Những cây đèn tỏa ánh sáng văn hóa

Cây đèn luôn được khẳng định là biểu tượng văn hóa giàu có ý nghĩa bậc nhất của nhân loại. 'Cổ mẫu' của cây đèn là ngọn đuốc. Từ thời ăn ở trong hang rồi đi săn bắt con người dùng đuốc, dần dần văn minh nhân loại tiếp 'dầu' cho ngọn đuốc bằng cách phú cho loài người trí thông minh đi tìm chất đốt từ những loài thực vật, rồi mỡ động vật làm 'nhiên liệu' để có cây đèn.

Tại sao người Việt có câu “Sống không đèn dầu, chết không kèn trống”. Tại sao trên bàn thờ tổ tiên dứt khoát phải có ngọn đèn? Mà phải đèn dầu mới đúng.

Điều này được một nhà phê bình văn học nổi tiếng từng than thở (năm 1942) khi tưởng tượng ra sự khó chịu vào chùa lại thấy ngọn đèn điện trên bàn thờ Phật. Nhưng ngày nay thì hầu hết đều dùng đèn điện, thảng hoặc một vài ngôi chùa “hoài cổ” mới có ngọn đèn dầu, nhưng chỉ để tiện châm hương/nhang mà thôi?!

Cây đèn luôn được khẳng định là biểu tượng văn hóa giàu có ý nghĩa bậc nhất của nhân loại. “Cổ mẫu” của cây đèn là ngọn đuốc. Từ thời ăn ở trong hang rồi đi săn bắt con người dùng đuốc, dần dần văn minh nhân loại tiếp “dầu” cho ngọn đuốc bằng cách phú cho loài người trí thông minh đi tìm chất đốt từ những loài thực vật, rồi mỡ động vật làm “nhiên liệu” để có cây đèn.

Trước năm 1945 khi chưa có “dầu” người Việt ta thường đốt đèn bằng dầu ép từ hạt vừng, lạc... Thế nên có hành động “khêu đèn”: “Chuông có gõ mới kêu/ Đèn có khêu mới rạng”. Cụ Nguyễn Tuân có truyện ngắn “Ngọn đèn dầu lạc” nói rất kỹ về những chuyện này...

Đèn dầu nhà quê.

Đèn dầu nhà quê.

Người ta tìm thấy mã biểu tượng nguyên thủy của cây đèn là các linga và yoni xa lắc. Hầu như ở nền văn hóa nào cũng có những cây đèn cổ có bầu đèn hình dương vật với ý nghĩa thắp lên ánh sáng là tái sinh sự sống mới. Trên hình các đèn đồng Đông Sơn của ta cũng đậm tinh thần phồn thực với nhiều đĩa đèn hình tròn, hình lá sen, hình oval… có bấc lớn, gợi đến hình ảnh yoni.

Lại có cây đèn cổ hình người trong tư thế buông lơi, hai chân thõng xuống, hai tay ôm giữ cần đèn gợi tới hành động giao phối trong trạng thái đê mê dâng hiến. Nhiều cây đèn được trang trí hình các loài động vật quen thuộc của cộng đồng.

Có một mẫu số chung biểu trưng gần gũi cho “cây vũ trụ” ở tất cả mọi nền văn hóa là “cây đèn chùm” tức có nhiều (bóng/bấc) đèn được kết cấu thành chùm (như kiểu đèn điện chùm hiện nay). Những đèn chùm này được tạo hình phong phú, chế tác tinh xảo. Có cây đèn hình người quỳ, đèn voi cõng nhiều cành nhánh trên lưng, đèn đĩa có nhiều mỏ bấc dài…“Cây vũ trụ” còn gọi là “cây mặt trời”, cây của sự sống bật toát ra ý nghĩa từ đặc trưng tỏa ánh sáng của cây đèn.

Hình tượng cây đèn phổ biến ở các nước Đông Nam Á có hình “rắn” và “chim” biểu tượng cho “âm” (rắn/dưới nước) “dương” (chim/trên trời) đối nghịch trong sự giao hòa. Có nhiều cây đèn mô phỏng hình con chim với lưng là đĩa đèn, mỏ là bấc đèn, đặc biệt là có ba chân. Tại sao ngày xưa chim lại ba chân? Có thể coi những đèn cổ đó chịu ảnh hưởng văn hóa Hán (mọi vật đứng đều ba chân).

