Những chia sẻ bất ngờ của 'nghệ nhân 27 tuổi' về nghệ thuật thư pháp được báo Mỹ tôn vinh

Hơn 10 năm theo đuổi con chữ và cây bút, anh Đào Huy Hoàng đã vượt qua nhiều gian nan để tìm cho mình một chỗ đứng trong xã hội cạnh tranh khốc liệt. Anh đã được tạp chí Pen World (Mỹ) ca ngợi tài năng. Tiếp xúc với PV, Hoàng tự tin rằng ở Việt Nam chưa có ai có thể vượt qua anh trong môn nghệ thuật thư pháp phương Tây này. Chia sẻ của anh có gì đặc biệt?

Khi con chữ thành nghệ thuật lay động lòng người

Nghệ thuật Calligraphy.

Nghệ thuật Calligraphy.

Để phục vụ cho việc lưu trữ và truyền tải thông tin, tri thức, con người sáng tạo ra chữ viết. Qua thời gian, chữ viết được biến hóa, thể hiện dưới các hình dạng, các hiệu ứng mới mẻ, độc đáo, mục đích của chữ viết không còn chỉ là truyền tải thông tin mà còn để trình diễn nghệ thuật, để quyến rũ tâm hồn con người. Đó chính là lý do nghệ thuật thư pháp hiện đại (Calligraphy) ra đời.

Thực chất dùng từ “Thư pháp” rất khó có thể diễn tả toàn bộ ý nghĩa của môn nghệ thuật Calligraphy. Bởi, nó bao gồm cả viết và trang trí (vẽ, dát vàng, khảm...) liên quan tới con chữ. Chủ yếu các ngôn ngữ tượng thanh của Phương Tây.

Calligraphy là tập hợp gồm các kỹ năng, kỹ thuật định vị và viết chữ để chữ thể hiện được mọi đặc tính toàn vẹn, nguồn gốc, hài hòa, nhịp điệu cũng như sự sáng tạo.

Trên thế giới có hàng ngàn ngôn ngữ khác nhau và cũng có hàng trăm hệ thống ký tự đặc trưng để truyền tải và thể hiện các ngôn ngữ ấy. Khi phương Đông ưa chuộng chữ tượng hình thì văn hóa phương Tây chủ yếu sử dụng chữ tượng thanh. Kho tàng kiến thức của môn nghệ thuật tôn vinh chữ viết tay vô cùng rộng lớn với muôn vàn hướng đi.

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Năm 2010, chàng sinh viên năm nhất trường đại học Ngoại thương Hà Nội bị vẻ đẹp của con chữ quyến rũ khi nhìn thấy bản viết tay của cụ nội. Sau 10 năm theo đuổi niềm đam mê, anh Đào Huy Hoàng được coi là bậc thầy trong môn nghệ thuật Calligraphy. Thành công của Hoàng rất đúng với câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” ( giỏi một nghề, vinh quang một đời – PV).

Anh Đào Huy Hoàng.

Từ cách đây 5-6 năm, Đào Huy Hoàng là cái tên nổi lên trong giới thư pháp. Người ta bàn tán về chàng trai trẻ với những nét thư pháp bay bổng đa tầng nghĩa biết đến. Năm 2014, anh mở lớp dạy học, và chỉ 1 năm sau đã mang kiến thức của mình đến truyền dạy cho những người đam mê chữ viết tay ở nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Và rồi, những học trò ở Nhật Bản, Hàn Quốc thậm chí nước Mỹ xa xôi cũng ngỏ lời mời nghệ nhân trẻ tuổi ở Việt Nam đến chỉ dạy.

Bản thân anh Hoàng cũng đã mở 3 buổi triển lãm về nghệ thuật minh họa chữ viết tay tại Hà Nội và trở thành khách mời danh dự của gần 10 hội nghị Calligraphy ở Mỹ, Nhật Bản và Canada chỉ trong 3 năm trở lại đây.

Tài năng của anh không chỉ khiến giới truyền thông trong nước trầm trồ mà còn lọt vào mắt xanh của báo chí quốc tế. Năm 2015, anh Hoàng đã xuất hiện trên tạp chí Pen World của Mỹ, những năm sau đó liên tục nhận được những lời mời phỏng vấn từ các tờ báo và tạp chí khắp nơi trên thế giới.

Tất cả những thành tựu ấy không phải trời ban, bỗng dưng mà có, nó nhờ những năm tháng khổ luyện, kiên trì theo đuổi đam mê. Từ những ngày đầu tìm hiểu về nghệ thuật viết chữ, anh Hoàng như một mình vùng vẫy giữa vùng đất hoang khi nguồn tài liệu trong nước về Thư pháp phương Tây không nhiều, người hiểu biết cũng ít mà người theo chuyên càng hiếm. Chàng trai trẻ tự mình tìm kiếm thông tin qua mạng internet, cố gắng đọc tất cả những tư liệu tiếng Anh. Xác định theo học một cách nghiêm túc, anh Hoàng không chỉ tìm hiểu về cách thức viết chữ mà còn trau dồi kiến thức về nguồn gốc và xuất xứ của từng kiểu chữ khác nhau.

Anh Hoàng cùng tác phẩm của mình.

