Những cây số cuối cùng của cuộc trường chinh

Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày non sông thống nhất, nhưng với những người lính tăng của Lữ đoàn 203, thời khắc tiến đoàn quân ta về Sài Gòn khiến họ không thể nào quên…

Bức ảnh “Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975” của nhà báo Trần Mai Hưởng.

Bức ảnh “Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975” của nhà báo Trần Mai Hưởng.

Những mảnh đạn trên thân xe

Cựu chiến binh Vũ Đăng Toàn kể, từ ngày 10/4 đến 24/4/1975, Đại đội 4 trong đội hình của Lữ đoàn 203 đã tổ chức hành quân gần một nghìn km vào Rừng Lá, thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận. Trong đó, có những ngày xe tăng phải chạy ròng rã đến 230 cây số. Trên đường vào chiến trường, đơn vị đã vượt qua nhiều khó khăn, đưa xe và người vượt cầu yếu, ngầm, đèo… để đến địa điểm tập kết. Tại đây, đơn vị được giao nhiệm vụ dẫn đầu Quân đoàn 2 thọc sâu đánh chiếm Sài Gòn.

Ngày 29/4, Đại đội 4 được lữ đoàn giao nhiệm vụ hiệp đồng với bộ binh tiến công một căn cứ quan trọng án ngữ đường tiến về Sài Gòn. Do địch tổ chức phòng ngự rất mạnh nên Đại đội đã phối hợp với bộ binh đánh liên tiếp nhiều trận, tổ chức đội hình thành hai tuyến để chi viện lẫn nhau. Trong trận này, Đại đội 4 đã tiêu diệt 3 xe M48 và 1 xe M41 cùng nhiều bộ binh địch, làm cho Chiến đoàn 318 của địch phải núng thế rút chạy, mở đường cho cánh quân phía đông tiến về Sài Gòn. Ngày 30/4, Đại đội 4 dẫn đầu đội hình thọc sâu của Quân đoàn 2 đánh chiếm Sài Gòn. Sau khi vượt cầu Sài Gòn, những người lính tăng tiếp tục đập tan các ổ đề kháng của địch để tiến về mục tiêu chủ yếu là Dinh Độc Lập.

Lúc 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, hai xe tăng số 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy và số 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy, đã húc đổ cánh cổng chính và cổng phụ của Dinh Độc Lập. Ngay sau đó, Trung úy Bùi Quang Thận đã cắm lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta lên nóc dinh Độc Lập, báo hiệu giờ khắc hoàn toàn giải phóng miền Nam.

Những chiếc xe tăng của Lữ đoàn tăng - thiết giáp 203, Sư đoàn 304 lần lượt tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu

Nhiều chi tiết của trận đánh cuối cùng được cựu binh Nguyễn Văn Tập (người lái xe tăng 390) hồi tưởng rất thú vị. Thời điểm ấy, khi thấy xe 843 bị vướng trước cổng phụ vào Dinh Độc lập, chỉ huy Toàn đã quyết đoán ra lệnh cho lái xe Tập tông thẳng vào cổng chính của Dinh, mở toang cánh cửa cuối cùng vào sào huyệt kẻ thù.

"Sau khi xe 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, các xe còn lại của Đại đội 4 cũng đã tiến vào bên trong Dinh. Tiếp đến, các xe tăng của Binh chủng tăng thiết giáp theo 5 cánh quân cũng tràn về Sài Gòn. Thời khắc đó, các đường phố trong nội thành Sài Gòn tràn ngập cờ, hoa, tưng bừng ngày hội lớn đón chào quân Giải phóng. Ngay trong sân của Dinh Độc Lập những người lính chúng tôi vui mừng ôm nhau nhưng nước mắt cứ tuôn trào vì hạnh phúc", ông Tập xúc động nhớ lại.

Người dân vây quanh Dinh Độc Lập đón mừng đoàn quân chiến thắng. Ảnh tư liệu

Khi hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ với chiếc xe tăng 390, cựu binh Vũ Đăng Toàn xúc động: "Năm 1996, chúng tôi trở lại thăm Lữ đoàn 203, tôi được gặp lại chiếc xe tăng 390 sau mười mấy năm xa cách. Cảm xúc thật khó tả. Chúng tôi leo lên, đếm từng vết đạn trên thân xe. Mỗi vết đạn gợi lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm. Trong đó có nhiều kỷ niệm đau buồn. Sự mất mát hy sinh của những thành viên trong kíp xe, trong đại đội luôn nhắc chúng tôi phải sống xứng đáng hơn với những người đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc".