Nhưng còn ý nghĩa? Có thể mang nghĩa thực dụng là ba chân rất vững để đèn không đổ, vì nếu đổ dễ nguy hiểm. Hai là biểu trưng cho “cây vũ trụ” có ba nhánh rễ khỏe khoắn. Số 3 lẻ, dương biểu trưng cho sự phát triển! Ba là số 3 thuộc “tam tài”...!?

Ở một vài nền văn hóa thì (con) “rắn” biểu tượng cho nguyên lý Mẹ, cội nguồn, tổ tiên, nhất nguyên, gắn liền với nước là cội nguồn sự sống. Thế nên người ta tìm thấy ở đó nhiều cây đèn có hình con rắn quấn quanh bầu đèn, thân bò lên đĩa đèn, há miệng “phun” ra bấc đèn (tức lửa). Có nơi thì con rắn mang dáng dấp hình con rồng.

Trên thực tế không có rồng bay trên trời mà đó là sự “hợp nhất” của “cá sấu” và “rắn” được tâm linh mơ mộng của người xưa cho bay lượn chín tầng mây mặc dù rồng không bao giờ có cánh. Huyền tích Việt còn ghi thần Linh Lang Đại Vương (được thờ ở đền Voi Phục – Cầu Giấy) là một con rắn lớn... Bên Trung Hoa cổ có Hán Cao Tổ Lưu Bang gắn liền với tích chém rắn dựng cơ đồ...

Lại có biểu tượng đèn voi, đèn người. Đèn voi là tượng voi chở cây đèn trên lưng. Đèn người là hình người đội đèn!!! Truyện Nôm “Hoàng Trừu” của ta có chi tiết nhân vật Chúa Huy giàu có, tàn ác, nghi ngờ một gia nô (công chúa Nam Việt bị lạc) lấy trộm chuỗi hạt trai mà bắt phạt làm cây đèn sống, tức phải đội trên đầu cây đèn...

Như vậy “cổ mẫu” cây đèn từ tận xửa xưa đã không chỉ để sáng theo nghĩa đen thông thường mà chủ yếu dùng theo nghĩa biểu tượng thể hiện quan niệm, triết lý nhân sinh của con người.

Alađanhvà cây đèn thần.

Đến đầu thế kỷ 20 ở ta mới có đèn dầu (đèn Hoa Kỳ). Từ đó đến khi có điện thì mỗi gia đình thường phải có dăm ba chiếc đèn để thắp sáng. Trong việc thờ cúng, tự nhiên đèn dầu thay cho đèn đĩa. Trên bàn thờ những ngày Tết, giỗ luôn có ngọn đèn vặn nhỏ (hạt đỗ) vừa để châm hương vừa mang ý nghĩa tâm linh, phong thủy.

Lửa là một trong “Ngũ hành tương sinh”: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Ngọn lửa (hỏa) cùng khói hương như là cầu nối hai thế giới người sống (dương) và thế giới người chết (âm). Từ quan niệm phong thủy, lửa hóa giải những năng lượng xấu, xua đuổi tà ma, cô hồn vất vưởng muốn vào “ăn mày”, “thụ lộc” cùng tổ tiên nhà mình, hoặc có khi chúng còn phá phách, ngăn cản cả các vong linh về với con cháu,… Thế nên ngày trước, dù thế nào thì trong ba ngày Tết ngọn đèn luôn phải sáng và hương nhang luôn được thắp.

Có lẽ ai cũng biết câu chuyện “Aladdin và cây đèn thần”, một trong những truyện đặc sắc nhất của“Nghìn lẻ một đêm” xứ Ba Tư huyền thoại. Ngày xưa, tại kinh đô nước nọ, trong gia đình người thợ may nghèo có góa phụ tên là Mustapha và đứa con trai Aladdin (Alađanh). Khi Aladdin 15 tuổi, một lão phù thủy từ châu Phi sang làm quen rồi dụ dỗ Aladdin đến một căn hầm bí mật lấy cây đèn

cũ. Aladdin nghi ngờ chưa chịu đưa, tức mình lão liền đọc câu thần chú bịt cửa hầm nhốt đứa bé ương bướng lại. Vô tình cọ tay vào chiếc nhẫn mà lão đưa từ trước, Aladdin biết hết được mọi bí mật. Thoát khỏi nơi nguy hiểm trở về, từ đó chàng trở nên giàu có, vương giả, còn cưới được cả công chúa.