Phải đến năm 2013, anh Hoàng mới tham gia lớp học về Calligraphy đầu tiên nhân dịp một nghệ sĩ phương Tây ghé thăm Việt Nam. Nhận thấy việc tự mình bơi giữa đại dương kiến thức là quá khó khăn, anh Hoàng gói ghém hành trang, tìm đến chuyên gia ở các quốc gia xa xôi để theo học. Chỉ sau hơn 1 năm, chàng học trò ham học hỏi đã có đủ kỹ năng và kiến thức để trở thành người thầy.

Khi đam mê trở thành nghề “hái ra tiền”

Muốn viết chữ đẹp không chỉ yêu cầu kỹ năng và kiến thức mà còn đòi hỏi người viết phải cầm trên tay một cây bút tốt. Calligraphy chủ yếu nằm ở việc thiết kế và thể hiện các con chữ, bằng cọ hoặc những dụng cụ viết có ngòi. Các loại bút Calligraphy được thiết kế đặc biệt để có thể tạo ra nét thanh nét đậm tùy vào ý đồ của người viết.

Bút chuyên dụng để viết Calligraphy.

Khi môn nghệ thuật chữ viết tay trở nên phổ biến thì các loại bút này rất dễ tìm mua. Tuy nhiên, vào thời điểm 10 năm về trước, việc tìm kiếm “công cụ lao động” thực sự là một chuyện đau đầu. Khi các sản phẩm trong nước không thể đáp ứng về chất lượng còn việc đặt mua từ nước ngoài quá đắt đỏ, anh Hoàng nghĩ đến việc tự mình làm bút để phục vụ quá trình học và luyện chữ.

Quyết là làm, anh Hoàng tự học nghề mộc để làm ra những cây bút đơn giản. Càng làm quen với những cây bút chàng trai trẻ càng đam mê. Anh lại khăn gói sang Mỹ, tìm đến những chuyên gia làm bút để theo học. Dần dần, chàng nghệ nhân thư pháp phương Tây cũng trở thành bậc thầy trong việc thiết kế những chiếc bút tinh xảo.

Anh Hoàng tự học làm bút.

Trao đổi với PV, anh Hoàng chia sẻ muốn đi theo con đường nghệ thuật cần phải xây dựng tiềm lực kinh tế đủ mạnh, nuôi dưỡng đam mê không ngừng nghỉ. Các khoản chi phí cơ bản như mua đạo cụ, mua sách tư liệu, tham khảo không hề rẻ, thêm vào đó các chuyến đi nước ngoài để học tập cũng rất tốn kém.

Ngừng nhận chu cấp của gia đình từ năm thứ 2 đại học, anh Hoàng sẵn sàng làm mọi ngành nghề từ bưng bê cho đến bán hàng trực tuyến, marketing,... miễn sao kiếm được tiền để hiện thực ước mơ của mình. Thậm chí, có thời điểm anh chỉ dám ăn mì gói với trứng cút qua ngày để tiết kiệm.

Trong những tháng ngày cực khổ ăn ngủ cùng con chữ, anh Hoàng quyết không bỏ dở ngành học của mình tại đại học Ngoại Thương. Tốt nghiệp khoa Kinh tế - Quốc tế, chàng trai trẻ vận dụng mọi kiến thức mình học vào thực tế, làm việc thông minh, hiệu quả hơn và thu nhập cũng ngày một cao hơn.

Dần dần, chàng nghệ nhân trẻ tìm cách biến đam mê thành nghề nghiệp, anh học cách kiếm tiền trên chính sở thích của mình. Khi chữ đã đẹp, anh nhận thiết kế thư thiệp cho các cá nhân và tổ chức lớn. Trau dồi kỹ năng, khi kiến thức đã đủ anh mở các lớp dạy học, vừa để truyền bá nghệ thuật vừa tăng thu nhập cho bản thân. Và rồi những chiếc bút làm ra đủ độ tinh xảo, anh bắt đầu bán chúng cho những người có cùng đam mê. Đến thời điểm hiện tại, con chữ và cây bút đã đủ sức nuôi sống anh. Người “nghệ nhân trẻ” có thể toàn tâm toàn ý đi theo con đường nghệ thuật mà không còn phải lo nghĩ về cơm áo gạo tiền.

Một chiếc bút có giá đến vài triệu đồng.

Ngẫm lại những được và mất trong suốt quá trình theo đuổi đam mê, anh nhận ra mình đã không phí hoài thanh xuân. “Cái được thì nhiều vô kể, mình được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, học hỏi được rất nhiều thứ,... Còn cái mất chắc chỉ là... ế chưa có cô nào vì mải mê công việc”, anh Hoàng chia sẻ và cười hiền khiến chúng tôi cũng cười theo...

Người thầy khó tính

“Tôi chỉ truyền lại kiến thức và kỹ năng cho những người thực sự đam mê và sẵn sàng bỏ thời gian và công sức để theo đuổi nó. Đã không ít lần tôi từ chối học viên khi không nhìn thấy nhiệt huyết trong mắt họ. Kể cả khi đã chấp nhận chỉ dạy, tôi cũng không ngần ngại đuổi thẳng những học viên thiếu ý thức”.

Bá Di - Phong Linh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-chia-se-bat-ngo-cua-nghe-nhan-27-tuoi-ve-nghe-thuat-thu-phap-duoc-bao-my-ton-vinh-a479093.html