Những câu thơ trông chết

Dưới vòm cây xanh lá trong khuôn viên Bảo tàng 'Các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy' ở huyện Phú Xuyên ngoại thành Hà Nội, giữa không gian của buổi nắng lên cao chợt vang lên tiếng sáo trúc du dương. Tiếng sáo như gợi lòng mê, rủ rê hồn người lạc tới một miền ký ức.

Tôi bước lại gần thì ra có một nhóm người tuổi cao đang ngồi quanh chiếc bàn nước. Họ không ồn ào trò chuyện hay khẽ khàng ghé môi nhâm nhi chén trà thơm phức. Mà họ dường như đang mải tâm tư. Người thì say sưa thổi sáo. Người lại trầm tư nghĩ ngợi xa xăm. Người đang thong thả lật từng trang sách. Và có người chăm chú đọc to những dòng chữ trên mảnh giấy vở cũ mèm.

“Mỗi buổi chiều về bên rào gai thép/ đứng lặng nhìn trời nghe lòng man mác/ nhớ mẹ già tóc bạc hoa râm/ mẹ có hay con đang bị giam cầm/ trên đảo nhỏ cuối trời Nam lộng gió”.

Người dẫn đường cho tôi tới thăm Bảo tàng là ông Nguyễn Văn Dư, phó giám đốc kiêm nhiệm của bảo tàng, người bí thư đoàn nhà lao Cây Dừa ngày đó, người lái tàu Bắc Nam từ ngày thoát khỏi lao tù cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, người đã cùng đồng đội nhiều lần trở lại Phú Quốc để những mong góp nhặt “dựng lại” nhà lao Cây Dừa xưa để lớp cháu con ngày ngày tri ân,ngày ngày soi gương phấn đấu.

Qua câu chuyện về quá trinh xây dựng bảo tàng này mà ông Dư đã kể, tôi thực sự khâm phục ý chí cùng nhiệt huyết của ông Lâm Văn Bảng, người trai Phú Xuyên dù tuổi đã sắp tám mươi nhưng dường như còn vẹn nguyện bầu máu nóng. Trở lại quê nhà sau những tháng ngày cống hiến cho đất nước, ông Lâm Văn Bảng đã bàn bạc với gia đình và quyết định hiến toàn bộ ruộng vườn nhà mình để rồi chính ông lại tự tay xây dựng Bảo tàng “các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy”, một bảo tàng tư nhân độc đáo và vô cùng ý nghĩa.

Trong những phần trưng bầy của mình có một phần trưng bầy thực sự thu hút khách tới tham quan, tôi có thể gọi đó là “khu trưng bầy phần hồn”. Ông Lâm Văn Bảng chân tình cho biết “để có nội dung cho phần trưng bầy này những người tham gia xây dựng Bảo tàng “các chiến sĩ bị địch bắt tù đầy” đã mất rất nhiều công sức để sưu tầm, để khôi phục”. Đó là mảng trưng bầy về “sách học chính trị” đồng hành cùng mảng trưng bầy về “sách học văn hóa”. Đặc biệt là mảng về “văn học”, mảng đem lại những giá trị tinh thần lớn lao với những bài thơ chép tay trên giấy vở ố vàng hay là những bài thơ được tập hợp lại sau đó đánh máy rồi in ra thành sách.

“Nghĩ gì đây giữa chốn đảo xanh/ nuôi mộng đẹp vượt lên gian khó/ tiền bạc không thể nào quyến rũ/ mua chuộc tâm hồn và sức sống của ta/ Nghĩ gì đây mỗi lúc đi xa/ mà vững bước trên đường tranh đấu”.

Tôi lắng nghe những câu thơ giản dị nhưng đầy kiêu hùng bên tiếng sáo khi trầm lúc bổng. Tiếng sáo được một người lính già, một cựu tù năm xưa, say sưa thổi. Dòng ký ức cứ tỏa lan rồi lan tỏa thành những thanh âm da diết. Ông Tăng Đình Thích, quê Nghệ An, ngừng tay thổi sáo, ông lặng lau những giọt nước mắt chảy trên gò má “Ở lao tù tôi được anh em dạy học Truyện Kiều. Mỗi ngày tôi học năm chục câu. Không có vở không có bút nên tôi xoa xoa cho cát phẳng, lấy cọng thép gai để viết rồi học thuộc. Ngày hôm sau lại thế vậy là ba nghìn hai trăm năm mươi tư câu Kiều tôi đã học thuộc. Những câu Kiều đã cho tôi niềm cảm hứng để tôi tự viết lên những câu thơ của mình”.

Tôi lắng lại nghĩ suy “Phải chăng đã có một phép tiên thần kỳ từ những trang sách, từ những vần thơ mộc mạc. Và chính thơ đã thổi vào tâm hồn những người bị giam cầm luồng sinh khí mới. Và trong tâm trí của những người tù ấy thì Phú Quốc không còn là “địa ngục trần gian” nữa mà Phú Quốc mãi là phần máu thịt của Tổ quốc và chính họ đã và đang đổ máu xương mình, vắt trí lực mình những mong một ngày giành lại”. “Tiếng súng vang dội khắp miền/ đánh quân Mỹ Ngụy thất điên phải lùi/ hôm nay lao ngục ngậm ngùi/ noi theo gương Bác rạng ngời vì dân”.

