Những chế độ đặc biệt nào chỉ giáo viên thể dục mới có?

Thường xuyên phải giảng dạy ngoài trời, công việc cũng có phần vất vả hơn so với giáo viên các bộ môn khác nên giáo viên thể dục sẽ được hưởng thêm một số chế độ đặc biệt.

Giáo viên dạy thể dục được hưởng thêm một số chế độ đặc biệt so với giáo viên giảng dạy các bộ môn khác. Ảnh minh họa

Giáo viên dạy thể dục được hưởng thêm một số chế độ đặc biệt so với giáo viên giảng dạy các bộ môn khác. Ảnh minh họa

Chế độ trang phục

Chế độ trang phục của giáo viên thế dục được quy định tại Điều 4 Quyết định 51 năm 2012, cụ thể:

1. Đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao dạy chuyên trách môn thể dục, thể thao được cấp 2 bộ quần áo thể thao dài tay/năm, 2 đôi giầy thể thao/năm, 4 đôi tất thể thao/năm, 4 áo thể thao ngắn tay/năm.

2. Đối với giáo viên, giảng viên dạy kiêm nhiệm (giáo viên dạy môn học khác dạy kiêm nhiệm môn thể dục, thể thao) được cấp 1 bộ quần áo thể thao dài tay/năm, 1 đôi giày thể thao/năm, 2 đôi tất thể thao/năm, 2 áo thể thao ngắn tay/năm.

Trang phục thể thao do Việt Nam sản xuất, phù hợp với khí hậu từng vùng, miền.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mẫu mã, chủng loại, chất lượng trang phục thể thao để thực hiện thống nhất ở các cơ sở giáo dục.

Như vậy, theo quy định trên, không chỉ giáo viên chuyên trách môn thể dục mà cả giáo viên môn học khác kiêm nhiệm dạy thể dục cũng được cấp phát trang phục thể thao. Tuy nhiên, chế độ trang phục của giáo viên kiêm nhiệm dạy thể dục chỉ bằng một nửa so với giáo viên thể dục chuyên trách.

Về phương thức thực hiện, điểm b khoản 2 Điều 5 Quyết định 51 quy định, chế độ trang phục được cấp 1 lần/năm vào thời điểm đầu năm học.

Bên cạnh đó, cũng theo Điều 5 Quyết định 51, nguồn kinh phí chi trả cho các chế độ chế độ trang phục và cả chế độ bồi dưỡng bằng tiền được thực hiện theo nguyên tắc sau:

- Đối với các cơ sở giáo dục được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên: Kinh phí chi trả do ngân sách nhà nước bảo đảm và giao trong dự toán ngân sách hằng năm của cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành;

- Đối với các cơ sở giáo dục tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động: Kinh phí chi trả được bảo đảm từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên do ngân sách nhà nước cấp theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành;

- Đối với các cơ sở giáo dục tư thục: Căn cứ vào nguồn thu hợp pháp để vận dụng thực hiện các chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục quy định tại Quyết định này.

Chế độ bồi dưỡng bằng tiền

Theo quy định tại Điều 3 Quyết định 51/2012/QĐ-TTg:

Chế độ bồi dưỡng được chi trả bằng tiền và được tính bằng 1% mức lương tối thiểu chung cho 1 tiết giảng thực hành.

Chế độ bồi dưỡng bằng tiền không áp dụng đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao trong các cơ sở giáo dục thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân.

Theo đó, giáo viên thể dục trong các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ được trả thêm 1% mức lương tối thiểu chung cho mỗi tiết dạy thực hành. Đồng thời, chế độ bồi dưỡng bằng tiền sẽ được chi trả cùng với thời điểm chi trả tiền lương hằng tháng (theo điểm a khoản 2 Điều 5 Quyết định 51).

Nếu kiêm nhiệm công việc chuyên môn, giáo viên thể dục được giảm tiết dạy

Theo Điều 6 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần.

Cụ thể, chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn tại Điều 8 Quy định ban hành kèm Thông tư 09, sửa đổi bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT như sau:

- Giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần.

- Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường chuyên, trường bán trú được giảm 4 tiết/tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật được giảm 3 tiết/tuần.

- Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường dự bị đại học được giảm 3 tiết/tuần.

- Giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn được giảm 3 tiết/môn/tuần.

- Giáo viên kiêm nhiệm phụ trách công tác văn nghệ, thể dục toàn trường, phụ trách vườn trường, xưởng trường, phòng thiết bị, thư viện (nếu các công tác này chưa có cán bộ chuyên trách) được tính giảm từ 2 - 3 tiết/tuần tùy khối lượng công việc và do hiệu trưởng quyết định.

- Tổ trưởng bộ môn được giảm 3 tiết/tuần.

- Tổ phó chuyên môn được giảm 1 tiết/tuần.

- Giáo viên kiêm trưởng phòng chức năng trường dự bị đại học được giảm 3 tiết/tuần;

Trong trường hợp, giáo viên kiêm phó trưởng phòng chức năng trường dự bị đại học được giảm 1 tiết/tuần.

Theo các quy định này có thể rút ra rằng, nếu giáo viên thể dục ngoài giảng dạy còn kiêm nhiệm thêm các công việc chuyên môn khác thì sẽ được giảm định mức tiết học.

Thủy Tiên (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/phap-luat/tinh-huong-phap-luat/nhung-che-do-dac-biet-nao-chi-giao-vien-the-duc-moi-co-a353022.html