Còn xe tăng 843, sau ngày thống nhất được lệnh ra tiếp quản cảng Nhà Bè (nay là cảng Nhà Rồng) rồi hành quân về Tổng kho Long Bình. Sau đó, xe được đưa ra Hà Nội dự triển lãm mừng ngày thống nhất. Kết thúc triển lãm, xe tăng 843 trở về làm nhiệm vụ huấn luyện tại Lữ đoàn 203 cho đến năm 1979 thì được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và được công nhận Bảo vật quốc gia đợt 1, ngày 1/10/2012.

Như một giấc mơ

4 người lính trên xe tăng 390 (từ trái qua): Ông Ngô Sỹ Nguyên, Vũ Đăng Toàn, Nguyễn Văn Tập và ông Lê Văn Phương trong ngày hội ngộ 30/4/2005. Ảnh: AFP

Trở lại câu chuyện khi xe tăng 390 và 843 đến được Dinh Độc Lập, thì nhiệm vụ quan trọng của người lính trong thời điểm đó là cắm cờ. Lúc đó, do không có cờ được chuẩn bị sẵn nên đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã tháo lá cờ trên tháp pháo xuống để vào Dinh. Lá cờ đã đồng hành cùng xe hàng ngàn cây số, trải qua nhiều trận đánh nên là một biểu tượng rất có ý nghĩa ở thời khắc lịch sử. Lúc lên tới nóc Dinh, trước khi kéo cờ của ta, vì muốn lưu lại khoảnh khắc này, anh đã ghi vào góc cờ: "Bùi Quang Thận -11h30 ngày 30/4/1975".

Sau hiệu lệnh, nhiều quả pháo sáng được các thành viên Đại đội 4 mang đến bay vút lên không trung. Nhóm lính tăng ngước nhìn pháo sáng, sung sướng cùng nhau reo hò. "Đó là màn ăn mừng độc đáo mà chúng tôi không thể quên trong một ngày đặc biệt. Nó tựa như giấc mơ vậy", ông Ngô Sĩ Nguyên, cựu pháo thủ số 1 xe tăng 390 kể lại.

Kéo cờ xong, đại đội trưởng Bùi Quang Thận cuộn lá cờ "ba sọc" lại, cầm theo và đi xuống sân Dinh Độc Lập. Lúc này, bộ đội ta đã vào Dinh rất đông, nhiều lá cờ chiến thắng được phất lên và cắm ở một vài nơi. Thấy ông Thận, một số phóng viên đã tới chụp ảnh, trong khi tay anh vẫn cầm theo cờ "ba sọc" được cuộn tròn. Đây là bằng chứng thuyết phục trong quá trình xác định ai là người đầu tiên đã cắm cờ tại Dinh Độc Lập…

Trưa 30/4, nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, những người lính tăng cùng đồng đội lặng đi trong giây lát. Sau đó, họ ôm chầm lấy nhau, vui mừng khôn tả...Sau bao nhiêu gian khổ, hy sinh, họ đã thỏa ước nguyện ước lớn lao nhất, là nước nhà thống nhất, Tổ quốc được độc lập, những người lính được trở về thăm lại gia đình, họ hàng…

Sau khi xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, rồi trưởng xe tăng 843 Bùi Quang Thận lên nóc Dinh cắm cờ chiến thắng, thì chỉ ít phút sau các xe tăng khác của đại đội 4 cũng lần lượt vào Dinh. Thấy cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh, các kíp xe tăng của Đại đội 4 đều trào dâng cảm xúc. Họ bắt đầu xuống xe, ôm choàng lấy nhau trong niềm vui chiến thắng. Sau đó, theo lệnh của chỉ huy, các lái xe và pháo thủ số hai của các kíp xe phải ở bên ngoài để bảo vệ xe của mình, còn lại vào trong Dinh.

Ở bên ngoài giữ xe, người lính trẻ Nguyễn Khắc Nguyệt vẫn lâng lâng cảm xúc. Anh biết kể từ giờ phút này chiến tranh đã chấm dứt, những người lính đã hoàn thành nhiệm vụ. Để đến được Dinh Độc Lập, cây số cuối cùng của cuộc trường chinh giải phóng đất nước, biết bao người, trong đó có những đồng đội của anh đã hy sinh. Nước mắt ứa ra, người lính trẻ vội lấy cuốn sổ tay luôn mang theo bên người, ghi vội dòng cảm xúc: "Khi chiếc xe dừng trước Dinh Độc Lập/Ta ngỡ ngàng - đây thật hay mơ?/Cây số cuối cùng - cuộc trường chinh dằng dặc/Đến rồi chăng? Hai mắt bỗng dưng nhòa".

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhung-cay-so-cuoi-cung-cua-cuoc-truong-chinh-20210430215200787.htm