Biết chuyện, lão phù thủy tìm cách chiếm lại cây đèn, tận thu của cải, bắt vợ Aladdin đưa về châu Phi. Nhờ Thần nhẫn hai vợ chồng Aladdin đoàn tụ, lập mưu giết lão phù thủy độc ác. Hạnh phúc hơn xưa, họ cảm ơn và để cho Thần đèn được tự do... Thế là nhờ Thần đèn mà Aladdin từ kẻ nghèo khổ trở thành người hạnh phúc nhất thế giới! Câu chuyện như một lời khuyên con người ta phải biết gắn bó và cảm ơn các cây đèn!

Phải vậy chăng mà người Việt có câu: “Sống không đèn dầu, chết không kèn trống”. Cũng là một quan niệm: Đời người khổ nhất là khi sống không đèn sáng và khi chết không kèn không trống. Ý nghĩa phổ quát toát ra: cái đáng quý nhất là ánh sáng. Đời người phải hướng về ánh sáng! Câu tục ngữ ngắn gọn mà thật quá hay, đậm đà tinh thần nhân văn không kém gì câu chuyện dài xứ Ba Tư.

Văn chương xứ Việt ta vốn giàu có giá trị nhân bản. Có khi hình tượng cây đèn chỉ xuất hiện gián tiếp nhưng lại góp phần tạo ra một tình huống mang tính bi kịch, như trong truyện “Người con gái Nam Xương”! Cái anh chàng Trương Sinh nông nổi tin vào lời đứa con ba tuổi (Đản) là chỉ có đêm đến thì cha mới về, mẹ đi thì cha đi, mẹ ngồi thì cha ngồi nên không bao giờ bế Đản. Chả là vì trước đó Trương Sinh phải đi lính trong khi đó vợ ở nhà có con.

Cái ghen bóng ghen gió cứ ấm ức rồi ngày một lớn dần để rồi Trương Sinh mắng nhiếc, hạ nhục vợ mình (Vũ Nương) những điều tệ hại nhất về phẩm tiết người phụ nữ. Nàng phải tự tử... Một tối Trương Sinh đang ngồi cô đơn, trống vắng. Chàng đứng lên đi đi lại lại, bồn chồn. Thằng Đản chợt hét toáng lên: “Ba tôi đến kìa!”. Nó chỉ vào cái bóng Trương Sinh trên tường...

Trương Sinh thảng thốt. Chàng gục xuống như cái mầm ghen của thằng đàn ông nhỏ nhen teo tóp thảm hại trước ngọn lửa sự thật: những ngày chàng xa nhà, vợ lấy bóng của mình nói với con về ba nó. Vợ chồng “như hình với bóng” cơ mà!!! Thế mà chàng nỡ giết chết một nhân cách đáng kính trọng, đáng yêu thương, tôn thờ! Người chết lẽ ra được sống còn người sống đáng ra phải chết, đáng chết ngàn lần!

Truyện mang tính thời sự. Chỉ tiếc người ta dạy cho trẻ em ở lớp 9. Lẽ ra dạy ở lớp 10 trở lên vì cái tuổi đã biết yêu và đang yêu. Vì vẫn thấy báo chí đưa tin dày đặc những vụ bạo hành vì ghen. Có khi còn thảm hại hơn Trương Sinh ngày xưa, vì thời nay đang yêu cũng ghen, chưa yêu được cũng ghen... rất vô lối!

Tài thật, chỉ là cái bóng hắt ra từ ánh sáng của chiếc đèn mà cụ Nguyễn Dữ xây dựng được câu chuyện cực hay, thấm thía. Nhưng dân gian còn tài hơn, chỉ hình tượng cái đèn thôi mà nói được bao trạng huống, bao cảm xúc yêu đương: “Bóng trăng em ngỡ bóng đèn/ Bóng cây em ngỡ bóng thuyền anh sang”...!!!

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nhung-cay-den-toa-anh-sang-van-hoa-608221/