Những chị em đẻ mổ nên biết điều này để không gặp tai biến đáng tiếc về sau

Trước đây, nhau (rau) cài răng lược là một bệnh lý sản khoa hiếm gặp. Tuy nhiên, gần đây bệnh đang có xu hướng gia tăng do việc chỉ định mổ lấy thai phổ biến hơn, thậm chí nhiều trường hợp chủ động mổ bắt thai theo yêu cầu.

Mới đây, một sản phụ ở Cần Thơ, mang thai ở tuần 34 được đưa tới bệnh viện trong tình trạng bị nhau tiền đạo cài răng lược xâm lấn bàng quang khiến tình trạng vô cùng nguy kịch. Rất may, nhờ sự cấp cứu kịp thời của độ ngũ các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, sản phụ và thai nhi đã được cứu sống.

Đây có thể coi là một trường hợp rất may mắn được cứu sống, bởi lẽ, nhau cài răng lược là một tai biến sản khoa rất dễ gây tử vong cho sản phụ nếu không được xử lý và cầm máu kịp thời.

BS Đỗ Thị Minh Nguyệt, Phó Trưởng khoa Sản bệnh (Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ) cho biết: Nhau tiền đạo cài răng lược là nhau bám đoạn dưới tử cung, vị trí mà lớp cơ tử cung mỏng, mạch máu nuôi nghèo nàn nên các gai nhau dễ lan rộng và cắm sâu vào lớp cơ tử cung, thậm chí xuyên thủng cả lớp cơ tử cung, xâm lấn vào các cơ quan lân cận như bàng quang, ruột. Đây một bệnh lý góp phần làm tăng tai biến xuất huyết và tử vong trong lúc sinh mổ, thường xuất hiện ba tháng cuối thai kỳ.

Khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi và dự phòng các tai biến có thể xảy ra. Ảnh minh họa

Theo BS Đỗ Thị Minh Nguyệt, những phụ nữ có nguy cơ cao bị nhau cài răng lược như: Bị nhau tiền đạo (nhau bám phần dưới của thân tử cung, vốn là nơi có lớp cơ mỏng, khoảng 1/3 tử cung); phụ nữ mang thai trên 35 tuổi; đẻ nhiều lần; có tiền sử nạo phá thai nhiều.

Đặc biệt, gia tăng nguy cơ ở nhóm phụ nữ đã có tiền sử mổ lấy thai. Theo các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, với những người đã mổ lấy thai một lần tăng nguy cơ cho mang thai lần sau là 4,5 lần; mổ lần 2 tăng 11,3 lần. Nhau cài răng lược tăng khi sản phụ bị nhau tiền đạo và có sẹo mổ lấy thai.

Ở sản phụ không có vết mổ cũ, nhau tiền đạo kèm nhau cài răng lược chiếm 9,4%, nhưng ở người có 1 lần mổ lấy thai tần suất là 21,1%, nếu 2 lần mổ lấy thai tỷ lệ này là 47,6%, rất nguy hiểm đối với tính mạng của sản phụ.

Khi bị nhau cài răng lược, sản phụ sẽ đối diện với nguy cơ bị băng huyết sau sinh có thể phải truyền rất nhiều máu; sót nhau gây nhiễm trùng hậu sản; sinh non do chảy máu nhiều; cắt tử cung hay thậm chí cắt bàng quang hoặc trực tràng để cầm máu nếu nhau đã cài đến bàng quang, trực tràng.

Theo các bác sĩ, nhau cài răng lược có thể chẩn đoán được trước sinh trên siêu âm với độ chính xác là 64,3%. Nhờ đó, bác sĩ có thể chủ động xử trí trong phẫu thuật, tránh các biến chứng mà nặng nề nhất là tử vong mẹ. Hướng xử trí nhau cài răng lược phụ thuộc vào tình trạng của sản phụ, vị trí rau bám, mức độ xâm lấn vào tử cung, diện tích nhau bám cơ…

Theo đó, nhiều trường hợp phải cắt tử cung để cầm máu. Đối với sản phụ còn trẻ, chưa đủ con bác sĩ có thể cố gắng bảo tồn tử cung và tiến hành điều trị hỗ trợ như: Giảm lượng máu tới tử cung; hóa trị hỗ trợ sau mổ nếu không lấy hết mô nhau; nạo lòng tử cung.

Để tránh tình trạng nhau cài răng lược, các chuyên gia khuyến cáo, trong quá trình mang thai, thai phụ cần thăm khám thai định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ y tế chuyên khoa để được tư vấn, chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe mẹ và thai nhi.

Bên cạnh đó, không chủ động mổ lấy thai để “chọn ngày, chọn giờ”, nếu có thể, nên sinh thường để đảm sức khỏe cho cả hai mẹ con và tránh nguy cơ gặp các tai biến sản khoa, nhất là nhau cài răng lược cho lần sinh sau.

Riêng những trường hợp đã từng mổ lấy thai, cần theo dõi vị trí bám của nhau thai qua siêu âm thường xuyên. Nếu thấy có những dấu hiệu bất thường, cần sự tư vấn, can thiệp kịp thời của các bác sĩ chuyên khoa, tránh hệ lụy về sau.

N.Mai

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/dan-so/nhung-chi-em-da-tung-mo-lay-thai-nen-biet-dieu-nay-de-khong-gap-tai-bien-san-khoa-dang-tiec-ve-sau-20181227150701654.htm