần rồi tắt hẳn trong màn đêm hè oi ả.

Trung Quân

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhung-chien-binh-thach-thuc-ong-troi-d293021.html