Với một chất giọng tràn đầy nhiệt huyết, người tù năm xưa, ông Nguyễn Thế Nghĩa quê Bắc Giang cho hay “Phong trào hồi đó nổi lên mạnh mẽ là phong trào làm thơ trong nhà lao. Thơ đả kích bọn địch. Thơ tôn vinh anh em mình. Mỗi khi có người của ta bị địch mang đi tra tấn về thì được ngợi ca bằng những câu thơ. Được viết thành ra, được truyền bá và đặc biệt là thơ đã thành tài liệu đấu tranh với địch”. Rồi ông Nghĩa cho biết thêm có một hôm có một anh quê ở Hà Tĩnh có làm bài thơ nói về sự tra tấn tàn bạo với những trận đòn roi cá đuối nhiều hơn cơm gạo. Bài thơ không may bị địch bắt được. Bọn chúng đã bắt anh đó lên nhà điều hành và bắt anh đó đọc thơ lại. Anh đã hiên ngang và nói “Nếu các ông cho phép tôi đọc này thì tôi sẽ đọc đúng nguyên văn”. Sau lần đọc thơ đó thì anh ấy không trở về. Kẻ địch đã sợ hãi và thủ tiêu anh. Chúng lo sợ anh sẽ viết tiếp những câu thơ tố cáo tội ác của chúng”.

Ông Lương Xuân Sanh quê Ninh Bình cho đến giờ vẫn không quên lần ông xung phong lên đọc bài thơ “chuột Phú Quốc” trước kẻ địch. Bài thơ tố cáo bọn cai ngục không những tàn ác đánh đập anh em mình mà chúng còn tham ô ăn bớt khẩu phần ăn. Lúc đó ông Sanh đã nghĩ “mình đọc xong bài thơ chắc chúng sẽ lôi đi bắn”.

Ông Đỗ Nguyên Lượng, quê Vĩnh Phúc bồi hồi nhớ lại những vần thơ của mình, những vần thơ tưởng nhớ đồng đội đã anh dũng hy sinh “những anh em đồng chí của tôi/ chiến đấu hy sinh trung nghĩa trọn đời/ anh thì truy điệu tôi báo tử/ ta giữa lòng xuân vẫn vẹn ngời/ nhớ Phú Quốc nhớ nhà tù Côn Đảo/ bao chiến sĩ lão thành cũng đã từng qua/ độc lập tự do muôn đời yêu quý/ nhật ký trong tù như bản hùng ca”.

Những vần thơ giản dị đã kết nối những miền quê. Những vần thơ hun đúc ý chí đấu tranh. Cuộc đấu tranh trên trận tuyến khác lạ nhưng vô cùng khốc liệt. “Thà chịu chết không cúi đầu sống nhục/ những người anh không chùn bước đấu tranh/ nhịp tim cuối không lời van khuất phục/ mỗi nhịp hơi tàn thêm mỗi đợt tiến công/ đã chiến thắng cả xiềng gông súng đạn/ cả cực hình tra tấn dã man/ và đã chết vẻ vang/ trước cái chết vẫn hiên ngang”.

Ông Nguyễn Trọng Khiêm, quê Bắc Ninh đã đọc bài thơ của mình như một sự tri ân về những người đồng đội đã hy sinh trong lao tù Phú Quốc. Giọng thơ hùng hồn nhưng tôi biết ông đang xúc động. Nhìn những giọt nước mắt ngân ngấn nơi khóe mắt của ông là tôi đã biết. Và người đồng hương Bắc Ninh của ông Khiêm là ông Vũ Văn Kim cũng hòa vào tinh thần đó, ông viết thơ ngợi ca tinh thần “bền bỉ” của người bạn tù tên là Xô, người đã bị tra tấn bằng cách đổ nước sôi lên người, ông Kim cho hay nhưng loại bài như thế ông đã viết tới hơn chục bài “Cai tù dội nước sôi tra khảo một người giữa bưng bít đảo khơi/ một người bị trói còng trong bao tải/ nước sôi dội không vung vãi mà ngấm mãi nóng nứt thịt da/ đợi tiếng van tha/ cai tù ngỡ nghe lầm sự thật/ vang trong hơi nước sôi là lời phẫn uất/ lời rủa nguyền lũ dã man/ lời của người từng lên án nhà giam hà khắc bạo tàn trước phái đoàn quốc tế/ người biết khi đoàn đi quân đồ tể sẽ trả thù hèn hạ trại tù binh/ sẽ trả thù người biết đoàn kết đấu tranh”.

Cái chết quả cảm của tù binh Nguyễn Văn Xô được khắc họa một cách chân thực và có sức tố cáo mạnh mẽ nhất. Đó là vần thơ đẹp nhất và là tấm gương cho những người còn sống nhắc nhở mình không quên nhiệm vụ đấu tranh và hy vọng ngày toàn thắng. Ông Nguyễn Văn Dư ghé vào tai tôi nói nhỏ “Chính ông Vũ Văn Kim là người đã tự mổ bụng mình để đấu tranh với địch. Hành động quả cảm của ông Kim ngày đó có sức phản kháng quyết liệt nhất nó khiến quân thù phải chùn tay.

Tiềng đọc thơ, tiếng sáo trúc vẫn vang ngân lên trong nắng. Những người chiến sĩ không may bị địch bắt tù đầy đã vượt qua cái chết bằng niềm tin một ngày đất nước trọn vẹn. Niềm tin ấy phải trải qua đấu tranh khốc liệt, trải qua thử thách tưởng như không vượt qua nỗi. Và chính trong cuộc chiến đấu đặc biệt đó những vần thơ đã ngân lên. Thơ ngân lên và sự sống ngân lên.

Khi đặt bút viết những dòng cuối của bài viết này tôi chợt nhớ, chợt thấm câu thơ của nhà thơ Xô Viết Xi mô lốp “Đợi anh anh lại về/ Trông chết cười ngạo nghễ”.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nhung-cau-tho-trong-chet-tintuc416061